Lật lại những vụ việc liên quan đến các doanh nghiệp kinh doanh game online thời gian qua, đại diện Cục C50 cho biết, mặc dù thị trường game online của Việt Nam đang diễn ra sôi động nhưng số công ty, đơn vị được cấp phép hoạt động kinh doanh game online đặc biệt là đối với các trò chơi điện tử trực tuyến đổi thưởng là rất ít.
Trung tá Nguyễn Thu Hằng (Trưởng phòng Thương mại Điện tử - C50, Bộ Công an). Ảnh: VOV.
Còn lại chủ yếu là game online “lậu” của nhà phát hành nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) tuồn vào thị trường Việt Nam sau đó thuê cá nhân, hoặc công ty tại Việt Nam đứng ra đăng ký kinh doanh, làm đại diện chỉ với những nhiệm vụ như: thuê mặt bằng trụ sở, thuê nơi đặt máy chủ, đường truyền internet và kết nối thanh toán trực tuyến cho các sản phẩm game, còn toàn bộ cơ sở dữ liệu, người chơi, mã nguồn của trò chơi do công ty nước ngoài kiểm soát.
Khoảng 80% doanh thu thuộc về phía nước ngoài, như vậy phía Việt Nam chỉ làm thuê và được hưởng một phần nhỏ doanh thu, còn dòng lợi nhuận “khủng” thu được từ game online lậu “chảy” ra nước ngoài.
Điển hình như vụ tuồn “3 game lậu” Vùng đất Thủ lĩnh rồng, Hoa Sơn luận kiếm, Demon Slayer của Công ty Lemon Game và Koramgame Trung Quốc vào thị trường Việt Nam cho Công ty cổ phần truyền thông và công nghệ 3G do Nguyễn Nam Tiến làm Tổng Giám đốc và Lương Xuân Cường làm Chủ tịch HĐQT cách đây chưa lâu.
Hàng loạt gmae online lậu do các công ty ngoại "tuồn" vào Việt Nam bằng cách thuê người Việt đứng tên đăng ký kinh doanh đã khiến nhà nước thất thu hàng tỷ đồng tiền thuế.
Để thu tiền từ người chơi, Công ty của Tiến và Cường đã ký hợp đồng thanh toán điện tử với Công ty Cổ phần thanh toán điện tử VNPT (VNPT- Epay) thông qua các thẻ cào của các nhà mạng. Trong vòng chưa đến một năm cung cấp 3 trò chơi điện tử trên mạng, Công ty Cổ phần truyền thông và công nghệ 3G đã đối soát và thanh toán với Công ty Cổ phần thanh toán điện tử VNPT gần 3 tỷ đồng.
Chưa có thống kê chính xác với các tựa game mà Koramgame và Lemon Game tuồn vào Việt Nam và cũng chưa xác định chính xác có bao nhiêu công ty tại Việt Nam đang phát hành trò chơi cho Koramgame và Lemon Game nên khó xác định chính xác được khoản thu, nhưng có lẽ không dừng lại ở vài tỷ đồng. Đáng lo ngại, hiện nay có rất nhiều game lậu tương tự đang được cung cấp trái phép tại thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến lại xin giấy phép một đằng nhưng kinh doanh một nẻo, game có phép là thiểu số còn game không phép là đa số, điển hình như vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần Sgame, trụ sở tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Không chỉ Nhà nước bị thiệt hại về thuế, những người chơi game sống trong thế giới ảo, đốt đời vì dành hết thời gian cho những trò chơi vô bổ.
Hoạt động từ tháng 9/2009 dưới sự điều hành của Mai Thanh Long (GĐ), Nguyễn Anh Dũng và Nguyễn Mạnh Linh (PGĐ), Công ty chỉ được cấp phép kinh doanh một số loại trò chơi điện tử nhưng đã “nhập nhèm đánh lận con đen” kinh doanh thêm hàng loạt trò chơi khác chưa được cấp phép. Một số trò chơi trực tuyến điển hình do công ty này kinh doanh gồm Đao Kiếm, Tân Tiên Kiếm, Đại Tướng, Đại Hiệp Truyện, Chiến Thần, Chân Long Giáng Thế, Tam Quốc Truyền Kỳ, Bắn Trâu... Bằng hoạt động kinh doanh gameonline trái phép, mỗi tháng, Công ty Sgame có doanh thu từ 3-8 tỉ đồng…
Nguy cơ trốn thuế
Đại diện Cục C50 cho biết, các đối tượng kinh doanh game “lậu” đang hoạt động khá rầm rộ nhưng với chính sách pháp luật hiện hành sẽ khiến cho hoạt động này không gặp bất kỳ rào cản nào.
Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều cổng trung gian thanh toán trực tuyến, trong đó chỉ có 16 cổng được cấp phép nên việc kết nối thanh toán cho game “lậu” trong thời điểm này là khá dễ dàng. Việc tồn tại nhiều cổng thanh toán không có phép sẽ dẫn đến khó khăn trong quản lý doanh thu và thất thoát thuế cho Nhà nước.
Nếu như thời điểm mới xuất hiện, trò chơi trực tuyến mới chỉ dừng lại ở việc liên kết người chơi dưới dạng một cộng đồng ảo thì hiện nay những trò chơi này đã hầu như không còn hoạt động hoặc số lượng thành viên tham gia không nhiều, mà thay vào đó là các game online đổi thưởng.
Sau khi đăng ký, người chơi sẽ được cung cấp một lượng tiền ảo nhất định, tên gọi của tiền này do các công ty cung cấp quy định. Khi chơi thua và hết tiền, muốn chơi tiếp người chơi phải mua thêm tiền ảo bằng cách nạp tiền qua thẻ cào điện thoại hoặc qua tài khoản ngân hàng. Nhiều game còn cho phép người chơi đổi thưởng từ tiền ảo ra tiền thật.
Hiện nay, thị trường game online Việt Nam có khoảng 120 trò chơi mô phỏng game đánh bài dân gian như tá lả, tiến lên, ba cây, xóc đĩa… trong đó có khoảng trên 20 trò cho phép người chơi được đổi thưởng bằng hình thức đổi thẻ cào điện thoại hoặc vật phẩm có dấu hiệu của hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc.
Giao dịch tiền ảo của những trò chơi này qua các cổng trung gian thanh toán trực tuyến có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Với số lượng tiền luân chuyển lớn như vậy, nên những hoạt động game online, thanh toán điện tử luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro; dịch vụ đổi thưởng chưa được pháp luật công nhận nên người chơi không được bảo vệ quyền lợi.
Do số lượng các thành viên tham gia có thể lên tới hàng triệu người những cổng trò chơi đổi thưởng này nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ rất dễ trở thành môi trường để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, kích động chống phá, hoặc tội phạm lợi dụng hoạt động, như: lừa đảo, tổ chức đánh bạc, buôn bán ma túy…
Theo đại diện Cục C50, các quy định pháp luật trước đây, các DN kinh doanh game “lậu” hoặc đăng ký một đằng nhưng kinh doanh một nẻo có thể khởi tố và xử lý theo tội danh “kinh doanh trái phép” của Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Tuy nhiên, khi Bộ luật Hình sự 2015 ra đời tội danh này đã được bãi bỏ, căn cứ có thể xử lý hành vi phạm tội này là Điều 292 - Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông. Đến nay, mặc dù hiệu lực của Bộ luật này đã được lùi lại để chỉnh sửa, bổ sung, nhưng còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về điều luật này.
Tác giả bài viết: Thái Bình
Nguồn tin: