Theo đó, 6 bị cáo bị truy tố gồm: Nguyễn Giao Chi (57 tuổi), nguyên Trưởng phòng Công thương huyện Tam Bình; Nguyễn Khắc Lâm Sơn (35 tuổi), nguyên Kế toán xây dựng cơ bản huyện Tam Bình; Nguyễn Thanh Tâm (39 tuổi), nguyên nhân viên Công ty cổ phần xây dựng Tam Bình (gọi tắt công ty Tam Bình); Nguyễn Thành Nhân (52 tuổi), nguyên Giám đốc công ty Tam Bình; Huỳnh Quốc Trung (31 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Tân Bình (công ty Tân Bình) và Phạm Thanh Sang (30 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng kiến trúc Phố Trẻ (công ty Phố Trẻ).
Theo cáo trạng, từ năm 2009 đến tháng 6/2014, Nguyễn Giao Chi đã ký 138 hợp đồng khống (gồm 85 hợp đồng với công ty cổ phần tư vấn xây dựng Tam Bình, 36 hợp đồng với công ty Tân Bình, 17 hợp đồng với công ty Phố Trẻ gây thiệt hại tổng số tiền hơn 3,87 tỉ đồng, trong đó phần của Chi là trên 951 triệu đồng; bị can Nguyễn Khắc Lâm Sơn với vai trò là kế toán đã cùng với lãnh đạo gây thiệt hại hơn 3,87 tỉ đồng, trong đó chiếm hưởng cá nhân hơn 603 triệu đồng; bị can Nguyễn Thành Nhân với vai trò đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 3,34 tỉ đồng, trong đó số tiền chiếm đoạt gần 500 triệu đồng chia đều cho các cá nhân, riêng Nhân chỉ hưởng hơn 24,3 triệu đồng.
Bị can Huỳnh Quốc Trung gây thiệt hại hơn 340,5 triệu đồng, chiếm hưởng 86,2 triệu đồng; Nguyễn Thanh Tâm gây thiệt hại hơn 225,6 triệu đồng, chiếm hưởng 92,1 triệu đồng; bị can Phạm Thanh Sang gây thiệt hại hơn 185,5 triệu đồng, chiếm hưởng 47,3 triệu đồng…
Riêng đối với Huỳnh Quốc Trung, trong quá trình điều tra chỉ thừa nhận một phần trách nhiệm là trong 36 hợp đồng được ký kết với Phòng Công thương Tam Bình chỉ có 9 hợp đồng khống, 3 hợp đồng tập hợp để Phòng Công thương quyết toán và 14 hợp đồng có thực hiện công việc, nhưng sử dụng con dấu đóng lùi ngày.
Trong quá trình xét hỏi các bị cáo đều một mực kêu oan. Bị cáo Nguyễn Giao Chi cho rằng “hoa hồng” từ các công trình đều chia lại cho các nhân viên trong cơ quan và làm chi phí cho các dự án công trình chứ không hề tiêu xài cá nhân. Đồng thời, các công trình đều được thực hiện nhưng thực hiện công việc ở mức độ nào thì bị cáo không nắm được.
Bị cáo Nguyễn Thành Nhân biện minh hành vi của mình là đúng luật và không có ý định rút ruột công trình vì mục đích tư lợi.
Bị cáo Nguyễn Thanh Tâm cho rằng mình là nhân viên bình thường của Công ty CP Xây dựng Tam Bình nên không phạm tội “Tham ô tài sản”.
Bị cáo Huỳnh Quốc Trung không đồng ý với lời trình bày của bị cáo Sơn và Tâm tại tòa. Trung cho rằng mình chỉ là người làm thuê, không biết chuyện đóng dấu lùi ngày. Phía chủ đầu tư yêu cầu thế nào thì bị cáo làm theo thế ấy.
Các hợp đồng đã ký kết đều thực hiện như kế hoạch và bị cáo không thông đồng với người khác làm khống hồ sơ nên bị truy tố tội tham ô tài sản là không đúng.
Các bị cáo trong vụ án tham ô tài sản tại Phòng Công thương huyện Tam Bình hầu tòa. |
Tuy nhiên, trong phần phát biểu quan điểm, vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố 6 bị cáo về tội “Tham ô tài sản”.
Tranh luận giữa vị kiểm sát viên giữ quyền công tố và các luật sư của bị cáo khá gay gắt. Luật sư bào chữa cho bị cáo Chi thống nhất với quan điểm của vị kiểm sát viên về quan điểm luận tội bị cáo có hành vi làm sai pháp luật gây thiệt hại ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, các hợp đồng bị cáo đã thực hiện sai nguyên tắc là do nôn nóng muốn khởi công sớm nên đã ký kết thực hiện trước một số phần việc. Đối với một số hợp đồng ký lùi ngày, đây chỉ là hành vi làm sai về nguyên tắc chứ không cố tình làm khống hồ sơ để rút ruột công trình.
Từ nhận định này, luật sư đề nghị HĐXX xem xét chuyển tội danh bị cáo Giao Chi từ “Tham ô tài sản” sang tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bởi các lẽ trên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Giao Chi 15 năm tù giam; Nguyễn Khắc Lâm Sơn 10 năm tù giam; Nguyễn Thành Nhân 9 năm tù giam; Huỳnh Quốc Trung 4 năm tù giam; Phạm Thanh Sang và Nguyễn Thanh Tâm mỗi bị cáo 2 năm tù giam cùng về tội Tham ô tài sản.
Tác giả: Minh Giang
Nguồn tin: Báo Dân trí