Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo cách mạng vĩ đại. Ảnh tư liệu. |
Đối với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là bổn phận, trách nhiệm thiêng liêng. Người từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.
Chính vì vậy, làm bất cứ nghề gì, kể cả làm báo, Người cũng chỉ nhằm mục đích phục vụ cách mạng và hoạt động cách mạng . Vì vậy, nếu chúng ta có “phong” cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nhà báo thì Người là nhà báo cách mạng.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người khai sinh đồng thời là người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người coi mình là “người có duyên nợ với báo chí”. Chính vì thế, Người căn dặn các nhà báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng.
Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Khi nói đến sự nghiệp làm báo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, bao giờ cũng gắn với nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng, bằng những tác phẩm báo chí rất nổi tiếng.
Giai đoạn từ những năm 1919 đến năm 1930 của thế kỷ XX, những bài báo của Nguyễn Ái Quốc tập trung vào hai chủ đề là tố cáo và lên án chủ nghĩa thực dân Pháp. Các tác phẩm báo chí thuộc chủ đề thứ nhất chủ yếu đã được đăng tải trên các tờ báo “Le Paria” “L’Humanité”, “La Vie Ouvriére”, tập san “Imprekor” và một số ấn phẩm khác trong khoảng thời gian Người hoạt động ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc.
Cuốn sách nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản lầu đầu tiên tại Paris năm 1925 được viết dựa trên những tư liệu và bài viết trên các tờ báo “Le Paria” “L’Humanité”, “La Vie Ouvriére”.
Tác phẩm “Đường Kách mệnh” là cuốn sách có ý nghĩa đặc biệt đối với lịch sử cách mạng Việt Nam, là tập hợp những bài viết của Người cho các lớp học chính trị tại Quảng Châu, Trung Quốc. Đây là những bài học về cách mạng, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, về con đường giải phóng dân tộc, con đường xây dựng đất nước đi tới độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc.
Với việc sáng lập, tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” sau đó ra Báo Thanh niên, ra số 1 vào ngày 21-6-1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của nền báo chí trong suốt tiến trình cách mạng đất nước.
Từ năm 1930 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thời kỳ mở đầu bằng sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; là thời kỳ hoạt động đầy gian nan và nguy hiểm của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Dấu ấn nổi bật nhất trong hoạt động báo chí thời kỳ này của Người là việc thành lập Mặt trận Việt Minh và cho xuất bản tờ báo “Việt Nam độc lập”.
Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước, phát triển cơ sở cách mạng ở Cao Bằng và triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào tháng 5-1941 nhằm hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, phát động phong trào cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi có thời cơ.
Ngoài những bài thông tin, chính luận, Nguyễn Ái Quốc còn viết nhiều bài đăng trên báo “Việt Nam độc lập” nhằm động viên cổ vũ các tầng lớp, lứa tuổi, toàn thể đồng bào đứng lên đoàn kết đấu tranh, cứu nước, cứu nhà. “Việt Nam độc lập” thổi kèn loa/ Kêu gọi nhân dân trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta!” Bài thơ này đặt dưới bức tranh cổ động cho báo Việt Nam độc lập do Nguyễn Ái Quốc vẽ, in trên báo Việt Nam độc lập số 103, ngày 21/8/1941.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, những tác phẩm báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa nhiều, đa dạng, nhiều loại hình, thể loại khác nhau, vừa bám sát từng ngày, từng giờ thực tế sinh động, hào hùng của những thời khắc chính quyền cách mạng non trẻ ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” và cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Hàng trăm bài báo của Người được đăng trên các báo “Sự thật”, “Cứu quốc”, “Nhân dân”, “Vệ quốc quân”, “Tập san Sinh hoạt nội bộ”... thể hiện quan điểm chỉ đạo kịp thời đối với những nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng Nhà nước mới, những vấn đề thời sự, những lĩnh vực quan trọng của công cuộc kháng chiến, kiến quốc như: “Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân”; “Chính phủ là công bộc của dân”; “Thiếu óc tổ chức, một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân”; “Sao cho hợp lòng dân”; “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”; “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”; “Giữ bí mật”; “Dân vận”; “Tự phê bình”; “Chống quan liêu, tham ô, lãng phí”; “Cần kiệm liêm chính”...
Thông qua các bài báo, Người thay mặt Đảng, Chính phủ chỉ đạo một cách rất cụ thể, sâu sắc nhiệm vụ cách mạng, đồng thời cảnh báo những nguy cơ khi Đảng nắm được chính quyền cách mạng.
Giai đoạn từ 1954 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết hàng trăm bài báo đăng trên các báo, tạp chí trong nước. Người dành sự quan tâm đặc biệt cho những vấn đề cấp thiết trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chỉ riêng việc trồng cây, Người đã có 6 bài báo đăng trên Báo Nhân dân thể hiện sự quan tâm rất sớm, tầm nhìn xa trông rộng của Người trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Nhiều bài viết của Người đề cập những vấn đề rất cụ thể hoặc có tính thời vụ, thời sự như chống hạn, giữ đề điều, phòng chống bão lụt. Đó là những bài báo có ý nghĩa chỉ đạo đối với cơ sở, vừa động viên nhân dân trong việc giải quyết những yêu cầu cụ thể, tổ chức thực hiện những nhiệm vụ cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp và tổ chức đời sống xã hội. Một lĩnh vực được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm là công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhân dân và giáo dục cán bộ, đảng viên.
Một loạt bài báo của Người đề cập những vấn đề có tính nguyên tắc về Đảng, chính quyền nhân dân, về yêu cầu giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, biểu dương những tấm gương tốt, những biểu hiện tích cực, phê phán những sai lầm, khuyết điểm của các cơ quan, tổ chức cũng như các cá nhân. Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí Học tập, số 12 năm 1958, có vị trí đặc biệt.
Đây là một bài viết có tính tổng kết lý luận, trình bày các khía cạnh nội dung, biểu hiện của vấn đề đạo đức cách mạng một cách có hệ thống. Người khẳng định, đạo đức cách mạng là yêu cầu tất yếu của người cách mạng; không có đạo đức cách mạng, người cách mạng không thể hoàn thành được những nhiệm vụ nặng nề của một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ; đạo đức cách mạng “không phải trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
Chủ đề lớn thứ hai đấu tranh chống Mỹ cứu nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện chủ yếu bằng thể loại tiểu phẩm. Các tiểu phẩm báo chí của Người thời kỳ này bám sát từng bước đi, từng thất bại của đế quốc Mỹ trên con đường tăm tối chống phá các lực lượng cách mạng dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Ngòi bút sắc sảo, cái nhìn tinh tường của Người luôn phát hiện được những sự kiện, hiện tượng thể hiện đúng bản chất, dã tâm của kẻ thù để ra đòn với tiếng cười châm biếm, tố cáo, vạch mặt chúng.
Bài báo cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân dân ngày 1 tháng 6 năm 1969, nhân đề: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”. Người đánh giá cao sự phấn đấu trong học tập, lao động và tham gia chiến đấu của thiếu niên, nhi đồng. Người dành cho thế hệ trẻ của đất nước những tình cảm sâu sắc, thái độ trách nhiệm cao...
Sẽ là thiếu sót, nếu khi nói nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh mà không đề cập đến sự quan tâm, chỉ đạo, viết bài của Người với Báo Cứu quốc, tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết hiện nay. Kể từ năm 1945 đến 1955, Bác Hồ đã viết và đăng trên Báo Cứu quốc khoảng 400 bài báo. Đặc biệt, Báo Cứu quốc cũng là tờ báo đăng tải thông tin đầy đủ về các sự kiện của đất nước, các hoạt động, các phát biểu, các bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra trong thời gian đó. Những bài viết, những tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Cứu quốc có ý nghĩa giáo dục và giá trị lịch sử đặc biệt. Việc quan tâm khai thác, nghiên cứu những bài báo và tư liệu lịch sử sẽ góp phần làm sâu sắc hơn, rõ ràng, cụ thể hơn nữa tư tưởng, tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh về độc lập và đoàn kết toàn dân tộc; về thu phục người tài cũng như cách thu phục, sử dụng nhân sĩ, trí thứcngười của Bác Hồ trong những thời điểm gian nguy. Đặc biệt, qua đây, những người làm báo lại học tập được rất đầy đủ, phong phú, toàn diện về kinh nghiệm làm báo vô cùng quý báu từ nhà báo cách mạng vĩ đại: Hồ Chí Minh. |
Tác giả: Vũ Lân
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết