Theo nghiên cứu của Nielsen, người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á là những người có xu hướng tiết kiệm cao nhất trên thế giới, với 2/3 người tham gia khảo sát (68%) cho biết họ sử dụng tiền nhàn rỗi cho những khoản tiết kiệm.
Trong đó, người Việt vẫn là những người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm cao nhất trên thế giới (76%), theo sau là Indonesia (70%), Philippines (65%), Malaysia, Singapore (63%) và Thái Lan (62%).
Tuy vậy, người Việt cũng rất sẵn lòng để chi trả cho các khoản mục lớn. Khảo sát trong quý II cho thấy, sau khi đã trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu, khoảng 3/5 người Việt sẽ sử dụng tiền nhàn rỗi để đi du lịch, nghỉ mát, tăng 5% so với quý trước.
Kế đến, người Việt sẽ ưu tiên mua sắm quần áo mới (38%) và sử dụng các dịch vụ giải trí bên ngoài (37%). Bên cạnh đó, người Việt cũng sẵn sàng chi tiền để trang trí nhà cửa (34%) và mua sắm sản phẩm công nghệ mới (32%).
"Người tiêu dùng Việt được biết đến như là những người có xu hướng ưu tiên tiết kiệm, và chính tâm lý này đã ảnh hưởng đến khuynh hướng chi tiêu cẩn trọng của họ, đặc biệt là chi tiêu cho các hàng hóa, nhu cầu cơ bản", theo quan sát của bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam.
"Nhưng ngược lại, thu nhập tăng lên lại đang thúc đẩy họ mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống và thay đổi phong cách sống như mua sắm các sản phẩm công nghệ đời mới hoặc quần áo mới", bà nói.
Theo báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng vừa được Nielsen công bố, mặc dù có sự giảm nhẹ trong quý II/2016, nhưng mức độ tự tin của người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được ở mức cao với 107 điểm. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 7 trong số các quốc gia có mức độ lạc quan cao nhất trên thế giới.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, sức khỏe, sự đảm bảo về công việc và sự ổn định của nền kinh tế là các mối quan tâm hàng đầu của người Việt hiện nay.
Tác giả bài viết: Nhật Duy