Trong nước

Người róc xương cá khổng lồ và những linh ứng kỳ lạ ở Cồn Bửng

Điều lạ lùng, là lần thứ 2 ông về Cồn Bửng, cách lần thứ nhất hơn 1 tháng, thì lại có một Cá Ông nữa chết ngoài biển, trôi dạt vào bờ, cũng ở Cồn Bửng, cách vị trí con cá trước khoảng 300m.

► Kỳ 1: Những chuyện kỳ bí về hai ông “cá thần” khổng lồ ở cửa sông Cửu Long

Kỳ 2: Người róc xương cá khổng lồ và những linh ứng kỳ lạ ở Cồn Bửng

GS-TS Vũ Gia Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn Hóa – Du lịch, giảng viên trường Chính trị Quốc gia, sống ở TP.HCM, nhưng lúc nào cũng đau đáu về mảnh đất Bến Tre.

Nhắc đến vùng đất Cồn Bửng, nghèo nhất xã Thạnh Hải, và xã Thạnh Hải cùng huyện Thạnh Phú lại nghèo nhất tỉnh Bến Tre, GS. Hiền không cầm được nước mắt. Ông bảo, người Bến Tre thật thà, chất phác, đóng góp xương máu rất nhiều cho cách mạng, nhưng cứ mãi nghèo. Cả vùng đất ấy là cù lao ở trong cù lao, ngăn sông cách trở, lại bị nhiễm mặn, nên làm kinh tế rất khó.

Nhắc lại chuyện hai ông cá voi khổng lồ, GS. Vũ Gia Hiền liên tưởng đến nhiều câu chuyện rất lạ.


GS.TS Vũ Gia Hiền

Năm 2004, cách nay 14 năm, khi về Bến Tre giảng dạy, ông đã rất ngạc nhiên khi tắm ở khách sạn mà tắm xong thấy da cứ dinh dính. Hỏi ra mới biết, cả tỉnh đang bị nhiễm mặn nặng nề. Nếu nhiễm mặn khắp tỉnh thế này, thì không thể phát triển kinh tế được. Đau đáu với điều ấy, ông đã bỏ công sức đi khảo sát ra phía biển.

Không hiểu có linh tính gì, mà ông đi loanh quanh gần 100km ra tận vùng Cồn Bửng. Vùng đất này nằm giữa 5 cửa sông, thế Ngũ Hành, nên ông cảm nhận thấy linh khí rất mạnh. Lúc đó, ông khẳng định ngay, đây chính là vùng đất linh. Khảo sát kỹ hơn nữa, thì ông phát hiện cồn cát này có tới 4 điểm hạ vũ khí của Đoàn tàu Không số từ Bắc chuyển vũ khí vào Nam.


Cồn Bửng nhìn từ vệ tinh

Đã có cả ngàn chiến sĩ cộng sản hy sinh mất xác ngoài biển cả, nơi Cồn Bửng này. GS-TS Vũ Gia Hiền bỗng nảy sinh ngay ý tưởng xây dựng tại đây một nghĩa trang mà ông đặt tên là “Nghĩa trang không hài cốt”. Trong nghĩa trang ấy, sẽ có những ngôi mộ, có tên tuổi liệt sĩ, ngày mất, nhưng không có hài cốt, bởi xương cốt các liệt sĩ đã nằm sâu dưới biển khơi, không thể tìm thấy được.

Trình bày ý tưởng ấy, ông được các lãnh đạo tỉnh ủng hộ hết mình. Sau đó, dự án “Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển” đã được triển khai ngay tại Cồn Bửng.


Công viên nghĩa trang tưởng nhớ các liệt sĩ Đoàn tàu Không số, đối diện với Lăng Ông

Điều kỳ lạ nữa, là đúng ngày GS.TS Vũ Gia Hiền về Cồn Bửng, thì dân trong vùng rần rần chạy ra Cồn Bửng bởi thông tin Cá Ông lụy, trôi dạt vào cồn. GS. Hiền cũng ra biển xem, thì thấy xác Cá Ông rất lớn, nhưng đã bị phân hủy nặng, chỉ còn phần lưng. Người dân dùng những cây sào lớn đóng xung quanh, chờ cá phân hủy, để lóc lấy xương.

Câu chuyện về Cá Ông lụy bờ ở Cồn Bửng cũng không khiến GS Hiền để ý lắm, vì đó là chuyện bình thường. Thế nhưng, điều lạ lùng, là lần thứ 2 ông về Cồn Bửng, cách lần thứ nhất hơn 1 tháng, thì lại có một Cá Ông nữa chết ngoài biển, trôi dạt vào bờ, cũng ở Cồn Bửng, cách vị trí con cá trước khoảng 300m. Con cá này to hơn con trước rất nhiều, nhưng cũng bị phân hủy nặng. Người dân cũng lấy cây sào đóng xung quanh, để giữ xác Cá Ông ở bãi cát, không trôi ra ngoài biển.


Cá Ông lụy ở Cồn Bửng năm 2004. Ảnh tư liệu

Lần thứ 3 GS-TS Vũ Gia Hiền trở lại Cồn Bửng, sau đó chừng 1 tháng, thì thấy một người đàn ông đang lóc thịt cá voi để lấy xương. Ông này quê ở huyện bên cạnh, chuyên nghề cải táng mồ mả. Nhìn cảnh ông ấy vật lộn trong mớ hỗn độn thịt xương đỏ lòm mà ái ngại.

GS. Hiền đến nơi hỏi han, tâm sự, thì ông này bảo: “Dân làng mời tui đến giúp lấy cốt Ông, thì làm sao mà tui không dốc hết tâm sức cho được. Tui có thể từ chối bốc mộ, cải táng người, nhưng với Ông thì tui không dám từ chối. Ông là vị thần của biển cả, bảo hộ cuộc sống ngư dân, thì mình nỡ lòng nào để Ông vật vờ ngoài biển thế này mãi được”.

Trò chuyện, GS. Hiền mới biết, người đàn ông đó được dân làng thuê róc thịt xương cá voi khổng lồ với giá 750 ngàn đồng, trong vòng 3 ngày. Suốt 3 ngày làm việc ròng rã, thì bộ xương cá voi đã được xếp chỉn chu vào chiếc lều dựng tạm ở ven biển. Đến ngày cuối cùng, người đàn ông dáng vẻ lam lũ đó móc túi ra khoe với GS. Hiền, thì chỉ còn đúng 40 ngàn đồng. Số tiền công mà dân làng trả trước, ông chi tiêu cho ăn uống, mua sắm một số thứ phục vụ cho công việc đã mất 710 ngàn đồng.


Xương sườn cá ông dài tới 2,5m

Đang lúc tần ngần, không biết làm gì với số tiền 40 ngàn đồng còn lại, thì một cậu bé bán vé số đến chào mời. Ngẫm nghĩ một lúc, ông này dùng cả 40 ngàn đồng mua hết vé số. Mua vé số xong, ông quay mặt ra biển, lầm rầm khấn vái, nội dung kêu Ông Cá phù hộ để có miếng ăn. Ai dè, tối hôm đó, ông trúng số, được 1,7 triệu đồng.

Điều kỳ diệu nhất, liên quan đến những câu chuyện linh thiêng quanh cá voi, là việc GS.TS Vũ Gia Hiền lần lượt phát hiện nhiều hố nước ngọt ở cồn Bửng, nơi mà nước ngọt là thứ xa xỉ, bao năm chỉ có trông vào trời.

Đợt đó là tháng 4, toàn tỉnh Bến Tre ngập mặn. Nước mặn xâm nhập khắp nơi. Cồn Bửng là cồn cát thoi loi ra biển, nên bốn bề ngập mặn, thế nhưng, điều kỳ lạ, là bỗng dưng xuất hiện một cái hố nước ngọt ngay cạnh nơi Ông Cá lụy, cách Lăng Ông hiện tại khoảng 500m ra phía biển.


Xương sống cá ông rất lớn

GS. Vũ Gia Hiền là nhà vật lý, nên ông giải thích được hiện tượng các hố nước ngọt xuất hiện ở ngay bãi cát ven biển. Lý do, nơi đây có cấu tạo địa chất đặc biệt, xuất hiện mạch dọc, khiến nước ngọt từ dưới lòng đất sâu phun lên. Điều thú vị, là những mạch nước ngọt lại hình thành từ những vùng bãi bồi do dòng Cửu Long bồi đắp. GS. Hiền đã đo đạc, tính toán và thấy rằng, suốt từ năm 1960 đến nay, vùng Cồn Bửng đã được biển bồi thêm 5km ra phía biển.

Với các nhà nghiên cứu như GS. Hiền, thì chuyện Cá Ông linh thiêng chỉ là lời đồn do có sự trùng hợp, nhưng với người dân Cồn Bửng và lân cận, thì sự xuất hiện của hố nước ngọt đúng thời điểm Cá Ông lụy, mang lại sự mát lành tươi tốt cho cuộc sống người dân trong ấp, đúng như lời nguyện cầu, là sự linh ứng kỳ lạ. Càng kỳ lạ hơn, khi suốt từ khi Ông lụy đến nay, liên tiếp cả trăm hố nước ngọt đã được phát hiện ở cồn cát mênh mông bốn bề ngập mặn này.

Còn tiếp...

Tác giả bài viết: Phạm Ngọc Dương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP