Kinh tế

Người Nhật giàu vì làm công nghiệp, Việt Nam giàu nhờ bất động sản

Thực tế này lý giải một phần nguyên nhân khiến công nghiệp Việt Nam "mãi không lớn", còn nền kinh tế nguy cơ vào thời kỳ "hậu công nghiệp" dù GDP mới bằng 1/10 những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thực tế nêu trên được Giáo sư Trần Văn Thọ - Đại học Waseda (Nhật Bản) chia sẻ tại hội thảo "Chính sách công nghiệp quốc gia tới năm 2025, tầm nhìn 2035" do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 10/3.

Cho rằng Việt Nam đang được xếp vào thế hệ nước công nghiệp hoá thứ 6 song lại chưa tận dụng được lợi thế của người đi sau, Giáo sư Thọ cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy giảm nội lực của nền kinh tế xuất là năng lực quản trị Nhà nước, chính sách chậm cải thiện, không được thực thi đầy đủ...

Ở những quốc gia đã phát triển công nghiệp thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc..., thời kỳ hậu công nghiệp hóa chỉ đến khi thu nhập bình quân (GDP tính theo đầu người) đạt ngưỡng 30.000 USD. Trong khi đó, hiện Việt Nam có mức GDP bình quân 3.000 USD song đã ngấp nghé rơi vào nhóm "hậu công nghiệp hoá đến sớm". Đường đi của dòng vốn trong nền kinh tế vì thế sẽ bị ảnh hưởng, thay vì "chảy" vào lĩnh vực sản xuất thì lại được rót vào bất động sản, thương mại...

Dẫn chứng kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Thọ cho hay 8/10 người giàu tại đây thành công nhờ đầu tư vào sản xuất công nghiệp, chứ không chỉ dựa vào bất động sản. "Tiếc rằng ở Việt Nam, xu hướng này lại đang diễn ra ngược lại. Bất động sản luôn nằm trong những lĩnh vực thu hút nhiều nhất nguồn lực đầu tư trong, ngoài nước gần chục năm qua", vị chuyên gia này nhận xét.

viet nam 0 7325 1489145137
Là nước đi sau nhưng Việt Nam lại ít tận dụng được lợi thế trong quá trình công nghiệp hóa. Ảnh minh họa: AFP

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), kinh doanh bất động sản thu hút 297,4 triệu USD, chiếm 21,2% tổng vốn FDI tháng 1/2017) và bằng khoảng 25% con số của cả năm 2016.

“Nếu chỉ có bất động sản, thương mại không thôi thì Việt Nam không thể có ngành công nghiệp thành công như mong muốn”, ông Thọ nói và cho rằng với một quốc gia sắp đạt ngưỡng 100 triệu dân thì không còn cách nào khác, Việt Nam phải đẩy mạnh công nghiệp hoá theo chiều rộng và chiều sâu để cưỡng lại quá trình hậu công nghiệp hoá đang tới quá sớm.

Chia sẻ ý kiến này, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright) cho rằng Việt Nam không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm công nghiệp cá biệt như hiện nay. Thay vào đó, Chính phủ nên thực thi chính sách ưu tiên lĩnh vực, năng lực phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước. "Có rất nhiều danh mục mơ ước nhưng không dựa vào thực tế, bối cảnh hiện tại thì thất bại. Nếu anh xứng đáng thì mới được ưu tiên. Chính phủ không thể hỗ trợ bằng bất cứ giá nào", ông Tự Anh nhấn mạnh.

Bài học từ những chính sách trước đây một lần nữa được vị chuyên gia này nêu lại khi dẫn kết quả cuộc nghiên cứu về sản phẩm của Intel mà Fulbirght tiến hành vừa qua. Theo đó, hiện chưa có nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cho đại gia công nghệ này đến từ Việt Nam. Các đối tác nội địa, nếu có, mới chỉ cung ứng được những chi tiết lặt vặt như giá đỡ, bao bì... Thực tế, tỷ lệ đóng góp nội địa hoá trong chuỗi cung ứng sản phẩm cho Intel chỉ 3%. Con số này là 8% với sản phẩm điện thoại di động của Samsung.

Chuyên gia này cho rằng đằng sau con chip điện tử của Intel mỗi năm xuất khẩu 4 tỷ USD, điện thoại của Samsung 40 tỷ USD (khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam), giá trị đóng góp của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chỉ nằm ở gia công, lắp ráp. Đây chính là hệ quả của quá trình bảo hộ công nghiệp trước đây.

"Ngành công nghiệp non trẻ chưa bao giờ lớn nhờ bảo hộ. Sau bao nhiêu năm bảo hộ, ngành thép chúng ta vẫn phải nhập thép. Giá thép vẫn cao hơn Trung Quốc”, ông Tự Anh nêu nghịch lý.

Nhìn lại giai đoạn phát triển công nghiệp vừa qua, Trưởng ban Kinh tế Trung ương - Nguyễn Văn Bình cũng nhận xét Việt Nam còn quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong khi sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước còn thiếu chặt chẽ, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp FDI thấp. Không những thế, chất lượng lao động ngành công nghiệp thiếu sự gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu thị trường lao động sản xuất công nghiệp. Chưa kể, liên kết vùng trong phát triển công nghiệp còn thiếu chặt chẽ...

Trên cơ sở kinh nghiệm của các quốc gia phát triển thành công công nghiệp ưu tiên, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh góp ý việc lựa chọn sản phẩm công nghiệp ưu tiên phải thực tế dựa trên thực lực công nghệ quốc gia và bối cảnh thị trường thế giới. Ngoài ra chính sách công nghiệp ưu tiên phải được tích hợp một cách chặt chẽ với chiến lược xuất khẩu, kỷ luật thời gian...

"Con đường để Việt Nam phát triển được nền công nghiệp quốc gia không phải là trông chờ vào bảo hộ, mà phải nhờ vào lợi thế so sánh, thành công qua cạnh tranh", ông Tự Anh nói thêm.

Tác giả bài viết: Anh Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP