Du lịch

Người Nhật ăn Tết: Tết Tây nhưng trọn vẹn phong tục "Ta"!

Thay vì tận hưởng tới 2 kỳ nghỉ lễ mừng Năm Mới ngay gần nhau, người Nhật chọn cách chỉ ăn Tết một lần chung với thế giới, nhưng vẫn theo phong tục truyền thống văn hóa một cách trọn vẹn.

Cách đây chỉ mới một thời gian không lâu, hầu hết các nước Đông Á đều rộn rã chung vui mừng năm mới Âm lịch, năm Bính Thân. Không khí đầu xuân tưng bừng trên khắp lãnh thổ phương Đông, chỉ trừ Nhật Bản.

Nhật Bản từ lâu đã không còn ăn mừng Tết Âm lịch. Truyền thống này bắt đầu từ thế kỷ 19, khi người Tây mang văn hóa mới du nhập vào xứ sở hoa anh đào, nhất là từ cải cách văn hóa Duy Tân. Từ đó về sau, người Nhật thôi dần ăn Tết theo lịch truyền thống, chỉ ăn mừng ngày năm mới theo lịch phương Tây. Tuy nhiên cái hay ở đây là, dù ăn Tết Tây nhưng người Nhật vẫn duy trì các phong tục truyền thống văn hóa nước mình một cách trọn vẹn nhất.

Nhật Bản chỉ tổ chức Tết dương lịch.

Tết Dương lịch vẫn là dịp để người Nhật tổng kết một năm mới đầy biến động, đón chào một năm hứa hẹn tiếp theo, dành vài ngày để ở bên các thành viên trong gia đình, hâm nóng tình cảm.

Vào ngày cuối cùng của năm, các công sở, trường học và hộ gia đình sẽ cùng nhau tổ chức "Osoji", tức là dọn dẹp nhà cửa, nơi làm việc. Người Nhật tin rằng, Osoji sẽ giúp người dân thanh tẩy nơi ở và đón chào "Toshigami-sama", vị thần năm mới đem đến điềm lành và niềm hạnh phúc tới mọi nhà.

Cuối năm là lúc dọn dẹp chào đón thần Năm mới.

Người Nhật có tục trang trí Kadomatsu ở cửa nhà sau dịp Giáng Sinh đón may mắn. Kadomatsu làm bằng 3 que tre gắn cùng 3 cành thông đại diện cho thiên đường, hạ giới và nhân loài, được tin là có khả năng thu hút những vị thần. Người Nhật sẽ treo Kadomatsu cho đến ngày 07/01, sau đó người ta sẽ đem chúng tới các ngôi đền để đốt, nhằm thả các linh hồn trở về cõi sinh sống của chúng.

Kadomatsu.

Đêm giao thừa của Nhật được gọi là "omisuka", bắt nguồn từ "miso", nghĩa là ngày 30, còn "ka", là ngày. Misoka trong lịch cũ của Nhật có nghĩa là ngày cuối cùng của tháng, còn omisuka là ngày cuối cùng của năm. Đến khi lịch mới của người Tây du nhập, misoka dần bị lãng quên, chỉ còn lại omisuka tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Trước khi chính thức bước sang năm mới, các gia đình người Nhật cùng quây quần ăn một bữa tối theo kiểu yến tiệc nem công chả phượng hoành tráng nguy nga. Và trong bữa đại tiệc này không thể thiếu một món ăn truyền thống, đó là ăn mỳ Toshikoshi Soba. Ăn mỳ Soba không chỉ được coi là sẽ xua đuổi những linh hồn tà ác trước thềm năm mới, mà còn là sự cầu chúc cho sức khỏe, sự kết nối dài lâu với chính các thành viên trong gia đình.

Tô mỳ Soba ngon lành cầu cho sức khỏe và sự gắn kết gia đình.

Về phía các công sở, trong khoảng thời gian tuần cuối cùng của năm, các công nhân viên chức sẽ tụ họp tổ chức những buổi tiệc tiễn năm cũ, gọi chung là các Bounenkai. Vì là dịp được thưởng Tết, thế nên hầu hết họ đều có điều kiện để ăn mừng với nhau bằng các món ăn ngon, đồ uống thịnh soạn quên đi những vất vả lo toan trong năm vừa rồi, chuẩn bị chào đón một năm làm việc thuận lợi sắp tới.

Tiệc cuối năm Bounenkai quên đi mọi khó khăn trong năm cũ.

Joya no Kane, còn được gọi là những chiếc chuông tẩy trần là một nghi lễ rất quan trọng trong dịp đầu năm mới của đạo Phật Nhật Bản. Các nhà sư sẽ đánh đủ 108 tiếng chuông, tượng trưng cho 108 điều sân si của con người. Bằng cách nghe tiếng rung chuông 108 lần, người Nhật tin rằng mình có thể thoát khỏi sự đeo bám của những ham muốn xấu xa trong tâm. Hiện có rất nhiều ngôi chùa đã cho phép người dân cùng tham gia lễ rung chuông này, nhưng tiếng chuông đầu tiên nhất định phải do nhà sư đánh.

Người dân tới xem các nhà sư đánh 108 tiếng chuông đầu năm mới.

Cũng trong dịp năm mới, người Nhật thường sẽ đến các ngôi đền, ngôi chùa để cầu nguyện. Chuyến đi lễ đầu tiên trong năm được gọi là "Hatsumode". Như những ngôi chùa nổi tiếng như Meiji tại Tokyo, Kawasaki Taishi tại Kawasaki và Fushimi Inari Taisha tại Kyoto luôn phải đón chào hàng trăm, cho đến hàng nghìn lượt khách ghé thăm cầu nguyện đầu năm. Tới các ngôi đền chùa này, dễ có thể bắt gặp các nhà sư, thầy tu vẫy trên tay những que hương đang bốc khói. Khói này gọi là "zuko", có khả năng tiêu trừ, thanh tẩy cơ thể, linh hồn con người khi được vẫy trên đầu.

Chùa quá tải vì người dân đi lễ cầu an.

Bước ra khỏi những ngôi đền chùa này, người ta nắm trên tay các mũi tên gỗ, gọi là Hamaya. Hamaya được trao tặng cho người tới thăm chùa để mang về đặt ở nhà, xua đuổi tà ma. Mũi tên được thiết kế không mấy sắc nhọn, tránh nguy hiểm cho người sử dụng và chủ yếu nhằm mục đích trang trí nhà cửa. Tuy nhiên hiện tại, Hamaya đã trở thành mặt hàng kinh doanh chú trọng nhiều vào lợi nhuận.

Những mũi tên Hamaya xua đuổi tà ma.

Trước khi Tết đến, người Nhật sẽ chuẩn bị sẵn những món ăn nguội gọi là Osechi, có khả năng bảo quản trong 7 ngày mà không cần bỏ tủ lạnh. Gốc gác của việc làm Osechi là để sử dụng trong thời gian 1 tuần lễ không nấu nướng để thờ phụng vị thần lửa Kohji. Người Nhật quan niệm rằng thần Kohji sẽ cảm thấy không vui và gây ra tai họa khi người ta nhóm lửa quá sớm vào đầu năm. Thời gian không nấu nướng này cũng sẽ cho các bà nội trợ một khoảng thời gian nghỉ ngơi sau cả năm quần quật nai lưng dưới bếp nấu nướng cho gia đình. Cho tới nay, nhịp sống đã phát triển, người ta ít tự làm Osechi tại nhà, thay vào đó là mua ở siêu thị và các cửa hàng lớn nhỏ.

Một ví dụ về Osechi trong mơ của mọi người dân Nhật.

Một phong tục không thể thiếu nữa của người Nhật dịp năm mới là gửi thiếp chúc mừng Nengajo tới cho bạn bè người thân. Mỗi tấm thiếp Nengajo đều có in số Seri và có thể sử dụng để tham gia quay số trúng thưởng do nhà nước tổ chức. Người ta đi gửi Nengajo cũng phải căn ke thời gian với bưu điện, bởi nếu đúng thời gian do bưu điện quy định, tấm thiếp sẽ đến tay người nhận vào Mùng 1 Tết, bất kể người đó có ở đâu trên lãnh thổ Nhật Bản đi chăng nữa.

Các tấm thiếp chúc mừng năm mới Nengajo.

Sau kỳ nghỉ lễ Tết, các cửa hàng, siêu thị bắt đầu mở cửa trở lại phục vụ khách hàng. Ngày mở hàng đầu tiên trong năm của các cửa hàng thường không quan trọng lãi lời, họ bán với mục đích lấy hên mà thôi. Bởi vậy, tại những cửa hàng này sẽ xuất hiện các túi may mắn được gọi là Fukubukuro, trong đó có chứa mặt hàng mà cửa hàng kinh doanh, được bán với giá vô cùng rẻ, thường tổng tất cả món hàng có giá trị gấp đôi số tiền khách bỏ ra mua. Người Nhật thường phải đi từ sáng sớm, xếp hàng để mua được những món hàng giá quá hời ngày đầu năm.

Túi phúc Fukubukuro.

Nhật Bản cũng có tục lì xì lấy hên, gọi là Otoshidama. Thanh niên, trẻ em dưới 22 tuổi đều có thể được nhận tiền lì xì từ ông bà, cha mẹ, gói trong những bao bì xinh xắn có tên "Pochi Bukuro". Với trẻ em dưới 6 tuổi, tiền lì xì sẽ là khoảng 1.000 yen (hơn 194 nghìn VNĐ), 5.000 yen (973 nghìn VNĐ) cho trẻ từ 6-17 tuổi và 10.000 yen cho người từ 18-22 tuổi (tương đương gần 2 triệu VNĐ).



Rõ ràng, Tết thì của Tây, thế nhưng các phong tục của người Nhật vẫn được giữ nguyên vẹn. Điều này chứng tỏ điều gì? Đó là người Nhật đã biết cách dung hòa văn hóa phương Tây và văn hóa quốc gia một cách tinh tế và khéo léo nhất, hòa nhập chứ không hề hòa tan. Thay vì tận hưởng tới 2 kỳ nghỉ lễ mừng Năm Mới ngay gần nhau, người Nhật chọn cách chỉ ăn Tết một lần chung với thế giới, nhưng vẫn theo phong tục truyền thống văn hóa. Không cần thiết phải chia làm nhiều đợt, chỉ cần một lần thôi nhưng chất lượng, thế là đủ, người Nhật nghĩ thế đấy.

Tác giả bài viết: Lương Hồng Phúc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP