Xe

Người lái taxi Sài Gòn đã dạy tôi điều gì?

Mùa hè, không gì thú vị bằng được cùng các con tự làm nên những ngày hè thú vị cho mình, không bị lệ thuộc vào internet và các thiết bị điện tử.


Ba mẹ con tôi luôn dành buổi sáng cho các hoạt động ngoài trời, hôm thì đi lang thang ngắm phố phường, hôm thì đi bơi, hôm thì đi bộ đến thư viện đọc sách…

Một buổi sáng như bao buổi sáng khác, sau một hồi cuốc bộ lang thang trong khu vực trung tâm thành phố, ngắm nghía từng góc phố, bàn tán sôi nổi về sự khác nhau của các căn nhà cổ với màu sơn vàng rất đặc trưng và các căn nhà “thuần Việt” được xây sau này, ba mẹ con tôi quyết định bắt taxi quay về nhà vì trời đã khá trưa.

Một chiếc taxi xanh lá dừng lại đón chúng tôi.

Ba mẹ con lên xe, điều lạ lùng đầu tiên các con tôi nhận ra ngay và thì thầm vào tai mẹ là “xe chú này sạch sẽ thơm tho ha má ha!” Đúng vậy, chiếc xe này không có mùi thuốc lá hay “mùi công cộng” như những taxi đang chạy ngoài kia. Ba mẹ con yên vị, anh lái taxi nhẹ nhàng xin phép khách đổi đĩa nhạc, đĩa anh đang nghe là một đĩa luyện nghe tiếng Anh, anh đổi sang một đĩa nhạc nhẹ của Richard Clayderman. Nhạc vang lên, nhẹ và êm, anh khẽ khàng hỏi khách nghe có vừa tai không, vì “nhạc của mình hơi kén khách đi xe”. Và xe từ từ lăn bánh, không vội vã, không giật cục... trong tiếng nhạc dịu dàng rơi. Anh từ tốn giới thiệu tên của bản nhạc, một điều hiếm thấy trong thói quen nghe nhạc của người Việt chúng ta. Con tôi ngạc nhiên thì thầm “chú nhớ tên bản nhạc luôn má!” (mặc dù có học đàn nhưng các con thường cho rằng nhớ giai điệu của bản nhạc và yêu thích nó quan trọng hơn là nhớ những chi tiết khác). Tôi bắt đầu thấy thú vị với một anh tài xế không giống những anh tài xế tôi thường gặp: giữ xe sạch, thích nhạc êm dịu và thích trau dồi kiến thức, kỹ năng.

Đến ngã tư, trong lúc dừng chờ đèn đỏ, anh lấy ra mảnh giấy hoa xinh xinh, “chú sẽ tặng cho các con một món quà nho nhỏ, các con chờ xem nó là cái gì nha” và chậm rãi gấp gấp xếp xếp... Ba mẹ con chăm chú nhìn theo thao tác tỉ mỉ của anh. Đèn xanh, anh ngừng tay, lái xe từ tốn, qua hai ngã tư dừng chờ đèn đỏ thì một con ếch origami bé xíu đã ra đời. “Con ếch của chú là ếch giấy nhưng nó có thể nhảy rất xa nghen!” Đặt con ếch lên mặt phẳng trước vô-lăng, anh ấn nhẹ vào thân ếch và nó nhảy tới trước, va vào kính xe và bật lại. Hai đứa con tôi cười ồ! Anh nhẹ nhàng nói, “nhiều người rất nôn nóng và cau có khi chờ đèn đỏ, nhưng mình có món origami nhanh gọn lẹ và thú vị để giữ mình luôn vui, không tốn kém gì mà nó giúp mình bận rộn để không phải bực mình vì những chuyện mình không thay đổi được xung quanh”…

Dường như cái nóng mùa hè đã mất hút kể từ khi ba mẹ con lên xe của anh, quan sát những gì anh làm, lắng nghe những gì anh nói. Đến ngã tư tiếp theo, anh lấy ra thêm 2 con ếch đã làm sẵn nữa, được làm bằng phiếu thu của các trạm thu phí: "một con là chú làm khi qua trạm thu phí sân bay, một con nữa chú làm lúc đi ngang trạm thu phí Nguyễn Văn Linh hôm qua, chú tặng cho hai anh em ba con ếch luôn nhé". Hai đứa trẻ thích thú cầm lấy mấy con ếch nhỏ, rồi ngồi nghịch ba con ếch nhảy tới nhảy lui, cười vang với nhau.

Anh nói với giọng rất tự hào "Chị và hai cháu đang được phục vụ bởi một trong những tài xế tử tế nhất của hãng”. Tôi thật lòng công nhận và cám ơn anh về điều đó. Suốt đường đi anh không bấm còi khi đợi đèn đỏ, anh bảo “ai cũng vội, nhưng khả năng lưu thông trên đường thì có hạn vì đường nhỏ và xe đông, bấm còi cũng không thay đổi được gì mà còn làm mọi người và bản thân mình bực bội hơn”. Anh bảo xe anh luôn sạch sẽ vì anh không hút thuốc, anh chăm xe thật chu đáo và anh chạy xe một mình để bảo đảm xe luôn ở tình trạng tốt nhất anh có thể duy trì (thông thường hai tài xế chạy chung một xe, ngày chạy ngày nghỉ). Anh chọn chạy một mình để bảo đảm được sức khoẻ và thu nhập của mình. Mỗi ngày anh chạy xe từ sáng sớm, trưa dành hai giờ đồng hồ để ăn trưa và nghỉ ngơi, chiều chạy tiếp đến 21g rồi về nghỉ (nếu không có khách quen dặn xe).

Làm việc điều độ và nghỉ ngơi hợp lý, anh có công việc đều đặn và thu nhập không khác gì anh em lái xe chạy cách nhật. Áp lực công việc chia đều ra mỗi ngày, không stress như anh em khác, và anh có đủ thời gian để làm những việc anh muốn khác ngoài công việc chính là chạy xe taxi. Với anh, như vậy là đủ.

Anh chia sẻ một chi tiết nhỏ: anh in luôn số điện thoại di động vào thẻ tên của mình đặt trong xe. Thành phố vốn đông đúc, lắm khi tìm được một chỗ đậu xe tạm thời rất khó khăn ở một số khu vực, có khi để tranh thủ ghé vào quán bên đường uống miếng nước hay ăn vội bữa trưa bữa tối, các tài xế taxi thường phải đậu trước nhà dân gần quán, nhiều khi chủ nhà mở cửa đi ra bị vướng xe rất khó chịu mà không biết phải làm sao, anh cho rằng có số di động sẵn trong xe như thế, họ có thể điện thoại cho tài xế, tài xế quay ra dời xe của mình đi chỗ khác, vừa nhanh chóng giải tỏa được nỗi phiền của chủ nhà vừa có được sự thông cảm giữa hai bên nếu mình có cơ hội giải thích…

Anh bảo cứ mỗi hành khách lên xe, là một cơ duyên cho anh giúp người khách bớt mệt mỏi về những thứ họ đang bận tâm, thế nên anh luôn cố gắng chăm sóc khách, bằng xe sạch, bằng nhạc dịu dàng, bằng những câu chuyện không liên quan đến thời sự quá căng thẳng bên ngoài, bằng sự chu đáo của mình...

Một anh tài xế taxi, bằng câu chuyện về những việc làm thường nhật của mình, đã giúp cho mẹ con tôi thật nhiều bài học nho nhỏ mà quý giá: bài học về sự tận tâm, chu đáo trong bất kỳ việc nhỏ nào mình nhận lãnh trách nhiệm, bài học về làm sao lấp đầy ngày của mình bằng những thứ tích cực, bổ ích và bình an, bài học về lập thứ tự ưu tiên trong cuộc sống, bài học về làm thế nào để sắp xếp cuộc đời mình một cách hài hoà và bền vững, và hơn hết, là bài học về sự tôn trọng: khi ta tôn trọng người khác với cả tấm lòng thông qua những việc mình làm, ta sẽ nhận lại được sự tôn trọng tương đương, cũng như khi ta suy nghĩ và hành xử tích cực, những điều tích cực và tốt lành sẽ tự nhiên đến với ta. Như những gì anh đã làm hàng ngày và mẹ con tôi may mắn được chứng kiến, như những gì tôi đang viết ra để mọi người có thể có cảm hứng từ chính anh… Vì một cuộc sống an lành hơn, tốt đẹp hơn mỗi ngày của chúng ta.

Tác giả bài viết: Đinh Thanh Phương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP