Người dân Iraq xếp hàng đăng ký truyền hình vệ tinh hôm 18/6, song phần lớn người dân không thể chi trả khoản tiền này. Ảnh: AFP. |
Khi những trận cầu đỉnh cao trong khuôn khổ giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2018 đang diễn ra trên các sân bóng ở Nga, những người hâm mộ không có điều kiện tới xem trực tiếp sẽ theo dõi qua màn hình TV. Nhưng đối với nhiều người Iraq, ngay cả việc được thỏa mãn niềm đam mê bóng đá qua truyền hình cũng khó khăn hơn nhiều, theo AFP.
Truyền hình vệ tinh trả phí với mức 100 USD cho giải bóng đá kéo dài một tháng khiến nhiều người không có cơ hội được xem tại nhà bởi thu nhập trung bình mỗi tháng của người dân nơi đây từ 400-700 USD.
Tuy nhiên, một số người đã chiếu các trận đấu cho người dân đến xem và thậm chí thu lợi nhuận từ hoạt động này. Trong một quán cà phê ở trung tâm thủ đô Baghdad, Hassan al-Sayyed lắp một màn hình lớn. Anh hy vọng quán của mình sẽ chật kín khách khi các trận đấu diễn ra, tăng thu nhập từ những người không có khả năng chi trả cho việc xem bóng đá tại nhà.
Những trận đấu của đội tuyển Ai Cập luôn thu hút sự chú ý lớn của người Iraq bởi đội bóng này sở hữu cầu thủ nổi tiếng nhất thế giới người Arab Mohamed Salah.
Ngồi giữa những vòng khói từ điếu thuốc đang hút, Mohammed Hassan là một trong số nhiều người cổ vũ cho Salah khi Ai Cập thất bại trước Nga với tỷ số 1-3.
"Chúng tôi đến đây mỗi ngày để xem các trận đấu, chủ yếu vì các lý do kinh tế", Hassan nói với AFP, than phiền về chi phí truyền hình.
Vì đội bóng Ai Cập của Salah bị loại, Hassan bây giờ sẽ cổ vũ cho Argentina của Messi và Tây Ban Nha dù anh vẫn mơ về một ngày nào đó Iraq sẽ có trận chung kết World Cup đầu tiên kể từ kỳ World Cup diễn ra tại Mexico năm 1986.
Tại Mosul, cách Baghdad 350km về phía bắc, việc người dân được phép xem bóng đá đánh dấu một bình minh tươi sáng của vùng đất này. Thành phố lớn thứ hai của Iraq đã bị Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng suốt ba năm và chỉ mới được giải phóng vào tháng 7/2017. Tại một quán cà phê, người dân chăm chú theo dõi các trận bóng. Hình ảnh của những chiến binh thánh chiến dường như đã biến mất hoàn toàn khỏi tâm trí họ.
"Ở đây chi phí ít hơn. Chúng tôi chỉ trả tiền đồ uống còn niềm vui thì miễn phí", Amir Mufak, 21 tuổi, một người Iraq khác cho biết.
Nhưng Mohammed al-Ashrini thì rất thất vọng vì chính phủ không tạo điều kiện cho công dân được sống với đam mê bóng đá.
"Một số nước mua bản quyền World Cup và các trận đấu được phát sóng miễn phí trên một kênh địa phương vì lợi ích của người dân. Tại sao Iraq lại không làm như vậy", anh nói.
Người dân Iraq theo dõi các trận đấu World Cup tại quán cà phê. Ảnh: AFP. |
"Chúng tôi biết sự khao khát của giới trẻ đối với những chiếc áo cầu thủ trong đội tuyển và chúng tôi đã đặt hàng 6 tháng trước khi giải đấu diễn ra", Sayyed Mussaui, ông chủ một trong những cửa hàng thể thao nổi tiếng nhất ở thủ đô, nói.
Quán cà phê không phải là nơi duy nhất sôi sục vì cơn sốt World Cup. Trong nhiều cửa hàng thể thao trên khắp đất nước, đặc biệt ở Baghdad, những chiếc áo được trang trí bằng số và tên của các ngôi sao nổi tiếng tô điểm cho các khung cửa sổ. Tuy nhiên, vì tài chính hạn hẹp nên người dân chỉ mua được áo Trung Quốc giá rẻ thay vì áo chính hãng.
Giá của một chiếc áo chính hãng có thể lên tới 90 USD nhưng một chiếc áo từ Trung Quốc chỉ có giá 12 USD, thương nhân 50 tuổi cho biết thêm. Áo của các đội bóng lớn luôn bán chạy nhất.
Thế nhưng bất ngờ đôi khi vẫn xảy ra. Khi Nigeria đánh bại Iceland với tỷ số 2-0, mở ra cánh cửa đi tiếp cho Argentina, nhiều người Iraq đã lao tới cửa hàng và mua toàn bộ áo của tuyển Nigeria.
Tác giả: Huyền Lê
Nguồn tin: Báo VnExpress