Nguyễn Thùy Linh hiện là giám đốc điều hành của thương hiệu Tân Mỹ Design với cửa hàng rộng hơn 1.000 m2 ở phố Hàng Gai, phố cổ Hà Nội. Nơi đây trưng bày nhiều sản phẩm chăn ga gối đệm, đồ thời trang, phụ kiện... thêu tay thủ công. Cô cho biết, ra đời từ năm 2009 nhưng thương hiệu này đã có bề dày lịch sử hơn 50 năm.
Chia sẻ cơ duyên đến với nghề, nữ doanh nhân tự nhận mình là cô gái phố cổ may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong nhung lụa theo đúng nghĩa đen. Là thế hệ thứ ba của Tân Mỹ - dòng họ với 50 năm gắn bó với nghề thêu tay ở Hà Thành, ngay từ khi lọt lòng, Linh đã được bao bọc bởi những chiếc khăn thêu, mặc những bộ váy thêu hay sử dụng chăn ga gối đệm và các vật dụng cá nhân do bà và mẹ thêu.
Thuở lên 4 - 5, Thùy Linh biết cách đứng trước cửa hàng để mời khách vào xem. Tình yêu với nghề thêu cũng từ đó mà dần lên khiến Linh quyết tâm kế nghiệp gia đình mà không do dự trước ngã rẽ khác.
Tốt nghiệp khoa Kinh Tế - chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thùy Linh tiếp quản Tân Mỹ dưới vai trò giám đốc điều hành.
Ba thế hệ của Tân Mỹ Design. |
Cô cho biết, bản thân cái tên Tân Mỹ đã mang thông điệp về một "vẻ đẹp mới", cái đẹp không bao giờ lỗi thời. Tuy nhiên, khác với cách làm của hai thế hệ trước là sản xuất những mẫu thêu hàng chục năm không cần thay đổi, nữ doanh nhân 8x luôn trăn trở tìm cách đổi mới mẫu mã, nâng cấp chất lượng để đem đến cho khách hàng các sản phẩm đa dạng, phong phú hơn.
Thùy Linh hợp tác với nhiều nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Việt Nam lẫn quốc tế như Minh Hạnh, Hà Trương, Đinh Công Đạt, Bianco Levrin, Lolo Zazar, Ipa Nima, My Way Deco, Pascal Dang, Chula, Rehahn Photography… để ra mắt những dòng sản phẩm mới có tính ứng dụng cao, mang tinh hoa của nghề thêu lâu đời lẫn xu hướng đương đại.
"Tất cả các đối tác của Tân Mỹ đều có chung tiêu chí tôn vinh sự khéo léo của người Việt Nam khi các thành phẩm đều được làm ra bởi những bàn tay Việt tài ba", nữ giám đốc chia sẻ.
Ngoài các sản phẩm thêu, Linh còn mở rộng các mảng sản phẩm truyền thống khác như sơn mài, gốm sứ, đồ trang sức, điêu khắc… được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam. Cô kỳ vọng Tân Mỹ Design sẽ trở thành một trung tâm văn hóa nghệ thuật - nơi gửi gắm và hội tụ những các tác phẩm tài hoa của nghệ nhân Việt.
Thùy Linh muốn đưa Tân Mỹ trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật hội tụ các tác phẩm tài hoa của nghệ nhân Việt. |
"Là truyền nhân đời thứ ba của Tân Mỹ, điều làm tôi ấn tượng nhất là khách hàng tin dùng sản phẩm. Có người sau 20 năm vẫn quay lại mua sản phẩm. Đó là điều bà ngoại tôi luôn mong muốn", Nguyễn Thùy Linh chia sẻ.
Ngoài thị trường trong nước, cô tiếp tục tìm hướng đi mới cho sản phẩm, hướng ra thị trường nước ngoài. "Những ngày đầu tiếp cận thị trường quốc tế, nhiều khách hàng chưa thực sự tin tưởng sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam. Trong khi mỗi đơn hàng mất nhiều thời gian sản xuất, chưa đáp ứng số lượng khách hàng", Thùy Linh nhớ lại.
Sau thời gian thử nghiệm, sản phẩm nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các trường Anh, Pháp, Mỹ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Hong Kong. Cô mang sản phẩm Việt sang chào hàng ở các hội chợ lớn.
Ngài John Forbes Kerry - Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đến thăm cửa hàng. |
Gần một thập kỷ, Tân Mỹ đón nhiều nguyên thủ quốc gia, hoàng hậu, công nương, hoàng tử… tới thăm. Nơi đây cũng được Sở Du lịch Hà Nội công nhận là cơ sở kinh doanh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch vào tháng 11/2017 và được tờ New York Times bình chọn là một trong 11 địa điểm không thể bỏ lỡ khi đến Hà Nội.
Nhiều các tạp chí và đài truyền hình uy tín tại nước ngoài khác The Guide, Travellive, Robb Report, Word Vietnam, Young Parents Singapore, Culture Trip, Silver Kris (Tạp chí của Singapore Airlines), Elle Canada, Dazzle Japan, NHK World cũng đưa tin về thương hiệu này.
Tác giả: Huệ Chi
Nguồn tin: Báo VnExpress