Trong nước

Người dân vùng lũ Bình Định: 'Nước hết, có mì cũng chẳng thể ăn'

Thấy xuồng cứu hộ, nhiều cánh tay, tiếng kêu từ những ngôi nhà bị ngập nước vọng ra: "Có gạo, có mì tôm nhưng ngặt nỗi không nước, không điện, không củi lửa thì sao mà ăn".

Ngày 17/12, mưa đã ngớt, nước lũ rút dần nhưng hàng nghìn hộ dân tỉnh Bình Định vẫn còn bị cô lập. Thiếu lương thực, thiếu nước uống… người dân nơi đây đang kiệt sức vì gánh những cơn lũ liên tiếp trong gần 20 ngày qua.

Hàng chục chuyến hàng cứu trợ đã được đưa về trung tâm huyện Tuy Phước và cho lên ôtô tải theo các đoàn bộ đội, công an, hội chữ thập đỏ… đi về những vùng bị cô lập.


Ông Nguyễn Văn Trung nhận hàng cứu trợ từ lực lượng chức năng. Ảnh: Phương Thảo

Nước đã rút một gang tay nhưng vẫn còn cao tới lưng quần, đồ đạc trong nhà ông Nguyễn Văn Trung (56 tuổi, thôn Luật Bình, xã Phước Quang) trôi theo lũ. Ông cho biết, vợ vừa mất, trong nhà chỉ có một mình, con cái lập gia đình ở thôn khác. Hôm nước tràn vào nhà lớn quá, các con không kịp về giúp, ông qua nhà hàng xóm cùng mọi người kê bàn lên cao trú tạm.

"Hai hôm nay tôi chỉ cầm chừng bằng mì tôm, nay nước hết, có mì cũng chẳng thể ăn. May sao có đoàn đến cho lương khô và nước suối, vậy cũng đỡ. Giờ xung quanh, bốn bề đều là nước, biết đi đâu được", ông Trung than thở.

Thấy xuồng cứu hộ, nhiều cánh tay, tiếng kêu từ những ngôi nhà bị ngập nước vọng ra: "Có gạo, có mì tôm nhưng ngặt nỗi không nước, không điện, không củi lửa thì sao mà ăn. Chờ hôm qua tới giờ tôi mới có được ít lương khô này ăn cầm chừng chờ nước rút. Nước xuống chậm, mà trời còn mưa thế này không biết bao giờ mới hết ngập", bà Trần Thị Lệ nói như khóc.

Trưởng thôn Luật Bình, ông Nguyễn Văn Tâm, cho biết cả thôn có gần 300 hộ đều bị nước bủa vây. Hai hôm nay mưa lớn, nước lên đến đâu dân di chuyển đến đó. "Nhà thấp lên trú nhà cao. Thấy xuồng cứu hộ là người dân mừng lắm", ông Tâm chia sẻ.

Ông Trần Kỳ Quang, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết, huyện có 10 xã đang bị lũ chia cắt, ngập sâu gần cả mét. Đầu tháng đến nay, người dân ở đây gánh chịu 4 đợt mưa lũ lớn. Trong đó, cơn lũ hôm 15-16/12 gần ngang lũ lịch sử năm 2013. "Người dân cực khổ không kể xiết, nhiều nhà bị ngập gần 20 ngày nay, giờ thêm con nước lớn lần này, kiệt quệ rồi", ông Quang nói.

Theo ông Quang, hiện nay chỉ có xuồng chuyên dụng của bộ đội, công an mới đi vào được những khu dân cư bị cô lập. "Hôm nay, ngày mai,... chúng tôi tiếp tục chia lực lượng tiếp cận đưa lương thực, nước uống cho các nhà bị ngập sâu, cố gắng không để dân bị đói khát", ông Quang cho biết.

Tại thành phố Quy Nhơn, nước đã rút nước nhưng vẫn còn một số khu vực bị chia cắt. Sau khi lũ đi qua, người dân ở gần Khu công nghiệp Phú Tài (phường Bùi Thị Xuân) lại hì hục dọn dẹp, vừa dọn bùn lũ, vừa dọn nhớt thải. Trần lũ chiều 15/12 đã cuốn hơn 100 thùng phuy dầu nhớt của doanh nghiệp trôi vào nhà dân.

Nước đi, nhớt, bùn ở lại, bám đầy. Cuộc sống của người dân ở đây đã đảo lộn vì không chịu nổi mùi hôi, vết bám của dầu nhớt ngập ao hồ, nhà cửa. Dầu nhớt đang chảy theo dòng suối có nguy cơ gây ô nhiễm trên diện rộng. Nhiều người lội xuống nước đen kịt để nhặt bàn, ghế của gia đình bị cuốn trôi.

"Quần áo, chăn chiếu… bị hư hỏng vì dầu nhớt, phải vứt bỏ. Nhiều vật dụng khác rửa cũng không sạch hết được...", bà Nguyễn Thị Thu mếu máo.


Nhiều đồ đạc của người dân TP Quy Nhơn bị lũ cuốn trôi bám đầy dầu nhớt. Ảnh: Quy Nhơn

Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Chủ tịch UBND phường Bùi Thị Xuân cho biết, dầu nhớt từ kho của doanh nghiệp bị lũ cuốn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến 4 nhà dân. "Việc này là do thiên tai nên chúng tôi đang tìm cách giải quyết hợp lý, đảm bảo quyền lợi giữa người dân và doanh nghiệp", bà Vi nói.

Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND Bình Định cho rằng, lần đầu tiên trong lịch sử chỉ một tháng, người dân tỉnh này phải hứng chịu 4 đợt lũ lớn, khiến cuộc sống bà con đảo lộn. Mưa lũ đã làm 25 người chết, 10 người bị thương, 400 ngôi nhà đổ sập, hơn 13.500 hecta lúa bị tàn phá… Ước tính thiệt hại hơn 1.230 tỷ đồng.

"Tỉnh đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ 500 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, giúp người dân ổn định sản xuất. Hỗ trợ khẩn cấp 5 tấn lương khô và 2.000 tấn gạo cứu đói cho người dân trong vùng lũ", ông Dũng cho biết.

Tác giả bài viết: Phương Thảo - Quy Nhơn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP