Xã hội

Người dân vùng cao huyện Hải Lăng không dám vào rừng vì sợ thú dữ ăn thịt

Thông tin đàn dê 13 con của hộ ông Nguyễn Ất, thôn Tân Phước, xã vùng cao Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) bỗng nhiên bị mất tích, chết bất thường, nghi do bị loài thú dữ ăn thịt, khiến người dân trên địa bàn hoang mang lo lắng, không dám vào rừng phát triển sản xuất.

Tìm hiểu sự việc được biết, những năm qua ông Ất xây dựng trang trại, chăn nuôi dê ở bìa rừng trên địa bàn xã Hải Lâm. Dê sau khi ra khỏi chuồng được thả rông, đến chiều tối ông Ất hoặc người nhà mới đi lùa dê trở lại vào chuồng. Khoảng 2 tuần nay, ông tá hỏa phát hiện đàn dê mỗi ngày một vơi dần, khi kiểm đếm bị mất tới 13 con.

Vợ chồng ông và các con vào rừng tìm thì phát hiện một số bộ xương dê nằm trên gò đất cao, xung quanh cây cối rậm rạp hoặc bên bờ suối. Đáng chú ý, ở những chỗ này và khu vực xung quanh trang trại của gia đình ông dày đặc dấu chân của loài thú hoang. Các dấu chân đều cùng một kiểu dáng, có đường kính lớn gần tới 20cm (rộng đúng bằng miệng chiếc bát Thái Dương).

Ông Ất và người nhà lập tức thông báo sự việc cho các hộ gia đình xung quanh, báo cáo với chính quyền và ngành chức năng địa phương. Một số bà con đã vào rừng xem xét, bước đầu nhận định những dấu chân thú kể trên là của loài hổ? Vì vậy, tất cả mọi người ở đây đều hết sức hoang mang lo lắng, đêm ngủ phải đóng kín mít cửa nhà, dựng rào chắn xung quanh chắc chắn đề phòng thú dữ xâm nhập.

Dấu chân thú ở vùng rừng trồng xã Hải Lâm được cho là dấu chân Báo hoa mai.

Ngày 2-3, sau khi thuyết phục, ông Ất mới đồng ý dẫn chúng tôi đến khu vực rừng có dấu chân thú dữ kể trên. Tuy nhiên, theo thỏa thuận ban đầu, ông đứng khá xa bìa rừng này. Khi chúng tôi vào rừng, có phát hiện một số dấu chân thú như ông Ất và người dân ở đây miêu tả. Những dấu chân không còn mới, song những dấu vết của chúng còn khá rõ, nhất là mỗi dấu chân có 5 vết trũng sâu vào mặt đất, kiểu như 5 móng vuốt của nó in xuống đây.

Trước sự hoang mang lo lắng của người dân, ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hải Lâm cho hay: “Trước mắt, UBND xã huy động lực lượng trực bảo vệ người dân và xua đuổi khi phát hiện thú dữ. Cùng với đó, chính quyền và các đơn vị chức năng địa phương đã ra thông báo cho bà con tạm thời không ra vào các khu vực rừng nghi có thú dữ kể trên. Cùng ngày, chúng tôi cũng đã tìm hiểu sự việc với Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị.

Theo ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị: “Cán bộ Kiểm lâm của đơn vị đã tiến hành đi thực tế, ghi nhận tại hiện trường. Theo đó, những dấu vết để lại có thể đây là loài báo hoa mai vốn trước đây từng tồn tại ở một số vùng rừng trên địa bàn Quảng Trị, nhưng biến mất từ sau khi kết thúc chiến tranh khoảng 10 năm. Và, theo các dấu chân trên, thì đây có thể là 2 mẹ con báo hoa mai, với cá thể mẹ nặng khoảng 50-60kg, cá thể con khoảng 20-30kg.

Cán bộ Kiểm lâm của đơn vị cũng đã xác định tọa độ, vị trí khu vực rừng có các dấu chân thú này. Theo đó, đây là khu vực rừng trồng sản xuất, kinh doanh của người dân Hải Lâm, nó nằm cách khu vực rừng tự nhiên vùng thượng nguồn sông Nhùng của Hải Lăng khoảng 13-14 km theo đường chim bay.

Trước sự phát hiện này, Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị trước mắt đã huy động lực lượng ngăn thú dữ xâm hại con người và vật nuôi xung quanh đồng thời bảo vệ chúng khỏi sự săn bắn vì đây là loại động vật hoang dã quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới cần được bảo vệ”.

Báo hoa mai. Ảnh: Tiền phong

Theo sách khoa học, báo hoa mai, thường gọi tắt là báo hoa (Panthera pardus) là một trong bốn loài mèo lớn thuộc chi Panthera sinh sống ở châu Phi và châu Á. Báo hoa mai dài từ 1 đến gần 2 mét, cân nặng từ 30 đến 90 kg. Con cái thông thường có kích thước bằng khoảng 2/3 con đực. Tuy thân hình tương đối nhỏ so với các loại mèo lớn khác nhưng Báo hoa mai là những kẻ săn mồi nguy hiểm đáng sợ, với khả năng rình mò huyền thoại và có thể ăn được bất cứ động vật nào có kích cở từ bọ hung trở lên.

Phần lớn Báo hoa mai có màu nâu hay nâu vàng nhạt với các đốm đen, nhưng lớp lông của chúng thì rất đa dạng. Các đốm có xu hướng nhỏ hơn về phía đầu, lớn hơn và có tâm nhạt ở phía thân. Năm 2013, Báo hoa mai từng xuất hiện tại khu vực gần sân bay Liên Khương, thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Tác giả: Thanh Bình

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP