Trẻ em ở Sủng Là đợi bán cho du khách những bó hoa tam giác mạch. Ảnh: Phạm Thị Ngoan |
Cao nguyên đá Hà Giang được xem là “điểm hẹn nơi cực Bắc”. Dù đã lên kế hoạch từ lâu cho hành trình khám phá vùng đất này, nhưng gần đây, nhóm chúng tôi mới thực hiện được, sau rất nhiều lần lỡ hẹn. Tháng 11, giữa miền cao nguyên núi đá tai mèo vốn chỉ một màu xám xịt, lạnh lẽo và tràn đầy cảm giác u ám, bỗng trở nên nổi bật, duyên dáng và mềm mại hơn nhờ những triền hoa tam giác mạch đang thời nở rộ.
Xuyên suốt cung đường đèo hơn 150km từ thành phố Hà Giang đến thị trấn Đồng Văn, với hàng nghìn khúc cua tay áo vắt vẻo từ ngọn núi này sang ngọn núi kia, khiến chiếc “chiến mã” Fortuner của chúng tôi liên tục gằn lên rồi lắc lư chao đảo. Đương nhiên, một cảm giác ngây ngất vì say xe đã trở thành nỗi ám ảnh với một số thành viên đoàn là nữ giới, để rồi có người thốt lên rằng, “sẽ không bao giờ dám trở lại cung đường này”.
Không chỉ say xe, với những ai mới lần đầu đặt chân lên đây còn thấy có một chút “nhồn nhột” bởi đèo cao, vực thẳm. Thi thoảng, xe chúng tôi gặp những khối đá to như con voi, con bò rơi từ trên núi xuống, nằm chình ình chắn ngang đường đi. Bước lên cổng trời, nhìn về các bản làng xa xa, thấp thoáng lưng đèo mà ngỡ như mình đang cưỡi gió giữa ngút ngàn mây.
Mệt mỏi, nhọc nhằn là thế, nhưng mỗi khi xe đến quãng nào có nhiều hoa tam giác mạch nở ven đường là mọi người hô hào nhau dừng xe lại để xuống chụp ảnh, ngắm hoa. Vốn chỉ được xem hoa tam giác mạch trên mạng và qua báo chí, nên lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến những vườn hoa tam giác mạch tràn ngập màu sắc xen giữa những bạt ngàn đá tai mèo, tôi thực sự cảm thấy hưng phấn. Cầm bó hoa với sắc trắng, phớt hồng, phớt tím hòa quyện vào nhau, du khách chắc hẳn phải say lòng và càng choáng ngợp hơn khi thấy một không gian với nhiều hoa tam giác mạch ngút ngàn phủ khắp các thửa ruộng bậc thang, xếp tầng tầng lớp lớp viền quanh những mái đồi như chiếc váy nhiều tầng của người thiếu nữ Dao, Mông nơi đây.
Ở miền cao nguyên cực Bắc, tháng 11, thời tiết lạnh ngắt đến tê tái và chính cái lạnh đặc trưng rất vùng cao ấy đã trở thành đặc sản để nhiều du khách kiếm tìm. Trong đoàn chúng tôi có một người quê gốc ở Nam Định lên Hà Giang công tác được hơn 10 năm. Anh nhiệt tình làm hướng dẫn viên cho đoàn. Nhiều thông tin về vùng đất, con người Hà Giang, anh nắm khá chắc.
Anh cho biết: Với đồng bào nơi đây, tam giác mạch là lương thực cứu đói cho những ngày giáp hạt. Hạt mạch để xay bột làm bánh, thân cây còn non dùng làm rau xanh để ăn. Trước kia, tam giác mạch chỉ được đồng bào trồng xen canh với rau màu, hoặc trồng rải rác trong vườn nhà dùng thay thế ngô mỗi khi thiếu đói. Giờ đây, tam giác mạch còn là một sản phẩm du lịch khá độc đáo, trở thành hình ảnh biểu trưng, thương hiệu độc đáo của mảnh đất địa đầu cực Bắc. Một số hộ dân ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc trồng những vườn hoa để phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách đã mang lại thu nhập đáng kể.
Nhằm tôn vinh giá trị văn hóa và sức sống mãnh liệt của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Đồng Văn, khẳng định thương hiệu du lịch Hà Giang gắn với loài hoa này, nhiều năm gần đây, tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch.
Miền cao cao nguyên đá có nhiều điểm ngắm hoa tam giác mạch lý tưởng, trong đó tiêu biểu như: Thạch Sơn Thần (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ), cánh đồng dưới chân cột cờ Lũng Cú, chân đèo Mã Pí Lèng, Làng Văn hóa Lũng Cẩm (thung lũng Sủng Là, Đồng Văn); Làng Văn hóa Vần Chải (Đồng Văn)... Xã Sủng Là nằm cạnh quốc lộ 4C, cách huyện Đồng Văn hơn 20km, được xem là điểm ngắm hoa tam giác mạch đẹp nhất ở Hà Giang mà nhiều người ưu ái đặt cho nó cái tên “Nơi đá nở hoa”.
Khi tới Sủng Là, bạn còn có cơ hội dừng chân và ghé thăm ngôi nhà được quay trong bộ phim “Nhà của Pao” hoặc tham gia phiên chợ Sủng Là nhộn nhịp vào sáng Chủ nhật hằng tuần, cùng bà con dân tộc Mông, Lô Lô. Nhiều du khách đến Hà Giang đã tìm mua hạt giống tam giác mạch để về gieo trồng. Theo kinh nghiệm của người dân bản địa, hoa tam giác mạch chỉ đẹp và hấp dẫn trong gần 2 tháng, sau đó, hoa sẽ già đi và tỏa ra một mùi hương không mấy dễ chịu.
Trong rất nhiều hình ảnh đẹp và hấp dẫn của mùa hoa tam giác mạch, vẫn thấy những “nét trầm” của vùng đất này, khiến nhiều du khách băn khoăn và thoáng buồn. Đó là hình ảnh những em bé vùng cao giữa trời giá lạnh như cắt da cắt thịt, quần áo mỏng manh, gùi những bó hoa tam giác mạch đứng cả buổi để bán kiếm thêm chút tiền phụ giúp cha mẹ. Thế nhưng, khi ngắm nhìn những nụ cười hồn nhiên trên khuôn mặt rạng ngời của các em qua lớp sương mờ, tôi cảm nhận được rằng, bao đời nay, sức sống của đồng bào miền cao nguyên đá này luôn mãnh liệt và kiên cường như thế. Rồi đây cuộc sống sẽ khấm khá hơn và biết đâu cũng nhờ những chính sách phù hợp đối với phát triển du lịch mà cái đói, cái nghèo ở nơi đây sẽ dần đi vào quá khứ.
Tác giả: Phạm Thị Ngoan
Nguồn tin: Báo Biên phòng