Tác giả bài viết: Bùi Việt Phương
Khác với những củ măng tròn lẳn, mập mạp như mũi chông nảy lên mặt đất, măng lay Tây Bắc là từ một loại cây leo mảnh mai, mọc thành từng bụi ở ven các sườn núi, sườn đồi. Thứ cây mọc lên từ măng chẳng thể làm nhà cửa, đan lát phên rào, rổ rá… nhưng vị ngon thì rất tuyệt.
Ngày còn nhỏ, cứ vào độ mùa xuân cho đến mùa thu, lũ trẻ chúng tôi lại được thưởng thức măng lay ngọt ngào. Những bút măng lay Tây Bắc nhỏ, thon dài với lớp áo tím sẫm, ngọn măng màu sáng như một thứ mầm cây cảnh. Khi luộc chín, bóc lớp vỏ ra, búp măng thon nhỏ, trắng ngần đẹp như ngón tay người con gái Thái.
Ngọt ngào món quà măng lay miền Tây Bắc (ảnh: BVP).
Còn nhớ, vào những ngày đi kiếm củi trong rừng, có nắm măng lay, chấm với muối ớt thật thú vị. Còn khi ở nhà, có khách quý tới chơi, chẳng cần cỗ bàn cầu kì, có ít măng lay chấm chẩm chéo thì không gì tuyệt bằng. Chấm chéo vốn là thứ đồ chấm được giã từ các thứ gia vị như muối, ớt xẻn, bột ớt nướng giã nhỏ, rau mùi tàu… Chéo có vị ngon hấp dẫn quyện với măng lay làm dậy lên hương vị núi rừng. Ngày ấy, mỗi khi nhắc đến “măng lay chấm chéo” bọn trẻ chúng tôi đã thấy ứa nước miếng…
Thế rồi, năm tháng qua đi, theo chuyến xe về miền xuôi với những chiếc bàn ghế lỉnh kỉnh của miền sơn cước, những ký ức về Tây Bắc cứ vơi dần trong lòng chúng tôi. Những món ăn thiếu gia vị, hương liệu núi rừng ban đầu nhạt miệng, dần thành quen và qua quýt cho xong bữa.
Cho đến một ngày được trở lại miền đất yêu thương ấy, ngắm những sườn đồi, chân dốc đã không còn những bụi măng lay, hỏi ra mới biết sau bao năm, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Anh bạn tôi hẹn, có dịp nào xuống miền xuôi sẽ cố gắng kiếm và mang cho tôi một bó măng lay Tây Bắc ăn cho đỡ nhớ.
Giờ thì món quà quê mùa, mộc mạc đã nằm trên tay, dẫu không gặp được người bạn thân để tay bắt mặt mừng nhưng vẫn còn nguyên đó vị ngọt của ân tình Tây Bắc.