Với người dân miền Tây, những khi có dịp vui, đặc biệt là ngày thôi nôi của con cái thì món chè trôi nước dường như không thể thiếu. Tùy vào mỗi gia đình mà họ làm số lượng nhiều hay ít, nhưng thường thì cũng khoảng 100 viên chè để chia vui, thiết đãi khách đến nhà.
Món chè trôi nước được người dân ưa chuộng là làm từ bột nếp trắng và nhân đậu xanh. Cách làm chè trôi nước như sau: Đậu xanh được nấu cho chín nhừ rồi bỏ ít hành lá, thịt dừa trộn lẫn vào nhau, sau đó nhồi thành một dạng bột, nêm gia vị là muối, đường (có người chỉ nêm muối) và vò lại thành viên (lớn, nhỏ tùy mỗi người) tạo thành nhân của chè. Còn “vỏ bọc” bên ngoài của viên chè được dùng từ nếp ngâm; Nếp được xay ra thành dạng bột trắng rồi nhồi cho đặc quánh lại vừa đủ mềm để có thể bóp dẹp rồi bỏ nhân đậu xanh vào bên trong, sau đó vo tròn lại thành viên chè “sống”. Nước chè thì được làm từ nước, đường, gừng được nấu sôi lên, sau đó bỏ viên chè “sống” vào chừng 5 phút là thành viên chè chín. Lúc này đã thành món chè trôi nước.
Sở dĩ có tên gọi chè trôi nước là khi viên chè còn bột "sống" bỏ vào trong nồi sẽ chìm xuống đáy, đến khi chè chín sẽ lại nổi lềnh đềnh trên mặt nước trong nồi nên người dân gọi là chè trôi nước. Và thêm một điều đặc biệt là chè trôi nước nấu bằng củi đun được cho là ngon hơn nấu bằng gas hay chất đốt nào khác.
Chè trôi nước ăn khi còn nóng hay nguội đều rất ngon, tùy vào sở thích của mọi người. Nhưng thường người ta hay ăn khi chè trôi nước khi đã nguội, thậm chí được để qua đêm hôm sau thì mới ngon.
Cân cảnh một buổi làm chè trôi nước của người dân miền Tây:
Tác giả bài viết: Huỳnh Hải