Thế giới

Ngôi làng của người Triều Tiên ly tán sát biên giới liên Triều

Cạnh đường giới tuyến phi quân sự liên Triều (DMZ) về phía Hàn Quốc, có một ngôi làng đã đón hàng ngàn người Triều Tiên di tản sang trong cuộc chiến 2 miền bán đảo gần 70 năm trước.

Ông Kim Kun Wook, một người Triều Tiên ly tán đang sống ở Hàn Quốc (Ảnh: AFP)

Theo AFP, trong và sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra, hàng ngàn người Triều Tiên đã chạy tới một khu vực bán đảo nhỏ ở Cheongho-dong, một trong những cảng đánh bắt ở cực bắc Hàn Quốc. Khu vực này dần được gọi với cái tên làng Abai, đặt theo từ địa phương của khu vực Hamgyong, quê hương của những người Triều Tiên di tản này.

Các vận động viên Bình Nhưỡng sẽ tham gia tranh tại tại Thế vận hội mùa Đông năm 2018 vào tháng 2 tại nơi chỉ cách Cheongho-dong 1 giờ đi ô tô. Những người thuộc thế hệ người Triều Tiên ly tán đầu tiên có thể cảm thấy họ có mối liên hệ mạnh mẽ với Bình Nhưỡng khi nhiều người trong số họ đã bỏ lại gia đình phía sau mấy chục năm qua. Tuy nhiên, trên giấy tờ và cả trong nhận thức, họ là người Hàn Quốc sau khi dành phần lớn cuộc đời sống ở đây.

“Chúng tôi phải cổ vũ cho đội chủ nhà vì tôi là người Hàn Quốc”, ông Hwang Seung Hwan, 81, người đã tới làng Abai gần 70 năm về trước từ khi còn là một cậu bé mới lớn, chia sẻ. Bạn của ông Hwang, Kim Kun Wook, 83 tuổi, cũng tuyên bố sẽ ủng hộ các vận động viên Hàn Quốc vì ông đang sống ở đây.

Ông Kim cho biết ông đã trốn khỏi Triều Tiên vào năm 1950 khi mới 16 tuổi vì được gọi tòng quân. Ông đã lên thuyền cùng cha, anh trai và 50 người khác để tạm lánh đi nơi khác. Giống như nhiều người ly tán, ông Kim cho rằng nếu chiến tranh kết thúc ông có thể sẽ được gặp lại người mẹ và họ hàng thân thích ở quận Hongwon, tỉnh Nam Hamgyong, Triều Tiên. Nhưng sự kiện hiệp định đình chiến được kí kết đã khiến ông không thể quay trở lại nơi cha sinh mẹ đẻ và “mắc kẹt” lại Hàn Quốc cả cuộc đời.

“Chỉ có đường biên giới chia cách chúng tôi”

Làng Abai, nơi người Triều Tiên ly tán sinh sống (Ảnh: AFP)

Chiến tranh Triều Tiên không kết thúc bằng hiệp định hòa bình mà là hiệp định đình chiến, văn bản khiến 2 miền bán đảo vẫn trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật.

Ngoài những mái nhà được sơn màu sáng rực rỡ, những căn nhà nhỏ ở làng Abai hầu như không thay đổi gì nhiều trong nhiều năm. Những bãi cát ở ngôi làng này vừa địa điểm vui chơi cuối tuần của người Hàn Quốc vừa là bối cảnh quay các bộ phim truyền hình. Những con ngõ nhỏ là nơi người dân mở cửa hàng phục vụ đồ ăn của Hamgyong như xúc xích lợn và mì kiều mạch lạnh.

Ông Hwang dù sống ở Abai nhưng trong lòng vẫn nhớ tới thành phố Wonsan, Triều Tiên, cách 146 km so với đường DMZ. Ông cho rằng đây là thành phố cảng tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, trong suốt mấy chục năm xa cách ông Hwang cùng với những người Triều Tiên ly tán khác vẫn không thể liên lạc được với người thân khi về cơ bản họ chỉ cách nơi chôn rau cắt rốn một đường biên giới. Họ cay đắng nói về những năm tháng đối đầu giữa 2 miền bán đảo và hy vọng việc Bình Nhưỡng tham gia Olympic có thể mang lại sự thay đổi.

Trong nhiều năm qua, Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân và đẩy căng thẳng trên bán đảo lên cao trào. Nhưng động thái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề nghị gửi vân động viên tham dự Olympic trong bài phát biểu chào năm mới 2018, cùng với đề xuất giải tỏa căng thẳng giữa 2 miền phần nào mang lại hy vọng cho những người ly tán.

Họ hy vọng đây sẽ là cơ hội để 2 miền có thể hòa giải và các công dân ở 2 bên chiến tuyến có thể liên lạc và giao tiếp với nhau. Ông Kim hy vọng cánh cửa đóng chặt giữa 2 miền sẽ sớm được mở lại và ông có thể bước qua cánh cửa ấy để trở về nơi “chôn rau cắt rốn”.

“Thật sự tuyệt vời khi tôi có thể sinh sống ở quê hương mình, dù nghèo hay giàu, chỉ cần nhìn ra bờ biển ấy”, ông chia sẻ với nụ cười yếu ớt trên gương mặt nhăn nheo và già nua khi hồi tưởng lại kỉ niệm thời thơ ấu.

“Tôi nhớ quả đồi nhỏ, bờ biển và 2 ngọn núi tôi luôn trèo lên để vui chơi. Thật tuyệt vời nếu tôi được sống ở đó. Tôi nhớ quê hương mình ngày càng nhiều khi tuổi “xế chiều” ngày càng đến gần. Tôi ước sao mình có thể được chôn cất trên chính nơi mình sinh ra”, ông Kim chia sẻ với đầy hy vọng.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP