Chiều 8/5, Tòa Kinh tế TAND TPHCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án tranh chấp hợp tác đầu tư, dàn dựng, tổ chức biểu diễn nghệ thuật giữa nguyên đơn là diễn viên kịch nói Phạm Thị Ngọc Trinh và bị đơn là Nhà hát kịch TPHCM.
Diễn viên Ngọc Trinh tiếp tục thắng kiện. |
Theo đơn khởi kiện, diễn viên Ngọc Trinh yêu cầu tòa xem xét thỏa thuận hợp tác kinh doanh giữa chị và Nhà Hát kịch TPHCM, buộc Nhà hát kịch TPHCM hoàn trả các khoản tiền đầu tư 6 vở kịch, tổng cộng 430 triệu đồng.
Tại phiên xét xử sơ thẩm, sáng 11/7/2017, TAND quận 1 đã chấp nhận một phần đơn kiện của diễn viên Ngọc Trinh, tuyên buộc Nhà hát kịch TPHCM bồi thường 233 triệu đồng. Đây là những khoản chi phí mà diễn viên Ngọc Trinh đã đầu tư vào các vở kịch được dàn dựng và biểu diễn tại nhà hát, có hóa đơn và chứng từ hợp lệ.
Sau bản án sơ thẩm, Nhà hát kịch TPHCM kháng cáo với lý do bản án sơ thẩm của TAND quận 1 chưa khách quan, chưa phản ánh đúng tính chất của mối quan hệ giữa nguyên đơn và bị đơn, cũng như không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn.
Tại phiên tòa hôm nay, luật sư Phạm Văn Sinh (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho diễn viên Ngọc Trinh) cho rằng hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
Theo luật sư Sinh, trên thực tế các bên có thương lượng biên bản thoả thuận hợp tác theo phương thức xã hội hoá. Ông Khánh Hoàng - lúc đó là giám đốc Nhà hát kịch, đã xác nhận form mẫu hợp đồng Nhà hát chuyển qua bà Trinh, nội dung các bên thoả thuận thực hiện.
Vì vậy, hợp đồng hợp tác giao kết bằng lời nói giữa bà Trinh và Nhà hát kịch TP là có thực. Việc Nhà hát viện dẫn lý do chưa ký kết hợp đồng bằng văn bản để đơn phương chấm dứt hợp đồng với bà Trinh là không có căn cứ, vi phạm pháp luật.
Do đó, luật sư Sinh đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, bồi thường cho bà Trinh các khoản chi phí đầu tư có hoá đơn, chứng từ hợp pháp.
Trong khi đó, luật sư Hà Hải (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhà hát kịch) thừa nhận giữa Nhà hát kịch và diễn viên Ngọc Trinh có thỏa thuận hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, do chưa thống nhất được các điều khoản nên giữa hai bên chưa ký kết hợp đồng. Vì vậy, hậu quả phát sinh do các bên tự chịu theo đúng bản chất hợp tác đầu tư là "lời ăn lỗ chịu".
Luật sư Hà Hải cũng cho rằng phía Nhà hát không bắt buộc diễn viên Ngọc Trinh phải chấm dứt hợp tác mà diễn viên Ngọc Trinh đã tự lập biên bản và yêu cầu đại diện Nhà hát ký xác nhận chấm dứt trong khi biết rõ người này không đủ thẩm quyền.
Từ đó, luật sư Hải cho rằng phía Nhà hát kịch không đơn phương chấm dứt thoả thuận hợp tác như nguyên đơn đã trình bày. Tuy nhiên, cả đại diện Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử phúc thẩm đều cho rằng có đủ cơ sở xác định giữa nguyên đơn và bị đơn đã xác lập mối quan hệ hợp tác đầu tư.
Sau đó, Nhà hát kịch đơn phương chấm dứt hợp tác đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn. Việc chấm dứt hợp tác này được thông báo tới các cán bộ công nhân viên của Nhà hát và có nhiều người làm chứng.
Tại tòa phúc thẩm, bà Ngọc Trinh đã rút một phần kháng cáo yêu cầu Nhà hát kịch hoàn trả các chi phí đầu tư cho 6 vở kịch không có hóa đơn chứng từ. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định đình chỉ một phần kháng cáo, tuyên buộc Nhà hát kịch phải bồi thường cho bà Trinh 233 triệu đồng là các khoản chi phí đầu tư có hóa đơn.
Tác giả: Xuân Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí