Du lịch

Nghìn guồng quay tơ vàng trên phố đi bộ Hà Nội

Được trang trí với 1.000 guồng quay tơ vàng óng trên cao, phố đi bộ Đào Duy Từ giống như một con đường tơ lụa độc đáo, lạ mắt để chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11.

Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11, phố đi bộ Đào Duy Từ được khoác lên mình "tấm áo choàng" vàng óng bởi 1.000 guồng quay tơ trên cao.

Đây là ý tưởng của Ban quản lý phố cổ Hà Nội nhằm tôn vinh làng nghề, phố nghề truyền thống trong dịp kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam. Chủ đề năm nay lấy nghề thêu làm điểm nhấn xuyên suốt, gồm có thêu truyền thống và thêu cung đình.

Guồng quay tơ hay còn được gọi là phưởng xa, xa tơ hay vay là một dụng cụ truyền thống quen thuộc của nghề thêu Việt Nam, thường được làm bằng tre, hình tròn giống như một chiếc bánh xe.

Nhân viên của Ban quản lý phố cổ đã dành tới 3 đêm để có thể treo hết 1.000 phưởng xa lên cao, chạy dọc 200 m tuyến phố và chính thức khai mạc vào tối ngày 18/11.

Ngoài guồng xe tơ, một số hàng quán kinh doanh trên phố Đào Duy Từ cũng được treo trưng bày những chiếc lọng vua, lọng chúa trên mái hiên.

Suối tơ vàng óng sẽ được trưng bày cho tới hết ngày 27/11.

Du khách phương tây tỏ ra lạ lẫm và thích thú khi tản bộ qua phố Đào Duy Từ, dưới suối tơ rực rỡ.

Sự độc đáo nơi đây cũng khiến cho các tour xích lô chở khách du lịch lựa chọn ghé qua nhiều hơn.

Khác biệt hoàn toàn với đặc trưng của nghề thêu truyền thống được trang trí trên phố tạo ra sự thân thuộc gần gũi thì bên trong Triển lãm Nét Xưa tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ lại là hình ảnh tôn nghiêm, trang trọng của nghề thêu cung đình xưa.

Tầng 1 là nơi tái hiện không gian sống cung đình xưa, các bộ hoàng bào trưng bày được phục dựng theo nguyên bản bởi nghệ nhân Vũ Giỏi (làng Đông Cứu, Thường Tín, Hà Hội), người đã có hơn 30 năm theo đuổi, gìn giữ nghề thêu cung đình.

Sử ghi, ông tổ nghề thêu Việt Nam là Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái (18/1/1606) sinh tại trấn Sơn Nam nay thuộc làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông đỗ tiến sĩ thời vua Lê Thần Tông (1637) và được cử đi sứ Trung Quốc năm 40 tuổi. Trong thời gian ở sứ, ông học được nghề thêu, khi về nước ông truyền dạy và phát triển nghề cho nhân dân.

Nằm tại chính giữa là tấm áo long bào Mây Lam được phục dựng nguyên bản theo long bào của vua Đồng Khánh từng mặc.

Những hoa văn tinh xảo được thêu trên long bào thể hiện sự tỉ mỉ công phu cũng như tay nghề cao của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi.

Bên góc phải là phượng bào Hoàng hậu Nam Phương.

Treo trên cao là một số bản sắc phong, ấn chỉ xưa được thêu rồng phượng.

Song hành cùng triển lãm trưng bày nghề thêu trên phố Đào Duy Từ, một số hoạt động khác như giới thiệu nghệ thuật thêu truyền thống, giới thiệu không gian văn hóa Đạo Mẫu, văn hóa Trà Việt cũng được tổ chức tại các điểm như Đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc, ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây...

Tác giả bài viết: Tiến Tuấn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP