Sự có mặt của nhiều ngôi sao như Hulk, Paulinho, Alex Teixeira và mới đây xuất hiện thêm Carlos Tevez và Oscar hứa hẹn giúp môn thể thao vua ở Trung Quốc nâng tầm đẳng cấp. Mức độ phổ biến của bóng đá chắc chắn tăng lên. Lúc này, trung bình số khán giả tới sân khoảng 24.000 người.
Mức lương khổng lồ của các ngôi sao tại Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Ngoài ra, tiền bản quyền phát sóng giải Chinese Super League cũng vươn tới 1,2 tỷ euro trong năm 2016. Đó là những con số đáng mơ ước với bất kỳ quốc gia nào tại châu Á. Thế nhưng bóng đá Trung Quốc lại đang đối mặt với nghịch lý: tiền bạc của họ không thể mua được tình yêu các ngoại binh.
Điều này do chính những "siêu cò" tiết lộ. Họ rỉ tai nhau "cầu thủ nào muốn kiếm nhiều tiền, họ sẽ tới Trung Quốc". Khái niệm chơi bóng vì cống hiến không tồn tại. Ngoài ra, không phải ai cũng bị đồng tiền quyến rũ. Nhiều cầu thủ trẻ thẳng thừng từ chối những CLB Trung Quốc khi được mời gọi.
Chất lượng trong các trận đấu cũng không được duy trì ổn định. Lý do vì ít có cái tên nào chịu gắn bó lâu dài nơi Đông Á xa xôi.
"Các CLB Trung Quốc chiêu mộ nhiều ngoại binh và HLV, tuy nhiên lại không thể giữ chân họ quá một mùa giải", Wu Jingui, Giám đốc thể thao của Shanghai SIPG nói.
"Các ngoại binh ký hợp đồng 3 năm, nhưng chỉ chơi một mùa. Sau đó, họ chờ kỳ chuyển nhượng mở cửa để ra đi, trong khi vẫn nhận lương đều đặn".
Oscar tới Trung Quốc, tuy nhiên sẽ gắn bó với Shanghai SIPG bao lâu?
Cây bút thể thao Shen Lei viết cho tờ Wenhui còn nói thẳng ý định duy nhất ngoại binh tới giải CSL là để kiếm tiền. Gần đây, Shanghai Shenhua tạo ra cú sốc khi biến Carlos Tevez thành ngôi sao lĩnh lương cao nhất thế giới với 615.000 bảng/tuần. Trước đó, Oscar cũng bỏ túi mức lương 400.000 bảng/tuần tại Shanghai SIPG.
"Khi một tài năng Nam Mỹ tới châu Âu, anh ta không chỉ có thu nhập tốt hơn, mà còn có thể phát triển với tư cách vận động viên. Còn khi các cầu thủ không tìm thấy tương lai ở châu Âu, họ tới Trung Quốc", Shen Lei đưa ra quan điểm hơi phũ phàng nhưng rất thâm thúy.
Sự có mặt của ngoại binh cũng không giúp nhiều cho mặt bằng bóng đá Trung Quốc phát triển. Lấy ví dụ như ĐTQG Trung Quốc, họ xếp 82 trên bảng xếp hạng FIFA, thua cả những quốc gia như Curacao, Uganda và Trinidad&Tobago.
Tại vòng loại cuối cùng World Cup 2018, tuyển Trung Quốc chưa giành được trận thắng nào và xếp chót bảng. Lý giải cho nghịch lý tốn tiền mua ngoại binh nhưng ĐTQG lại thi đấu tệ hại, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc không đầu tư sốt sắng và tạo điều kiện cho các cầu thủ trong nước phát triển.
Tevez lãnh lương rất cao tại Trung Quốc.
Năm ngoái, 70% bàn thắng tại giải CSL do các cầu thủ nước ngoài ghi. Trong top 10 cây săn bàn hàng đầu, chỉ có một cầu thủ Trung Quốc xuất hiện. Đó còn chưa kể hệ thống đào tạo trẻ tại Trung Quốc cũng thiếu định hướng rõ ràng, từ đó khiến lứa cầu thủ tiềm năng lâm vào cảnh héo úa.
"Trung Quốc có thể sản sinh ra Messi, nhưng hầu hết người hâm mộ lại chưa từng chơi đá bóng trong quãng đời của họ. Tới nay, Trung Quốc mới chỉ sản sinh ra các bình luận viên bóng đá và khán giả", nhà báo Shen Lei kết luận.
Tác giả bài viết: Nguyên Trí, Ảnh: Getty Images
Nguồn tin: