Kinh tế

Nghĩa Đàn: Giá lợn, gà bấp bênh, nông dân vẫn cố gắng duy trì tái đàn

Sau Tết Nguyên Đán là thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn. Tuy nhiên thời gian qua, giá gia súc gia cầm, đặc biệt giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh, dịch cúm H5N1 bùng phát một số nơi trên địa bàn tỉnh khiến nhiều hộ chăn nuôi cầm chừng, không mặn mà với việc tái đàn, tăng đàn vật nuôi. Nhiều hộ nông dân tại huyện Nghĩa Đàn vẫn duy trì tái đàn, xem đây là nguồn sinh kế của gia đình.

Nghĩa Yên là một xã nông nghiệp thuần túy của huyện Nghĩa Đàn, kinh tế hộ gia đình chủ yếu là phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ, đời sống người dân còn gặp nhiều bấp bênh. Trước tình hình đó, xã đã xây dựng các mô hình trình diễn theo hướng đa dạng hóa để tổ chức cho bà con tham quan, học tập làm theo, nhằm từng bước giúp cho bà con xác định cho mình một hướng sản xuất thích hợp để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Bà con nông dân xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn tham quan, học tập mô hình nuôi nhốt bò của gia đình anh Nguyễn Trung Bắc ở làng Chong, xã Nghĩa Yên.

Gia đình anh Nguyễn Trung Bắc ở làng Chong, xã Nghĩa Yên cho biết: “Với lợi thế có đất đai rộng lớn, chuồng trại có nước lấy từ đập Khe Canh lên nên rất thuận lợi cho việc trồng trọt và phát triển chăn nuôi. Sau khi nuôi thử nghiệm một cặp bò chưa đầy một năm, gia đình đã có lãi 20 triệu đồng.

Từ thành công của mô hình này, năm 2016, gia đình đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, đầu tư xây dựng chuồng trại, nuôi theo hướng hàng hóa, mỗi đợt nuôi mỗi năm cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhân công chỉ cần một người chăm sóc, cho bò ăn là được. Làm kinh tế, cái gì cũng phải duy trì.”

Nguồn thức ăn sẵn có thuận tiện cho việc nuôi bò.

Toàn huyện Nghĩa Đàn hiện có 82.860 con gia súc, hơn 944.000 con gia cầm, đã hình thành hàng trăm gia trại, trang trại với số lượng lớn. Cùng với đó, thay thế cho việc chăn nuôi “tự cung - tự cấp” là việc xuất bán gia súc, gia cầm thương phẩm với số lượng lớn hơn.
Trang trại gà của gia đình anh Trần Xuân Sơn ở xóm 7, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn được nhiều hộ gia đình đến tham quan, học tập.

Gia đình anh Trần Xuân Sơn, xóm 7, xã Nghĩa Hưng từ lâu nổi tiếng với nghề chăn nuôi gà. Từ năm 2014, gia đình anh nuôi 6.300 con gà đẻ, mỗi ngày thu trên 6.000 quả trứng và tiêu thụ hết trong ngày. Ước tính thu nhập đạt khoảng 9.000.000 đồng/ngày, trừ chi phí chăn nuôi khoản lãi từ 2.000.000 – 4.000.000 đồng/ngày.

Theo chia sẻ của anh Trần Xuân Sơn: “Gia đình nuôi gà lồng cao, môi trường sống tốt, giống gà tốt, thức ăn sạch nên trứng gà đạt chất lượng tốt. Bên cạnh đó, gia đình chú trọng khâu chăm sóc khách hàng thường xuyên, phát triển các khách hàng mới, coi trọng uy tín chất lượng nên khách hàng rất tin dùng sản phẩm trứng gà của gia đình”.

Trang trại anh cung ứng khoảng 6.000 quả trứng gà mỗi ngày cho thị trường.

Cũng như anh Sơn, nhiều hộ chăn nuôi tại địa phương từng bước hoàn thiện các khâu sản xuất đến tiêu thụ, chăn nuôi tập trung và liên kết với các hộ gia đình, hạ giá thành để tiêu thụ được nhiều hơn.

Trước tình hình người chăn nuôi lo ngại tái đàn gia súc, gia cầm như hiện nay, ngành chăn nuôi của huyện cũng khuyến cáo các hộ dân không nên quá hoang mang, lựa chọn con vật nuôi phù hợp, tránh nuôi tập trung cùng một thời điểm dễ bị thương lái ép giá.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi huyện cũng có những giải pháp giúp người dân tháo gỡ khó khăn như: tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; bảo vệ, phát triển đàn gia súc, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra; phát triển các mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại theo hình thức liên kết với quy mô lớn….

Tác giả bài viết: Minh Thái – Đài TTTH Nghĩa Đàn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP