Trong nước

Nghị lực của cô gái cao 90 cm, nặng 18 kg bị bại liệt từ nhỏ

Cao Thị Út ở Ninh Bình bị bại liệt từ nhỏ. Cô gái 28 tuổi, cao 90 cm, nặng 18 kg có thể sử dụng thành thạo vi tính và làm tranh giấy bán mưu sinh.


Cao Thị Út ở thôn Xuân Thành, xã Tân Thành (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) năm nay đã 28 tuổi, nhưng chỉ cao khoảng 90 cm, nặng 18 kg. Đôi chân và đôi tay của Út ngắn và mễm nhũn, không như người bình thường.

Ông Cao Văn Biền (62 tuổi, bố Út) cho hay, bản thân ông từng có thời gian tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Xuất ngũ về quê, ông nên duyên với cô gái cùng làng là bà Vũ Thị Thơm (năm nay 56 tuổi). Ông bà sinh hai người con gái đầu đều khỏe mạnh, lành lặn.

Đến năm 1983, ông bà sinh con trai thứ 3, đứa trẻ yếu ớt, sống chưa đầy nửa năm thì tử vong. 5 năm sau, Út sinh ra khỏe mạnh, lành lặn. Khi lớn lên, cơ thể Út không phát triển như đứa trẻ bình thường, chân tay ngày càng teo tóp, thể trạng yếu ớt. Vợ chồng ông Biền đưa con gái đi khám thì mới biết bị nhiễm chất độc da cam từ bố.

"Nghe tin cháu bị tàn tật suốt đời, vợ chồng tôi đau khổ lắm nhưng đành cố kìm nén. Con sinh ra đã không may mắn thì mình phải chăm sóc đề bù đắp cho nó", người mẹ tâm sự. Từ ngày đó, ông Biền là lao động chính trong nhà, lúc đi làm thợ xây, lúc đi làm thuê đủ nghề để kiếm tiền nuôi vợ con. Còn bà Thơm cũng gác hẳn công việc chính để ở nhà chăm con, vừa làm nghề đan lát để kiếm thêm thu nhập.

Dù nằm một chỗ nhưng với sự trợ giúp của mẹ, cô gái có thể tự sinh hoạt cá nhân như đánh răng, chải đầu...

Út có thể tự xúc cơm ăn mà không phiền đến mọi người trong gia đình.

Với tư chất thông minh, chăm chỉ, Út còn học biết chữ nhờ sự giúp đỡ của hai người chị gái. Ngày Út tự đọc vanh vách từng cuốn sách khiến mọi người như vỡ òa vì hạnh phúc. Được chị gái tặng chiếc máy tính, Út học hỏi, theo dõi tin tức, khám phá cuộc sống như một người bình thường khác.

Cũng nhờ thế, năm 2011, Út biết đến thông tin một cơ sở làm tranh giấy của người khuyết tật ở Hà Nội nên nằng nặc đòi đi học. Thương con gái nhỏ, bà Thơm đồng ý. Cô gái đã không làm gia đình thất vọng vì chỉ sau hai tháng đã cứng tay nghề.

Chủ đề các bức tranh Út làm là phong cảnh, hoa sen, con công, con phượng, tranh gia đình... Sau khi hoàn thành, Út rao bán trên mạng xã hội để mọi người đặt mua. Nghề này hiện nay giúp Út có thu nhập trung bình từ 2 đến 2,5 triệu/mỗi tháng. "Đối với mọi người đó là số tiền nhỏ nhưng với mình đó là một số tiền khá lớn mà bản thân kiếm được. Mình thật sự rất hạnh phúc", Út chia sẻ.

Mong ước lớn nhất hiện tại của Út là sẽ có đủ tiền mở quán tạp hóa. "Bố mình hiện tại bị bệnh mất sức lao động. Cả gia đình sống dựa vào khoản tiền trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam và số tiền ít ỏi mình kiếm được. Mình mong có đủ tiền mở quán tạp hóa để kiếm thêm thu nhập và có thể trưng bày các bức tranh mình làm", Út chia sẻ ước mơ.

Ông Trần Văn Nghiệp, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết Cao Thị Út là trường hợp nhiễm chất độc da cam khá nặng ở địa phương. "Út làm được tranh để mưu sinh, sử dụng thành thạo máy tính để bán sản phẩm. Cô gái là gương nghị lực vượt khó cho mọi người", ông Nghiệp nói.

Nghị lực của nữ sinh gõ máy tính bằng một chân: Lê Thủy Tiên (ở phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) bị bại liệt từ lúc sinh ra. Vượt lên số phận, em học gõ chữ bằng chân trái trên máy tính để nuôi ước mơ trở thành nhà văn.

Tác giả bài viết: Nguyễn Dương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP