Mặc dù có trên 90% GV đồng ý dạy VNEN, nhưng do nhiều phụ huynh phản đối, trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh) đã chuyển sang chương trình hiện hành
Biểu quyết giơ tay
Theo Sở GD&ĐT Nghệ An, kết quả khảo sát ý kiến của giáo viên (GV) các trường tiểu học trên địa bàn về việc triển khai thực hiện mô hình trường học mới (VNEN), cho thấy: 73 trường nằm trong dự án thì có 70 trường có trên 90% cán bộ, GV đề nghị tiếp tục mô hình VNEN (có 58 trường với 100% đồng ý). Chỉ có 3 trường có hơn 10% GV không đồng ý tiếp tục. Hơn 80% số trường được khảo sát đồng ý đăng ký áp dụng ít nhất một thành tố của VNEN.
Khi được hỏi về cách thức lấy ý kiến GV, các trường đều cho biết thông qua hình thức biểu quyết giơ tay. Cô Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Thanh Chương cho biết, hình thức biểu quyết là giơ tay, kết quả 100% đồng ý. Thầy Đặng Văn Hóa, Trưởng Phòng GD – ĐT huyện Thanh Chương cho biết tất cả các trường trong huyện lấy ý kiến về triển khai VNEN đều thông qua hình thức biểu quyết giơ tay.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Dũng 1 (TP Vinh), Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Hương (TX Cửa Lò), Tiểu học Diễn Kỷ (Diễn Châu) đều cho biết trưng cầu ý kiến GV bằng hình thức giơ tay.
Thầy Nguyễn Đức Vĩnh, Trưởng Phòng GD – ĐT huyện Anh Sơn cũng cho biết các trường lấy ý kiến GV bằng hình thức giơ tay.
Một Trưởng Phòng GD – ĐT thừa nhận: “Kết quả trưng cầu ý kiến GV như trên không phải thực chất 100% đâu. Vì trưng cầu muộn, lúc ấy các trường, phụ huynh đã chuẩn bị sách vở, tài liệu VNEN. Nếu thay đổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phụ huynh”.
Một Hiệu trưởng Tiểu học cũng cho hay: “Vì trường đã triển khai VNEN nhiều năm rồi, nay nếu trở về truyền thống cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cho nên tinh thần chỉ đạo chung là tiếp tục VNEN, nhưng có điều chỉnh hợp lý”.
Hầu hết các trường không tổ chức trưng cầu ý kiến phụ huynh, học sinh, cho phép phụ huynh, học sinh được lựa chọn: VNEN hoặc chương trình hiện hành.
Học sinh trường THCS Chu Văn An vui mừng 'thoát" VNEN
Trong khi đó, từ nhiều bất cập của VNEN, Bộ GD – ĐT chỉ đạo “triển khai VNEN trên cơ sở tự nguyện” từ năm học 2016 - 2017, nhưng tại Nghệ An, chủ thể của nền giáo dục là học sinh, cũng như phụ huynh thì không được trưng cầu ý kiến.
Sở GD – ĐT chỉ đạo các trường, Phòng GD – ĐT khảo sát ý kiến GV về VNEN, nhưng lại không hướng dẫn quy trình thực hiện, nhằm bảo đảm tính khách quan. Do đó, hầu hết các trường tiến hành thông qua hình thức biểu quyết giơ tay, sau khi đã được “quán triệt” từ lãnh đạo.
“Hồn truyền thống, da VNEN”
Qua trao đổi, nhiều Hiệu trưởng cho biết đã có nhiều “điều chỉnh” trong quá trình triển khai VNEN. Thầy Võ Hoàng Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (TP Vinh) cho biết hiện nay các lớp học VNEN đã sắp xếp bàn theo hướng ngang, song song như chương trình hiện hành; việc hoạt động nhóm được tiến hành linh hoạt; thay vì kiểu tổ chức bàn học theo kiểu nhóm bàn tròn.
Tại huyện Anh Sơn, bên cạnh việc điều chỉnh về sắp xếp bàn ghế (quay về như hiện hành), các trường cũng đã có nhiều điều chỉnh về nội dung dạy học, bảo đảm về mặt kiến thức, bài tập… “gần trùng với quỹ đạo chương trình truyền thống”.
Nhiều trường học khác, từ tiểu học đến THCS tại Nghệ An, đều đã có những điều chỉnh tương tự. Một Hiệu trưởng THCS tại TP Vinh than thở: “Nói thật, VNEN làm chúng tôi rất mệt mỏi. Buổi sáng thì dạy theo VNEN, chiều thì phụ đạo theo chương trình hiện hành. Không có VNEN, trường vẫn đạt thành tích như thế, nhưng GV khỏe hơn nhiều”.
Theo mô hình dự án VNEN, lớp học bố trí chỗ ngồi theo nhóm hình tròn (tương tự các mâm cỗ); và sử dụng tài liệu hướng dẫn học VNEN, chủ yếu HS tự học, tự khám phá theo hướng dẫn của GV.
Tuy nhiên, trước sự phản ứng của phụ huynh, các trường đã “cải tiến” VNEN theo kiểu “hồn truyền thống, da VNEN”.
Một lãnh đạo phường Hưng Dũng cho biết, ngay từ khi mới triển khai VNEN, dân đã phản ứng, và tâm sự: “Nếu bỏ được VNEN, thì dân rất mừng”. Một Trưởng Phòng GD – ĐT tại Nghệ An cũng đồng ý với quan điểm: Nếu hỏi phụ huynh, thì hầu hết sẽ yêu cầu bỏ VNEN.
Tiến sỹ Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT Nghệ An nói: “Về việc triển khai chương trình trường học mới, quan điểm của chúng tôi là dựa trên sự tự nguyện của các trường, không ép buộc. Các trường có thể chủ động điều chỉnh để có hiệu quả tốt nhất. Nếu thấy sách nào tốt hơn thì sử dụng”.
Clip lớp học VNEN của học sinh tiểu học:
Tác giả bài viết: Quang Đại