Trở về thôn Tiền Huân, xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội gặp lại cậu bé Nguyễn Thành Đạt, nhân vật trong bài viết: “Tình cảnh nguy kịch của cậu bé 10 tuổi cần được ghép tim”, chúng tôi ai nấy đều vui mừng khi thấy em khỏe mạnh, lớn khôn. Gương mặt bầu bĩnh, đáng yêu và lễ phép, em vừa đi học về là khoe liền bức tranh mới vẽ. Đôi mắt lấp lánh niềm vui, Đạt kể con thích nhất là môn mỹ thuật nên thường xuyên vẽ những thứ thấy được ở xung quanh mình.
Hai mẹ con bé Nguyễn Thành Đạt. |
Tác phẩm của em. |
Mẹ của em, chị Nguyễn Thị Mai Phương, chăm chú nhìn con học, đôi mắt không giấu nổi niềm hạnh phúc: “Từ ngày ra viện đến nay là 8 tháng rồi, anh chị mừng lắm vì cháu khỏe mạnh và có thể đi học lại được. Thời gian cháu ốm, nằm viện và phẫu thuật là tròn 1 năm nên năm nay cháu phải học lại lớp 4, ban đầu là cu cậu cũng không chịu đâu, cứ đòi lên lớp với các bạn nhưng bố mẹ và thầy cô nói là cháu hiểu cô ạ”.
Thấy mẹ nhắc đến việc phải học lại, Đạt bẽn lẽn rồi lại tủm tỉm cười. Cậu bé đi vào bàn học lấy ra cho chúng tôi xem tờ giấy khen của năm 2015-2016 với thành tích “Đạt danh hiệu học sinh giỏi” khiến gia đình và chúng tôi ai cũng vui và càng có thêm niềm tin em sẽ cố gắng học tốt trong thời gian tới.
Còn nhớ lần đầu tiên phóng viên Dân trí gặp em là vào 21h ngày 14/3/2017, khi cậu bé đang thoi thóp trong phòng cấp cứu bởi tình trạng giãn cơ tim, suy tim nặng ở giai đoạn cuối. Sự nguy kịch của em được PGS-TS Nguyễn Hữu Ước – Trưởng khoa Tim mạch, lồng ngực của bệnh viện Việt Đức ví von: “Với người bình thường chỉ cần dùng một chút thuốc trợ tim thì tim đập như con voi, còn với bé Đạt này thì dù có cả cho cả con voi, tim cháu vẫn chỉ đập được một chút”.
Trong lúc bế tắc nhất thì bé Đạt may mắn được một người hiến tạng. Đó là bệnh nhân N.T.S.H (34 tuổi) với chẩn đoán u gan từ năm 2014. Nhưng về mặt kĩ thuật, ca phẫu thuật gặp không ít khó khăn theo chia sẻ của PGS-TS Nguyễn Hữu Ước: “Đối với ghép tim người lớn thì không cần đo đạc kỹ lưỡng, mà chủ yếu dựa vào phù hợp cân nặng và chiều cao. Với cân nặng giữa người cho và người nhận vênh nhau dưới 20%, tức tỷ lệ cho và nhận dưới 1,2 thì ghép rất tốt, từ 1,2-1,3 có thể ghép nhưng khó khăn, 1,3-1,5 rất hạn chế chỉ định ghép, trên 1,5 là không có chỉ định ghép tim. Với trường hợp của bé Đạt, nếu so sánh cân nặng hiện tại của cháu với người hiến tạng thì vênh nhau gấp 3 lần. Trên thế giới tỷ lệ vênh nhau trung bình là 1,5-2,0 và mức tối đa là 4,7 theo báo cáo thế giới. Vì vậy trường hợp bé Đạt vẫn có thể chỉ định ghép nhưng sẽ rất khó khăn”.
Về mặt kĩ thuật đã thế, vấn đề nan giải thứ 2 đó là kinh phí. Tổng số tiền cho cuộc phẫu thuật ghép tim ước tính vào khoảng gần 1 tỉ đồng, mà cả nhà đã xoay sở vay mượn khắp nơi cũng mới chỉ có được 200 triệu đồng. Không thể lo được tiền, việc chữa trị cho em được xác định phải dừng lại, đồng nghĩa với việc Đạt sẽ kết thúc cuộc sống của mình trong tích tắc…
Cuộc sống còn khó khăn nhiều điều nhưng hàng ngày nhìn thấy con khỏe mạnh, vui vẻ đi học cùng bạn bè là bao mệt mỏi đều tiêu tan để tiếp tục cố gắng. |
May mắn đã đến với em khi có sự vào cuộc, chung tay của bạn đọc báo điện tử Dân trí. 7h20 phút sáng 15/3, sau khi bài báo được lên trang, ngay lập tức đã có nhiều tấm lòng được gửi về để đến đúng 18h cùng ngày ca phẫu thuật được diễn ra. 10 tiếng trong phòng mổ, biết bao ánh mắt dõi theo, sự hồi hộp, lo lắng đến nghẹt thở là điều duy nhất mà chúng tôi cảm nhận được tại lúc đó để rồi những giọt nước mắt vỡ òa hạnh phúc khi bác sĩ báo tin quả tim của người hiến đã có thể đập rộn ràng trong lồng ngực nhỏ bé của Đạt.
“Con đã được cứu sống thực sự, cháu đúng là chết đi sống lại cô ạ. Các bác sĩ và bạn đọc báo điện tử Dân trí đã sinh ra cháu một lần nữa chứ không là anh chị đã mất cháu mãi mãi rồi”- Chị Mai Phương nghẹn ngào xúc động nhớ lại.
8 tháng đã qua, cậu bé Đạt bé nhỏ, dặt dẹo với 20kg nay đã phổng phao, cao lớn với 31kg. Hiện tại đều đặn em vẫn lên viện khám và uống thuốc định kì với chi phí khoảng 2 triệu đồng/ tháng. Vợ chồng chị Mai Phương cũng đã ổn định tiếp tục làm với việc mở một tiệm may nhỏ ngay tại nhà để tiện cả việc chăm sóc, đưa đón con đi học. Nở nụ cười mãn nguyện, chị Phương bảo giờ chẳng có mơ ước gì hơn bởi điều tuyệt vời nhất mà bạn đọc Dân trí đã dành tặng cho gia đình là mạng sống cho con. Cuộc sống còn khó khăn nhiều điều nhưng hàng ngày nhìn thấy con khỏe mạnh, vui vẻ đi học cùng bạn bè là bao mệt mỏi đều tiêu tan để tiếp tục cố gắng.
Tác giả: Phạm Oanh
Nguồn tin: Báo Dân trí