Trong nước

Ngao chết trắng bờ biển Thanh Hóa không phải do chất thải độc hại

Từ kết quả phân tích mẫu nước và xác ngao, nhà chức trách nhận định ngao nuôi vùng ven biển Thanh Hóa chết hàng loạt không phải do môi trường nước, chất đổ thải, dịch bệnh mà là thời tiết và mật độ nuôi không phù hợp.

Ngày 25/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo nguyên nhân ngao chết bất thường dọc bờ biển huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa thời gian qua.

Kết quả phân tích mẫu nước, mẫu ngao, mẫu tang vật đổ thải xác định, ngao chết không phải do dịch bệnh, không phát hiện bất thường của yếu tố môi trường cơ bản, không phát hiện thấy mối liên quan giữa tảo độc hại với hiện tượng ngao chết hàng loạt.

Hàng trăm tấn ngao nuôi ở Thanh Hóa đã chết trong thời gian ngắn. Ảnh: Lê Hoàng.

Phân tích 3 mẫu phụ phẩm thủy sản thu từ các thùng tang vật đổ xuống biển (thu trên thuyền của ông Hoàng Văn Thành, bị người dân bắt quả tang đổ thải trái quy định ngày 31/12/2016) cho thấy hàm lượng Cd cao hơn giới hạn cho phép 44,4-82,8 lần, NH4 tổng cao hơn giới hạn cho phép 2,25-24,2 lần so với quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả phân tích mẫu nước từ vùng nuôi ngao thì hàm lượng Cd nằm trong giới hạn cho phép, còn NH4 cao hơn 7 lần so với quy định về chất lượng nước biển. Từ thực tiễn nuôi trồng thủy sản cho thấy, giá trị NH4 tổng khoảng 3,5mg/l không thể gây chết ngao hàng loạt.

Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa nhận định, sự biến động lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm (từ ngày 14 đến 18/12, nhiệt độ giảm, ban ngày cao nhất 23 độ C, và thấp nhất vào ban đêm khoảng 100 độ C), lại trùng với thời gian phơi bãi ngao là yếu tố ảnh hưởng xấu, gây sốc cho ngao. Ngoài ra, mật độ ngao nuôi cao gấp 2-3 lần so với hướng dẫn kỹ thuật (bình quân 1.000 con/m2) dẫn đến cạnh tranh nguồn thức ăn và không gian sống, có thể gây chết ngao.

Hơn một tháng qua, hiện tượng ngao chết hàng loạt diễn ra tại nhiều xã của huyện Hậu Lộc và xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa). Tại xã Hải Lộc có 201/230 ha ngao chết với tỷ lệ khoảng 70%; xã Đa Lộc có 200/350 ha ngao chết, trong đó có 120 ha tỷ lệ chết 30-70%, 80 ha có tỷ lệ chết trên 70%. Lượng ngao chết lên đến hàng trăm tấn.

Trong thời gian ngao chết, các hộ nuôi bắt quả tang vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ (làm thuê cho cơ sở chế biến hải sản Hoàng Thắng ở xã Ngư Lộc) đang đổ chất thải độc hại ra bãi nuôi ngao. Tại thời điểm lực lượng chức năng bắt quả tang, trên thuyền có 14 thùng phuy nhựa chứa chất tẩy rửa chế biến hải sản, vợ chồng ông Thành đã đổ 11 thùng xuống biển.

Tác giả bài viết: Lê Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP