Kinh tế

Ngành dệt may tăng cường liên kết để gia tăng sức cạnh tranh trong hội nhập

Để tăng giá trị cho sản phẩm, đồng thời tham gia chuỗi cung ứng tốt doanh nghiệp, ngành may mặc Việt Nam phải có chiến lược phù hợp, năng lực tài chính tốt và phải chủ động liên kết với nhau.

Chia sẻ tại hội thảo Liên kết để hoàn thiện chuỗi giá trị dệt may tổ chức ngày 12/4, tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nhận định, ngành dệt may đóng góp khá cao cho kinh tế của cả nước.

Năm 2017, kim ngạch ngành này đạt 31 tỷ USD. Có được kết quả nêu trên nhờ vào sự cố gắng của toàn ngành trong phát triển quy mô, áp dụng công nghệ, mở rộng thị trường… Mặc dù vậy, ông Trần Thanh Hải cho hay, hiệu quả của ngành dệt may còn tồn tại nhiều vấn đề. Đơn cử, giá trị gia tăng của ngành chỉ ở mức từ 20-60%.

Tăng cường chuỗi liên kết dọc và ngang sẽ làm tăng sức mạnh chung cho toàn ngành dệt may

Theo các chuyên gia trong ngành, nhược điểm của doanh nghiệp dệt may Việt Nam chính là khó hợp tác, không chia sẻ, tốc độ hoàn thành đơn hàng chậm. Đơn hàng nào có thời gian 6 tháng thì được, những đơn hàng cần gấp trong 1-2 tháng lại không thể thực hiện. Trong khi đó, muốn nhận đơn hàng và hoàn thành nhanh hợp đồng chắc chắn doanh nghiệp phải liên kết với nhau.

Ngoài tồn tại nêu trên, ngành dệt may đang gặp khó khăn khi chi phí nhân công tăng, năng suất thấp,… Một số nhà đầu tư thay vì mua hàng của Việt Nam đã chuyển sang thị trường Campuchia, Myanmar,... Do đó, muốn phát triển bền vững và tiếp tục là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng dệt may đòi hỏi ngành này phải thay đổi.

Liên quan đến những tồn tại cần thay đổi của ngành dệt may Việt, ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho biết, thời gian tới dệt may Việt Nam phải thực hiện cả chuỗi liên kết ngang và liên kết dọc. Cụ thể, với chuỗi liên kết ngang, các công ty may sẽ tập trung liên kết những nguồn lực giống nhau để nhận đơn hàng lớn, cùng nhau thương thảo giảm bớt chi phí nguyên liệu, vận chuyển. Còn ở chuỗi liên kết dọc, yêu cầu liên kết 1, 2 hoặc 3 giai đoạn về nguyên liệu, thiết kế, sản xuất, vận tải, bán hàng. Khi thực hiện tốt cả hai chuỗi liên kết nói trên sẽ tạo sức mạnh chung cho toàn ngành dệt may.

Với phương diện là đơn vị phân phối lớn trên thế giới, bà Jocelyn Trần, Tổng giám đốc Walmart Đông Nam Á - cho biết, để tăng giá trị cho sản phẩm, đồng thời tham gia chuỗi cung ứng tốt doanh nghiệp ngành may mặc Việt Nam phải có chiến lược phù hợp, năng lực tài chính tốt, chủ động liên kết với nhau.

Theo TS. Trần Du Lịch, chỉ có liên kết để hoàn thiện chuỗi giá trị mới nâng tầm ngành dệt may. Để làm được Chính phủ cũng cần hỗ trợ ngành này nhiều hơn. Phải có đạo Luật về công nghiệp hỗ trợ, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác.

Tác giả: Mai Ca

Nguồn tin: Báo Công thương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP