Cuộc sống

Nếu hút thuốc lá là thước đo của sự nguy hiểm, có 5 thói quen "giết người" không thua kém

Một số thói quen hàng ngày tưởng chừng như vô hại nhưng chúng có thể khiến bạn dễ mắc nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có cả ung thư hơn hút thuốc lá.


Nhiều người tự tin nói rằng: Tôi không hút thuốc và như thế tôi đang có một cuộc sống lành mạnh. Nhưng, sự thật không hề đơn giản như vậy.

Những nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng có những thói quen hàng ngày nguy hiểm tới sức khỏe như hút thuốc lá. Rất may, những hành vi này có thể thay đổi được nếu bạn sớm nhận ra và thực hiện nghiêm túc.

Hãy cùng điểm lại 5 thói quen nguy hiểm đó và đừng quên đọc phần thay đổi để bạn có một sức khỏe tốt hơn.

1. Ngồi cả ngày

Dù bạn thường xuyên tập thể dục thể thao, nhưng thói quen ngồi một chỗ suốt thời gian dài bên bàn làm việc hay trên xe oto cũng là nguyên nhân gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe.

Theo Trung tâm Chăm sóc ung thư - dịch vụ sức khỏe Alberta của Canada, thói quen ít vận động có mối liên quan với gần 160.000 trường hợp bị ung thư phổi, ung thư vú, ruột kết và tuyến tiền liệt/năm. Con số này bằng 2/3 so với số ca ung thư do hút thuốc gây ra.

Thay đổi: Thay vì ngồi lì trên ghế từ sáng đến chiều tại văn phòng, bạn hãy tự tạo cho mình những quãng nghỉ, những lý do để đứng lên như đi lấy nước, rửa mặt, trao đổi cùng đồng nghiệp.

Còn ở nhà, bạn cũng nên bỏ thói quen xem tivi. Hãy ra ngoài đi dạo, dành vài phút lau chùi nhà cửa hay lên lịch tập gym cùng người thân, bạn bè.

2. Ăn quá nhiều thịt và phô mai

Protein động vật rất giàu IGF-1, một loại hóc-môn có khả năng đẩy mạnh sự phát triển của tế bào ung thư.

Một cuộc nghiên cứu của Đại học Southern California xuất bản trên tạp chí Cell Metabolism gần đây cho thấy, những người ở độ tuổi trung niên ăn nhiều protein động vật có khả năng chết vì ung thư cao gấp 4 lần so với người ăn ít protein.

Đáng báo động là tỷ lệ này tương đương với con số tử vong do hút thuốc.

Thay đổi: Thay thế nguồn protein động vật bằng nguồn protein thực vật. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những loại thực vật như các loại đậu có hàm lượng protein ngang bằng với một số loại thịt.

Nhìn chung, người trung niên chỉ nên ăn 0,8 gram protein cho mỗi 1 kg trọng lượng. Tuy nhiên, khi đã qua tuổi 65, bạn ăn nhiều protein động vật lại không nguy hiểm nữa bởi lúc này, quá trình sản sinh IGF-1 của cơ thể đã bắt đầu giảm sút.

3. Nấu ăn bằng gas

Nếu nhà bạn đang sử dụng gas, điều đó có nghĩa bạn đang hấp thu carbon monoxide, nitrogen dioxide và formaldehyde trong mỗi lần nấu nướng. Cả 3 chất ô nhiễm này đều phổ biến trong khói thuốc lá thụ động.

Một nghiên cứu tiến hành vào tháng 12 năm 2013và được đăng trên chuyên san Environmental Health Perspectives cho thấy cả 3 chất gây ô nhiễm trong nhà có bếp gas thường xuyên vượt quá mức quy định.

Thay đổi: Nếu dùng bếp gas để nấu ăn thì nên trang bị lỗ thông gió để làm giảm nồng độ chất ô nhiễm từ 60-90%.


4. Sử dụng dầu ăn không đúng cách

Các cuộc nghiên cứu tại nhà hàng và căn bếp của các hộ gia đình cho thấy, việc nấu nướng ở mức nhiệt cao với dầu đậu nành sẽ tạo ra vật chất dạng hạt, aldehyde, PAHs. Tất cả những hợp chất này đều có trong khói thuốc và có liên quan tới bệnh viêm đường thở.

Một sai lầm phổ biến đó là mỗi gia đình chỉ có duy nhất một loại dầu ăn trong bếp.

Thay đổi: Hãy tìm hiểu cách sử dụng dầu ăn đúng mục đích. Ví dụ dầu olive không nên dùng để rán hay nấu nướng ở nhiệt độ cao, nhưng có thể dùng khi nấu ở nhiệt độ thấp, trộn salad. Còn dầu bơ rất thích hợp để nấu nướng ở nhiệt độ cao.

Ngoài ra, bạn cũng nên lắp đặt thiết bị hút mùi, giúp giảm lượng ô nhiễm tới 60 - 90%.

5. Thiếu ngủ

Những người ngủ ít và chất lượng giấc ngủ không đảm bảo có nguy cơ cao mắc các bệnh như tăng huyết áp, béo phì, đột quỵ...

Thậm chí, một cuộc nghiên cứu còn kết luận, không ngủ được ít nhất 6 hay 7 tiếng/ngày có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong tương đương với những người hút thuốc lá.

Ngoài ra, việc ngủ không ngon giấc cũng có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển của các tế bào ung thư.
Thay đổi: Bạn cần sắp xếp công việc để đảm bảo ngủ đủ ít nhất 7 - 8 tiếng/ngày. Còn về chất lượng giấc ngủ, bạn nên đi tư vấn bác sĩ nếu thấy có dấu hiệu ngủ không ngon.

Tác giả bài viết: Hoàng Hương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP