Cuộc sống

“Này các chị, hãy ngừng việc vơ vét của nhà mẹ đẻ để đắp cho nhà chồng đi!”

Thời xưa các cụ có câu “Có con thì gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng đem cho”, nhưng thời nay trong nhiều trường hợp thì hiện thực lại là “Có con mà gả chồng gần, có mớ rau cần nó cũng về cuỗm đi” lại có vẻ đúng hơn!

Bác hàng xóm nhà tôi có hai cô con gái. Cô chị lấy chồng khá xa, cả năm mới về thăm nhà được một, hai lần. Cô em lấy chồng cách nhà có 3km, vì thế mà chạy đi chạy lại nhà bố mẹ đẻ luôn.

Cô thứ hai về nhà bác toàn tay không, ấy vậy mà lúc đi thì đùm nọ bọc kia, tay xách nách mang đủ thứ. Từ mớ rau ngót rừng “mẹ chồng con thích lắm”, hộp trà thảo dược “đúng loại bố chồng con thích rồi”, đến mấy cân đỗ đen mẹ vừa mua để nấu chè ăn giải nhiệt mùa hè cũng không tha vì “chồng con cũng thích ăn chè đỗ đen”. Thấy chục bát mẹ mới tậu cũng lân la xin xỏ bởi “nhà con đang cần mua bát mới đấy”. Thấy mẹ chọn được cái áo đẹp ra trò, liền đề nghị “mẹ để cho con đi, mẹ chồng con hợp với kiểu này hơn mẹ”, và mang về tặng mẹ chồng ngay nhưng tiền trả mẹ đẻ thì “tiền nong việc chi phải tính toán”.

Ngày này qua tháng khác như thế, đến nỗi có lẽ con gái bác đã hình thành luôn thói quen vơ vét của mẹ đẻ để mang về nhà chồng, cho đó là điều quá bình thường chẳng có gì phải để ý, đỡ phải mua mất công mà lại đỡ tốn tiền, của mẹ mình chứ của ai đâu mà phải ngại. Mà bác ấy, bác trai đã mất, giờ một mình sống thui thủi, thì lúc nào con gái về cũng vui mừng hoan nghênh, dù lúc con đi mình luôn bị thiệt hại không ít thứ.

Tôi cá là, con gái bác ấy không phải trường hợp hiếm. Các mẹ thừa nhận đi, trong số các mẹ đã đi lấy chồng về làm dâu nhà người khác, nhưng vẫn không ít mẹ luôn về nhà mình vơ vét các thứ có thể của bố mẹ đẻ để mang đi cung phụng nhà chồng, đúng không?

nay cac me hay ngung viec vo vet cua nha de de dap cho nha chong di
Ảnh minh họa

Lúc chưa có con thì như cô con gái của bác hàng xóm nhà tôi, về nhà đẻ chơi thấy cái gì vừa mắt là khênh đi luôn. Lúc nào trong đầu cũng nghĩ tới việc ở nhà chồng đang cần cái gì, thiếu cái gì, bố mẹ chồng và chồng thích cái gì để làm vui lòng những đối tượng ấy. Còn việc mẹ đẻ cho mình, thì là lẽ đương nhiên, như bao năm nay vẫn vậy.

Rồi tới khi có con, mẹ chồng mặc dù đã về hưu rảnh rang lắm, nhưng bà hết đau đầu không nghe được tiếng trẻ con khóc, lại tới đau tay đau chân không bế được trẻ con, thế là “cháu bà nội tội bà ngoại”, mẹ đẻ mặc dù bận công nọ việc kia, nhưng vẫn nhét con cho bà trông hộ. Mà bà ngoại đã trông thì yên tâm tuyệt đối, bà chả bao giờ kêu đau kêu mệt, cũng không giục giã nếu có đến đón con muộn, thậm chí vứt con ngủ cùng bà luôn cũng chẳng sao. Đứa đầu tiên, đến đứa thứ 2 cũng chả khác gì, toàn một tay mẹ đẻ chăm sóc, trông nom cho yên tâm đi làm, đi chơi và bận việc nhà chồng.

Dẫu biết rằng đã đi lấy chồng, cuộc sống của mình là ở nhà chồng, phải hết sức lấy lòng những người ấy để cuộc sống dễ thở và vui vẻ hơn, tâm lí như vậy cũng là bình thường. Nhưng các mẹ tự hỏi lại bản thân đi, “lợi dụng” mẹ đẻ, “bóc lột” nhà ngoại nhường ấy, vậy đã bù đắp cho bố mẹ được cái gì rồi?

Có lọ thuốc tốt bạn bè mua từ nước ngoài về cho cũng nghĩ tới biếu mẹ chồng trước, có lọ rượu quý cũng nghĩ tới bố chồng đầu tiên, để ghi điểm với ông bà. Dịp lễ tết này nọ, các mẹ luôn vắt óc nghĩ món quà tặng bố mẹ chồng để ông bà vui thích, nhưng có bao giờ dành tâm huyết cho những thứ mua cho bố mẹ đẻ, bởi vì "ông bà dễ tính lắm, thế nào mà chả được". Quanh năm về lấy của mẹ đẻ bao nhiêu thứ, con gửi bà trông suốt nhưng đã bao giờ hỏi thăm được câu: “Mẹ có mệt không? Mệt thì con nhờ bà nội trông hộ thôi”, mà lại luôn là: “Mẹ ở đâu thì về nhà đi, con mang thằng bé sang bây giờ đây”. Những khi trái nắng trở trời, các mẹ có về nhà ngay được với mẹ không, hay còn bận công nọ việc kia ở nhà chồng, và bố mẹ mình luôn bị xếp phía sau, có khi là quên bẵng luôn vì “mình về cũng có giúp được gì đâu, ông bà tự gọi taxi đi viện được rồi”.

Tất nhiên có bố mẹ nào tiếc rẻ con gái điều gì, hay chi li tính toán, kể công với con. Sinh con ra, nuôi con hai mươi mấy năm, lo cho ăn học thành người, còn chẳng kể công nữa là. Bố mẹ lúc nào cũng chỉ mong con gái ở nhà chồng sống cho tốt, “con hạnh phúc là bố mẹ vui rồi, bố mẹ thì cần gì chứ, con cứ lo cho nhà chồng đi” – đó là câu nói thường tình của rất nhiều các cha mẹ với con gái đã đi lấy chồng. Đấy, một bên bố mẹ mình thì “dễ dãi” như thế, một bên bố mẹ chồng thì “khác máu tanh lòng”, lúc nào cũng săm soi, xét nét, đòi hỏi, tất nhiên các mẹ sẽ “mềm nắn rắn buông”, tập trung để làm mọi cách lấy lòng nhà chồng, âu cũng là điều có thể hiểu được.

Nhưng chính vì sự hi sinh, bao dung vô bờ bến của bố mẹ mà nhiều chị em quên bẵng mất, bố mẹ mình cũng cần chúng ta quan tâm, yêu thương biết bao, dẫu chẳng bao giờ nói ra miệng. Ông bà đã già rồi, cả cuộc đời vất vả vì con cái, ở cái tuổi xế chiều càng cần sự hỏi han, ân cần của con cháu. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhận ra, rằng các mẹ đã vô tâm, đã đối xử bất công với chính bố mẹ mình – những người đáng lẽ chúng ta phải cần nâng niu, trân trọng và yêu thương hơn bất cứ ai khác. Rằng, hãy ngừng việc vơ vét của nhà đẻ để đắp cho nhà chồng đi. Tuổi già xế bóng, biết ông bà còn bao thời gian vui vầy với con cháu. Hãy đừng để khi giật mình hối hận thì đã quá muộn màng.

- Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của độc giả -

Tác giả bài viết: Phạm Giang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP