Tin địa phương

Nâng cấp hệ thống xử lý nước thải vùng Đông Đà Nẵng trước tháng 11-2017

Trong thời gian gần đây, khi đô thị ngày càng phát triển, các khu vực vùng ven biển như vịnh Đà Nẵng (ven tuyến đường Nguyễn Tất Thành), đặc biệt là vùng Đông gồm địa bàn các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn "nóng" lên tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển.

Ông Mai Mã-Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, khái quát: Tất cả các hệ thống cống rãnh, nhà máy thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn thành phố đều là hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Nước thải trên địa bàn thành phố đều qua hệ thống cống xả ra biển phía Đông thành phố, vịnh Đà Nẵng và sông Hàn.

Từ năm 2000, Đà Nẵng là một trong 3 thành phố lớn trên cả nước được Ngân hàng Thế giới đầu tư 4 nhà máy xử lý nước thải trước khi đổ ra các cửa xả nêu trên, gồm: Nhà máy xử lý nước thải Phú Lộc, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Cường. Từ năm 2008, Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã chính thức vận hành các nhà máy.

Có thể thấy từ năm 2000 đến nay, hiệu quả các nhà máy rất lớn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông, biển trên địa bàn thành phố. Vùng biển phía Đông có 9 cửa xả nước thải, đã qua xử lý từ 2 nhà máy Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn với công suất 100.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị phát triển quá nhanh, số lượng nhà hàng, khách sạn... xây dựng ngày càng nhiều, lưu lượng nước xả thải đã vượt qua khả năng thu gom, xử lý của các nhà máy.

Ông Mã lý giải, tình trạng quá tải thể hiện rõ nhất vào các thời gian theo thời tiết trong từng năm, vào thời gian không có mưa, lượng nước thải sẽ được thu gom, xử lý hết. Nhưng vào những ngày có mưa lớn, nhất là mùa mưa, hệ thống thu gom nước thải không thể xử lý hết được gây hiện tượng tràn nước thải chưa qua xử lý ảnh hưởng đến môi trường đô thị và biển.

Từ năm 2016, để khắc phục tình trạng này, công ty đã xin ý kiến Sở TN-MT, thiết kế các đập bằng bao cát tại các cửa xả, không cho nước thải tràn ra biển, từ đó các nhà máy sẽ bơm hút lượng nước này lên để xử lý. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế, tạm thời. Phải làm sao nâng cao năng lực thu gom xử lý nước thải khu vực này, đang là vấn đề cấp bách hiện nay.

Từ đầu năm 2017, UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương đầu tư, nâng cấp 2 nhà máy thu gom, xử lý nước thải Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, hiện dự án đã làm xong công tác khảo sát, thiết kế. Theo dự án, sẽ nâng cấp nhà xử lý nước thải Ngũ Hàng Sơn lên công suất xử lý 60.000m3/ngày đêm, do Ngân hàng Thế giới đầu tư.

Nâng công suất xử lý 80.000m3/ngày đêm, đối với nhà máy Sơn Trà, do tổ chức Jaica-Nhật Bản đầu tư. Hiện dự án đã được báo cáo UBND TP Đà Nẵng, đã thông qua, xem xét triển khai trong thời gian gần nhất. Theo ông Mã, nếu triển khai sớm dự án này, sẽ nâng cao năng lực thu gom, xử lý nước thải, hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm do nước thải ở vùng Đông thành phố.

Nước thải đã qua xử lý, đổ ra biển tại cửa xả Mỹ Khê, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Để giải quyết cấp bách tình trạng ô nhiễm nước thải vùng Đông thành phố trong tình hình hiện nay, UBND thành phố đã có chủ trương sẽ thay thế mới các trang thiết bị hệ thống bơm nước thải toàn tuyến biển vùng Đông. Hệ thống bơm này đã vận hành hơn 10 năm, do phải hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, hiện nay đã cũ, hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Theo chủ trương của thành phố, sẽ đầu tư mới 10 máy bơm, có công suất từ 40 lít/giây đến 100 lít/giây, cùng hệ thống cơ khí, với kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Các thiết bị, máy bơm mới sẽ được lắp đặt tại 5 trạm bơm, Mỹ Khê, Mỹ An, Furama-Ngũ Hành Sơn và An Đồn, Mân Thái-Sơn Trà.

Ông Mai Mã cho biết, hiện nay đã hoàn tất công tác khảo sát, thẩm định, phê duyệt trình UBND TP Đà Nẵng quyết định đầu tư. Theo mục tiêu đề ra, công tác lắp đặt, thay thế, nâng cấp các trạm bơm thu gom, xử lý nước thải vùng ven biển phía Đông Đà Nẵng sẽ phải hoàn tất trước tháng 11-2017, trước khi diễn ra tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Tác giả: Hồng Thanh

Nguồn tin: Báo Công an TP Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP