Kinh tế

Năm 2016, vốn FDI vào bất động sản không như kỳ vọng

Nguồn vốn FDI chảy vào khu vực bất động sản giảm so với cùng kỳ 2015 bất chấp những tín hiệu ấm lên của thị trường.

Đó là đánh giá của PGS, TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tại Hội thảo triển vọng thị trưởng bất động sản 2017 – tác động chính sách được tổ chức sáng 20/12.

Theo ông Chung, đến đầu tháng 11/2016, vốn FDI đăng ký có 3 tháng liên tiếp giảm. Vốn FDI đăng ký bổ sung vào bất động sản giảm hơn 543 triệu USD.

Năm 2016, nguồn vốn FDI đầu tư vào bất động sản đạt khoảng 1,3 tỷ USD, giảm 44% so với cùng kỳ 2015. Vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm 10% tổng vốn FDI đăng ký trong năm 2016, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2015 (11,5%).

Đây là tín hiệu không mấy sáng sủa mặc dù thị trường bất động sản trong nước đang có những sự phục hồi đáng kể.

GS. Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI Việt Nam) lại lạc quan hơn khi cho rằng các dự án FDI năm 2016 có chất lượng hơn và tỷ lệ vốn thực hiện cao hơn.

GS. Nguyễn Mại - chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI Việt Nam. Ảnh: Hiếu Công.
Đó là xu hướng tích cực trong thu hút FDI bởi ở giai đoạn trước (từ năm 2007 đến 2010) tuy có nhiều dự án lớn vào bất động sản lên đến hàng tỷ USD nhưng tỷ lệ thực hiện khá thấp chỉ khoảng 25%.

Năm 2016 có 66 dự án trị giá gần 1 tỷ USD vốn đăng ký vào bất động sản, cao thứ hai chỉ sau lĩnh vực chế tạo.

Cũng theo GS. Nguyễn Mại, đều đáng nói là doanh nghiệp FDI khá nhanh nhạy với thị trường bất động sản Việt Nam. Họ không chỉ tham gia và phân khúc cao cấp, hạng sang như trước kia mà còn tham gia đẩy mạnh hợp tác các dòng sản phẩm trung bình khá và nhà ở xã hội nhắm đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận dân chúng.

Một số doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đầu tư mạnh vào Việt Nam như Maeda, The Global Group, Greed Group, Hankyu Realty, Okamura Home, Sanyo Home…

GS. Nguyễn Mại đánh giá sở dĩ thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài bởi 2 nguyên nhân. Thứ nhất, tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng (theo HSBC thì lên tới 33 triệu người vào năm 2020).

Nguyên nhân thứ hai là Chính phủ cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà, điều này khiến một số phân khúc trở lên hấp dẫn, đặc biệt là phân khúc nhà ở cao cấp với tỷ suất sinh lợi từ 7 đến 8% (trong khi tại nước họ chỉ là 1 đến 2%).

Đánh giá về thị trường 2017, giới chuyên gia cho rằng các yếu tố có thể ảnh hưởng đến thị trường bất động sản gồm có nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường bị thu hẹp; nhu cầu trên thị trường thay đổi, tập trung ở phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp (dưới 1 tỷ); sự chuyển đổi trọng tâm đầu tư của một số doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường….

Theo đó, có 3 kịch bản được dự báo cho thị trường bất động sản 2017:

Kịch bản 1: Thị trường tăng trưởng tốt hơn năm 2016. Đây là kịch bản rất nhiều người mong muốn nhưng nhiều khả năng không xảy ra.

Kịch bản 2: Thị trường đi ngang, một số phân mảng điều chỉnh giảm, một số phân mảng điều chỉnh tăng. Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất. Tuy nhiên, cơ cáu thị trường thay đổi.

Kịch bản 3; Thị trường suy giảm, trầm lắng. Đây là kịch bản ít người mong muốn nhất, nhưng vẫn có thể xảy ra (nếu có những bất ổn quan hệ, kinh tế thế giới, khu vực).

Tác giả bài viết: Hiếu Công

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP