Cảnh sát bang Michigan vừa tuyển mộ giáo sư Anil Jain, chuyên gia máy tính từ trường đại học bang Michigan, giúp tạo ra cách thức qua mặt bảo mật sinh trắc iPhone nhờ sử dụng hình nộm gắn vân tay của người đã chết.
Anil Jain đã sử dụng máy in 3D để mô phỏng vân tay của nạn nhân, rồi sau đó sử dụng các phân tử mang điện từ tương tự như vân tay người sống để ngắn lên hình nộm bằng nhựa. Công nghệ này đã giải quyết được vấn đề mà cơ quan luật pháp Mỹ đau đầu trước đây.
Hiện tại, công nghệ vân tay nhân tạo vẫn trong phòng thí nghiệm. Thực tế, nó khác với những công nghệ từng được sử dụng để đánh lừa cảm biến sinh trắc trước đây.
Tháng 5 vừa rồi, công ty bảo mật Vkansee đã trình diễn mẫu cảm biến vân tay đơn giản có thể đánh lừa cơ chế bảo mật sinh trắc của Galaxy S6 và iPhone 6. Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Nhận dạng (CITER) của Mỹ đã phát triển một phần mềm cao cấp có thể tạo ra vân tay 3D ở độ chi tiết và phân giải cực cao.
Nhận dạng vân tay từng được hy vọng sẽ bảo vệ các thiết bị điện tử an toàn hơn. Phương pháp này được đánh giá an toàn hơn mật khẩu nhiều lần. Tuy nhiên, không sớm thì muộn, chúng sẽ dễ dàng bị vượt qua bằng cách thiết bị chuyên dụng.
Có vẻ như FBI và cảnh sát Mỹ sẽ không phải "cầu cạnh" Apple mở khóa iPhone nữa. FBI từng phải chi 1 triệu USD để mở khóa chiếc iPhone của tay súng trong vụ bắn giết 14 người ở San Bernardino, Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái.
Tác giả bài viết: Nguyễn Minh