Tại triển lãm VIMS 2016, có tới 2 chiếc mui trần Mercedes SL đã được trưng bày. Trong đó, một chiếc SL400 thế hệ mới nhất đã xuất hiện tại chính khu trưng bày của Mercedes và chiếc còn lại là Mercedes SL230, nằm tại khu trưng bày xe cổ đặc biệt của ban tổ chức triển lãm, tạo nên hình ảnh đường phố Sài Gòn xưa.
Có tên mã W113, chiếc 230SL được trưng bày tại triển lãm thuộc thế hệ thứ 2 của dòng mui trần hạng sang Mercedes SL. Được sản xuất từ năm 1963 tới 1971, thế hệ Mercedes SL W113 thay thế cho cả dòng siêu xe huyền thoại 300SL lẫn mẫu mui trần "giá rẻ" 190SL trước đó.
Được ra mắt lần đầu vào tháng 3/1963 tại triển lãm Geneva, thế hệ SL W113 do nhà thiết kế Paul Bracq. Chiếc xe đã được phát triển dựa trên nền tảng chassis rút ngắn của dòng sedan hạng sang W111 - tiền thân của Mercedes S-Class sau này. Theo ông Fritz Nallinger - Giám đốc kỹ thuật của Mercedes thời đó, SL W111 là một chiếc xe thể thao nhưng có độ tiện nghi, sang trọng và an toàn cực cao.
Giống như thế hệ trước đó và thế hệ thứ 3, SL W113 được trang bị mui xếp mềm. Tuy nhiên, chiếc xe còn có thêm tùy chọn mui cứng có thể tháo rời. Chiếc mui cứng này có kiểu dáng hơi tròn giống mái chùa, khiến thế hệ SL này thường được gọi với biệt danh là "Pagoda".
Mercedes SL W113 cũng là chiếc Mercedes đầu tiên sử dụng lốp Radial với nhiều lớp bố bằng sợi mành song song nhau, chạy theo hướng hướng tâm (tạo góc 90 độ so với hướng chu vi của lốp) giúp bám đường hơn, tăng tuổi thọ, an toàn hơn vì không bị xẹp hay nổ bất thình lình, gây tai nạn cho người lái.
Chưa dừng lại ở đó, thế hệ SL này cũng được mệnh danh là mẫu xe thể thao đầu tiên với "thân xe an toàn". Trong đó, khoang hành lý của xe đã được thiết kế với độ vững chắc rất cao và một số vùng hấp thụ trước/sau đặc biệt tích hợp vào cấu trúc thân xe.
Ngay cả nội thất cũng được triệt tiêu hoàn toàn các góc cạnh sắc nhọn để giảm tối đa thương tích cho người ngồi trong xe sau tai nạn. Dù trải qua hơn 50 năm, nội thất của chiếc 230SL tại triển lãm VIMS vẫn gợi lên sự sang trọng với những chiếc ghế bọc da màu đỏ và bảng táp-lô ốp nhôm.
Giống như các thế hệ SL khác, 230SL là một chiếc roadster với 2 ghế ngồi. Do có chassis của chiếc sedan cỡ lớn W111 được rút ngắn 30 cm nên ở phía sau ghế ngồi, 230SL còn có một khoảng trống khá rộng, có thể chứa được vài chiếc túi du lịch, chưa kể tới khoang hành lý rộng rãi ở phía sau.
Tay lái của 230SL mang đậm phong cách của những chiếc Mercedes cổ với vô-lăng 2 chấu có vòng trang trí kim loại lồng ở phía trong. Là một mẫu xe cổ nên chiếc xe cũng chỉ được trang bị radio là hệ thống giải trí. Bảng đồng hồ trên xe có cách bố trí khá giống những mẫu xe hiện đại với đồng hồ báo tua và báo tốc "kẹp" giữa một đồng hồ đa năng, chỉ báo các thông số khác nhau của xe.
Dưới nắp ca-pô của phiên bản 230SL là khối động cơ 6 xi-lanh thẳng hàng nạp khí tự nhiên với dung tích 2.3l và hệ thống phun nhiên liệu, có công suất tối đa 150 mã lực và mô-men xoắn cực đại 196 Nm. Động cơ này được nối với hộp số sàn 4 cấp, tự động 4 cấp hoặc tự động 5 cấp ZF (kể từ năm 1966) để truyền sức mạnh tới cầu sau.
Dù là phiên bản thấp nhất của dòng SL vào thời đó nhưng SL230 vẫn có hiệu năng vận hành "đáng nể". Trong cuộc đua 3/4 dặm Annemasse Vétraz-Monthoux vào năm 1963, kỹ sử trưởng của Mercedes là ông Rudolf Uhlenhaut đã cầm lái một chiếc SL2330 và đạt thời gian hoàn thành đường đua với chỉ 47,5 giây - chậm hơn một chút so với tay đua Mikes Parkes sử dụng siêu xe Ferrari 250GT với động cơ 3.0 V12.
Những chiếc 230SL hiện tại đang có mặt ở Việt Nam phần lớn đều đã được nhập vào nước ta bởi người Mỹ trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Do có "tuổi đời" khá cao, hiện nay việc kiếm được một chiếc 230SL trong tình trạng "như mới" giống chiếc xe tại triển lãm VIMS 2016 khá khó khăn.
Tác giả bài viết: Nguyễn Huy
Nguồn tin: