Cổng ngôi miếu hoành tráng, phía trên ghi “Miếu Bà Tam Thượng Linh Từ”. |
“Đền ông Dánh”
Mặc dù mang hàm tướng, nhưng ông Nguyễn Hữu Dánh không được nhiều người Quảng Bình biết đến. Nhiều lãnh đạo ở Quảng Bình khi được hỏi, cũng chỉ biết ông Dánh quê ở huyện Tuyên Hóa, còn cụ thể ở xã nào thì họ cũng không biết. Có người còn nói như đinh đóng cột, quê tướng Dánh ở xã Châu Hóa, cùng quê với tướng Cao Ngọc Oánh.
Ghế đá của các đơn vị CSGT hiến tặng. |
Điện thoại hỏi lãnh đạo xã Châu Hóa, họ nói không có ông Dánh nào làm tướng ở địa phương này cả. Lần mò mãi, cũng có người biết ông Dánh ở xã Tiến Hóa, gần nhà máy xi măng Sông Gianh.
Ở xã Tiến Hóa, ông Dánh khá nổi tiếng, nhưng không phải do ông làm tướng mà nhờ ông làm đền. Người dân xã Tiến Hóa chúng tôi gặp hỏi đường, họ biết khá tường tận về ngôi đền, còn về ông Dánh họ chỉ biết ông làm tướng ngoài Hà Nội: “À mấy chú hỏi đường về đền ông Dánh phải không? Đi thẳng, rẽ trái, rồi gặp ngã tư rẽ trái là đến”. Sao lại gọi đền ông Dánh? “Đây là ngôi miếu cổ của làng bị hoang phế, từ khi ông Dánh lên tướng ở ngoài Hà Nội, ông về cho trùng tu lại, nên bọn tui hay gọi là đền ông Dánh”.
Ngôi đền tọa lạc trên một khu đất khá rộng, cũng phải đến cả hec ta tại thôn Bàu 1, xã Tiến Hóa, gần bờ bắc sông Gianh, phía sau tựa lưng vào núi đá, phía trước là ruộng vườn của người dân. Ngôi đền được bao bọc bởi một lớp hàng rào bằng bê tông khá cao, cổng chính khá hoành tráng với ba cửa bằng gỗ và một cổng phụ, tất cả còn mới tinh. Phía trong được chia thành nhiều điện thờ cũng vừa được xây mới, trong đó ngôi điện chính xây 2 tầng. Ở tầng hai là ngôi nhà bằng gỗ theo lối kiến trúc cổ, rất tinh xảo. Duy nhất ở trong khuôn viên đền còn sót lại hai cột biểu rêu phong phủ kín.
Khi chúng tôi đến, phía trong đền có 5 - 6 người vào tham quan. Người hướng dẫn những vị khách này là một phụ nữ chừng gần 60 tuổi, xưng là tên Oanh, em gái ông Dánh. Gặp một người đàn ông đang lúi húi ngoài vườn. Hỏi, ông là chồng bà Oanh.
Trong vai khách tham quan, bắt chuyện với người đàn ông nói trên, ông tự hào giới thiệu: Gia đình ông ở Đồng Hới, ông nguyên làm ở Điện lực Quảng Bình về hưu. Từ khi “cậu Dánh” về làm đền, ông bà cho thuê nhà, ra đây để trông coi giúp ông Dánh. “Ngôi đền ni làm hai năm rồi mà vẫn chưa xong. Tốn kém lắm! Ước cũng phải vài chục tỷ”.
Sau khi tiễn khách, bà oanh quay sang chúng tôi hỏi chuyện. Nghĩ là khách tham quan, bà Oanh hồ hởi: “Chú quay nhiều vào, cho lên phây chị với, nhưng phải nói rõ là thôn Bàu 1 nhé để mọi người biết”.
Một góc quang cảnh trong đền. |
Vợ chồng bà Oanh kể: Ông Dánh sinh ra và lớn lên ở đây, hiện vẫn còn bố mẹ già sống ở quê. Ở đây, xưa là ngôi miếu cổ thờ bà Tam Thượng Linh Từ, gọi là Miếu Bà, có lịch sử 600 năm và rất linh thiêng. Thời gian và chiến tranh loạn lạc, ngôi miếu bị hoang phế. Cách đây 2 năm tướng Dánh trở về phát tâm xây dựng lại ngôi miếu này. Vợ chồng bà cho thuê nhà ở Đồng Hới, rồi ra đây để quản lí giúp ông Dánh.
Miếu xây không phép
Khi được hỏi về số tiền mấy chục tỷ bỏ ra để xây dựng lại ngôi miếu này, vợ chồng bà Oanh cho biết: Phần nhiều là của tướng Dánh và có sự đóng góp của anh em bạn bè của ông Dánh.
Qua quan sát, ở ngôi miếu này có nhiều hiện vật đề tên đơn vị tặng, nhưng có lẽ ấn tượng nhất của nguyên Phó Cục trưởng Cục CSGT, thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh là hàng ghế giả đá mấy chục chiếc in hàng chữ “Phòng CSGT ĐB - ĐT Công an Hà Tĩnh kính tặng”. Bà Oanh khoe: “Mấy chú không biết à? Ông Dánh là anh trai của o, thiếu tướng CSGT ngoài Hà Nội đó”.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, ông Hoàng Trọng Tài, Bí thư Đảng ủy xã Tiến Hóa thừa nhận, ngôi miếu đó chính là do ông Dánh phát tâm phục dựng. Về số tiền ông không nắm rõ là đầu tư bao nhiêu vì công sức của người dân bỏ ra cũng nhiều.
Ông Tài cho biết thêm: Đây là ngôi miếu cổ do dân thôn Bàu 1 quản lí, không có trong danh mục di tích văn hóa. Hiện ngôi miếu này đã được cấp sổ đỏ, còn giấy phép xây dựng thì không có.
Liên quan đến cây gỗ “quái thú” được cho là của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, nguyên Cục phó Cục CSGT được dâng cúng cho chùa Linh Đường (Linh Đàm), Hoàng Mai, Hà Nội. Tuy nhiên một người bảo vệ của ngôi chùa Linh Đường cho rằng, ngôi chùa đang trong thời gian sửa chữa nên không hề có cây nào được đưa về trồng cấy tại đây. Quan sát của phóng viên cho thấy, chùa Linh Đường khá nhỏ nằm sát Khu đô thị Linh Đàm, tiếp giáp với đường trên cao Nguyễn Xiển. Giả thiết thân cây đó được dâng cúng cho chùa Linh Đường cũng không có khuôn viên để trồng và không phù hợp với ngôi chùa này. Chúng tôi đến ngôi chùa thứ 2 khá lớn gần đó là chùa Bằng hay Linh Tiên Tự tại khu vực Linh Đàm nhưng đều không có dấu vết của chiếc xe và thân cây xuất hiện trên Quốc lộ 1 trước đó. Tại cuộc trao đổi với PV trước đó, tướng Dánh thừa nhận đang có một chuyến xe chở một cây gỗ “khủng” cho mình. Ông cho biết, đã dặn nhà xe che chắn cẩn thận nhưng không hiểu sao họ lại không làm. Theo ông Dánh, cây gỗ mà nhà xe chở cho ông được người ta tặng, có nguồn gốc từ Campuchia. “Anh đang làm cái đền trong kia, có người cho cây vào đền. Nhưng mà trồng cây vào đền không hợp, vì đất của mình đất lụt nên đưa ra vườn của mình ngoài Hà Nội. Thôi có gì giúp cho mình cái” - ông Dánh nói. |
Tác giả: HOÀNG NAM
Nguồn tin: Báo Tiền phong