Quản lý nhà đất tái định cư đã phát sinh nhiều vấn đề trong thời gian qua. |
Chậm nộp không bị phạt, không phải trả lãi
Theo một báo cáo vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố, tại dự án Khu tái định cư 30ha Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TPHCM), tính đến thời điểm cuối năm 2016 có 10 trường hợp do quận Bình Tân bố trí đã bàn giao căn hộ nhưng chưa đóng khoản tiền nào. Trong số đó có những hợp đồng mua bán căn hộ ký từ những năm 2012, 2013.
Ngoài ra, còn có tới 264 trường hợp mới thanh toán một phần và không đóng tiền đúng hạn (đối với trường hợp trả góp) với số tiền nợ đến ngày 31/12/2016 là hơn 13 tỷ đồng. 43 trường hợp tại đây ký hợp đồng cho thuê nhưng người dân chưa đóng tiền với số nợ 334 triệu đồng.
Nguyên nhân được chỉ ra là do hầu hết người dân được bố trí và chấp nhận tái định cư tại đây đều là dân lao động nghèo, cuộc sống không ổn định, không có việc làm, thu nhập thấp… nên không có khả năng tài chính để thanh toán.
Trên thực tế, theo Kiểm toán Nhà nước, tại hầu hết các quận huyện, việc thực hiện nộp tiền mua nhà, đất tái định cư của các hộ dân chưa tuân thủ quy định của thành phố nhưng chế tài của các quận huyện chưa thực sự quyết liệt làm chậm nộp ngân sách nhà nước tiền bán nhà, đất tái định cư. Một số trường hợp chưa nộp đầy đủ, kịp thời tiền mua nhà, đất tái định cư như kể ở trên.
Ngoài ra, hiện nay, trong các trường hợp bán nhà đất tái định cư đối với trường hợp thu tiền một lần, không có quy định việc phạt hoặc thu lãi đối với trường hợp chậm nộp tiền nên thực tế cũng phát sinh nhiều trường hợp không thực hiện nộp đầy đủ, kịp thời số tiền mua nhà mà không phải chịu bất cứ chế tài nào.
Giá nhà đất tăng, quay lại khiếu kiện
Nhìn chung, giá bán, giá bố trí nhà đất tái định cư các dự án tại TPHCM được chọn mẫu kiểm toán đã được Sở Tài chính, UBND quận huyện phê duyệt dựa trên cơ sở kết quả thẩm định giá của các tổ chức có chức năng thẩm định giá.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề tồn tại lớn là đối với các trường hợp lựa chọn phương thức tự lo nơi ở mới, đã nhận tiền bồi thường và suất đầu tư hạ tầng nhưng sau nhiều năm (từ 4-5 năm, nhiều trường hợp 7-8 năm) quay lại đề nghị và được giải quyết tái định cư nhưng vẫn được mua theo đơn giá tại thời điểm phê duyệt tái định cư là không hợp lý.
Tại một số dự án, so sau nhiều năm, giá thị trường của khu tái định cư đã tăng theo thời gian, thậm chí nhiều nơi tăng cao, nên nhiều trường hợp quay lại khiếu nại để xin được tái định cư nhưng vẫn mua theo giá cũ nhằm đòi hỏi thêm lợi ích kinh tế.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, trong đó có trường hợp các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng vẫn còn giải quyết tái định cư.
Ngân sách ứng hàng nghìn tỷ, thu về chẳng bao nhiêu
Theo số liệu báo cáo của Sở Tài chính TPHCM, luỹ kế đến ngày 24/3/2015 số dư tạm ứng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tạm ứng kinh phí để đầu tư xây dựng và mua nhà đất tái định cư là 1.567,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 31/12/2016, Quỹ Phát triển nhà đất mới tiếp nhận hoàn vốn của 22/31 dự án, với tổng số tiền hoàn vốn là 128,1 tỷ đồng.
Không chỉ tiền hoàn ứng vốn, tiền thu tiền bán nhà tái định cư cũng nộp vào ngân sách rất chậm. Tại thời điểm kiểm toán tại 8/10 quận huyện vẫn còn tồn số dư các khoản tiền bán nhà đất tái định cư chưa được xử lý, với tổng số tiền hơn 175 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc thu hồi tạm ứng còn chậm do nhiều dự án bồi thường giải phóng mặt bằng còn vướng về công tác đền bù, hỗ trợ thiệt hại, di dời cho người dân và vướng các thủ tục pháp lý trong quyết toán.
Đặc biệt, còn do các khoản tạm ứng dùng để mua căn hộ chung cư, nền đất phục vụ công tác bố trí tái định cư thu hồi chậm chủ yếu là do quỹ nhà đất còn tồn nhiều, đồng thời tình trạng người dẫn chưa hoặc chậm nộp tiền mua nhà đất tái định cư như nói đến ở trên và các trường hợp bán theo hình thức trả góp.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí