Trong nước

Một bộ phận công chức vô cảm, hách dịch, cửa quyền

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã nhấn mạnh như vậy và cho rằng cần xây dựng quy chế về đạo đức công vụ để làm cơ sở đánh giá công chức viên chức trên cơ sở hài lòng của người dân một cách thực chất.

Theo nhận định của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, kết quả cải cách tổ chức bộ máy tuy đã đạt nhiều kết quả nhưng chưa vững chắc. Đại biểu phân tích hai điểm hạn chế: Thứ nhất là chủ trương phân cấp chưa được thực hiện tốt, tình trạng cấp trên "ôm đồm", cấp dưới "đẩy việc" lên cấp trên, việc gì cũng lên Trung ương trình, duyệt, xin phép. Tình trạng này đã gây nhiều hệ lụy, dẫn đến quá tải ở Trung ương trong khi cấp dưới thụ động, ỉ lại, cơ chế một cửa không phát huy tác dụng, cơ chế xin cho bị lạm dụng, cơ chế trách nhiệm không rõ ràng, và cuối cùng công việc của dân, của nước bị ách tắc.

Điểm hạn chế thứ hai là vấn đề đạo đức công vụ của một bộ phận công chức, một bộ phận cán bộ chưa ý thức rằng mình là công bộc của dân, nguyên nhân của việc công chức vô cảm, quan liêu, hách dịch là do họ ít phụ thuộc vào dân, từ tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng lương đều không phụ thuộc vào dân mà chỉ phụ thuộc vào cấp trên; tình trạng công chức không thạo việc dù có đủ bằng cấp chứng chỉ nhưng tình độ không tương xứng….

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy kiến nghị cần xây dựng quy chế về đạo đức công vụ

Từ thực trạng trên, đại biểu kiến nghị: cần phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ máy hành chính. Về lâu dài các quan chức chính trị phải được dân bầu hoặc giới thiệu; quan chức hành chính phải được tuyển dụng theo tiêu chí cụ thể. Đồng thời, cần xây dựng quy chế về đạo đức công vụ để làm cơ sở đánh giá công chức viên chức trên cơ sở hài lòng của người dân một cách thực chất.

Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, hiện tượng nhũng nhiễu, hách dịch, cửa quyền, thờ ơ, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, hay hiện tượng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí mà dư luận bức xúc là do văn hóa pháp lý của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đầy đủ và trọn vẹn. Đại biểu đề nghị bổ sung giải pháp bồi dưỡng, xây dựng và nâng cao tầm văn hóa nói chung và văn hóa pháp lý nói riêng cho cán bộ công chức, viên chức.

Phải coi việc để biên chế phình to là một dạng tham nhũng

Theo đại biểu Tô Văn Tám, tinh giản biên chế là một nội dung quan trọng trong quan điểm của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, vẫn chưa được thực hiện một cách có hiệu quả, chưa đi vào thực chất và chưa đạt mục tiêu đề ra. Chưa tinh giảm được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ và trình độ năng lực yếu kém mà chủ yếu tập trung ở nhóm nghỉ hưu trước tuổi, theo báo cáo giám sát tỷ lệ này là 90%. Đại biểu đặt vấn đề: "Trong đội ngũ công chức hiện có bao nhiêu % chưa hoàn thành nhiệm vụ thì chưa có câu trả lời thoả đáng, như vậy sẽ khó tinh giản đúng đối tượng".

Về tình hình tinh giản đạt tỷ lệ thấp, các cơ quan hành chính Nhà nước giảm được 0,83%, các đơn vị sự nghiệp giảm được 0,54%, đại biểu Tô Văn Tám ví von “ta có thể hình dung thực trạng biên chế và tinh giảm biên chế như hình phễu, đầu vào rất to nhưng đầu ra lại nhỏ”, nguyên nhân là do bộ máy ở cơ quan đầu mối như bộ, sở không tăng nhưng các đơn vị trực thuộc vẫn tăng nên việc tinh gọn bộ máy trong tình trạng “bóp trên phình dưới”.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng cần có "bàn tay sắt" trong công cuộc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Theo đại biểu, mặc dù quy định về tổ chức bộ máy ở địa phương là rất cụ thể, chi tiết với yêu cầu rất ngặt nghèo là chấp hành, nhưng không gắn với yêu cầu cuối cùng là nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý, thực thi nhiệm vụ. Vì thế, khi những khó khăn, phức tạp, yếu kém, buông lỏng quản lý nảy sinh thì lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, có chỗ đổ thừa cho quy định cấp trên.

“Chúng ta chưa thực sự gắn được trách nhiệm của chính quyền địa phương với việc đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính cấp tỉnh và cấp Trung ương...”, đại biểu phân tích.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lấy ví dụ từ "điểm sáng" Quảng Ninh trong đổi mới cải cách bộ máy hành chính nhà nước và đề nghị cần có giải pháp mạnh mẽ và coi việc để biên chế phình to là một dạng tham nhũng để quyết tâm ngăn chặn, điều chỉnh.Theo đại biểu để có đủ dũng khí vượt qua trở ngại thì phải có "bàn tay sắt" như Đảng đang làm trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay, để quyết tâm thực hiện hiệu quả công cuộc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Tác giả: THÁI AN

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP