Giáo dục

Môn Lịch sử thi trắc nghiệm: Vẫn đánh giá chính xác được học sinh

Theo dự thảo phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017, môn lịch sử sẽ không đứng độc lập mà nằm chung trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội và đặc biệt thi trắc nghiệm. Trước thay đổi khá lớn này nhưng theo PGS.TS Hà Minh Hồng thì không nên quá lo và việc thi trắc nghiệm sử vẫn hiệu quả.

Nên thi tốt nghiệp nhiều lần trong năm?

Dân trí đã trao đổi và nhận được ý kiến chia sẻ của PGS. TS Hà Minh Hồng – Trưởng Bộ môn Lịch sử Việt Nam của trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) về những thay đổi theo dự thảo phương án thi năm 2017.

PGS.TS Hà Minh Hồng phát biểu trong một hội nghị (ảnh: Trường ĐHKHXH&NV TPHCM)


Thưa PGS. TS Hà Minh Hồng,việc Bộ GD-ĐT đưa ra phương án thi 2017 trong đó môn sử sẽ thi trắc nghiệm, có nhiều ý kiến băn khoăn, là một chuyên gia giảng dạy môn Lịch sử ông có cho phương thức thi này là hợp lý hay không?

PGS.TS Hà Minh Hồng: Tôi cho rằng cái hợp lý ở đây chính là việc thi cử cần phải thay đổi, đổi mới trong đó cần những cách thức phá vỡ cách thi truyền thống đã quá cũ kỹ, không còn thích hợp. Phải thay đổi để nó có thể đồng bộ với các môn khác chứ với tình trạng học và thi sử như hiện nay thì cứ kéo dài khoảng cách giữa các môn chính, môn phụ. Tôi cho rằng đổi mới phải có sự đồng bộ.

Việc thi trắc nghiệm hay không trắc nghiệm thì sẽ có nhiều nhìn nhận khác nhau. Nhưng có một dẫn chứng thế này, ở cuộc thi Olympic Mác Lê-nin trong đó có một phần lịch sử hoặc các môn Triết học, Kinh tế chính trị… thì vẫn có hình thức thi trắc nghiệm.

Việc dùng hình thức thi trắc nghiệm để đánh giá vẫn hết sức chính xác mà không có vấn đề gì. Thi trắc nghiệm cũng đưa ra 4 dữ kiện để thí sinh lựa chọn thì vẫn đảm bảo có chất lượng của một kỳ thi. Mỗi đợt thi thì mỗi đội tham gia phải trả lời gần 20 câu trắc nghiệm thuộc mỗi loại, như vậy mỗi đề thi như vậy phải gần 100 câu trắc nghiệm toàn những câu về Mác Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng trong đó có lịch sử văn hóa, lịch sử dân tộc.

Dù cuộc thi đó không phải là kỳ thi quốc gia, thi tốt nghiệp hay để thi ĐH nhưng tôi thấy phương thức thi trắc nghiệm vẫn có hiệu quả. Đem hiệu quả này để đến một hiệu quả khác thì cần phải có một khoảng cách để xem xét nhưng tôi không thấy có gì khó khăn lắm trong thử trắc nghiệm sử. Nên đặt mức độ từng bước bằng cách năm nay đưa ra thử nghiệm.

Thí sinh thi môn Sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016


Nhưng thưa PGS.TS, với cách thay đổi khá mạnh này, nhiều giáo viên phổ thông cũng cảm thấy hoang mang vì chưa hình dung được cách thi trắc nghiệm sử sẽ như thế nào?

PGS. TS Hà Minh Hồng: Tôi thấy nhiều người rất choáng, hoang mang, chờ đợi nhưng cũng có trường nọ trường kia đã có sự chủ động thay đổi trong cách thức tổ chức môn học. Nhiều trường đã họp tổ bộ môn này, tổ kia để tìm ra phương thức dạy kể cả môn giáo dục công dân cũng được đưa ra bàn nên dạy như thế nào. Tôi cho rằng cái được trước hết của cách thi này là đã đánh động các trường phổ thông. Việc đánh động từ bây giờ để 9 tháng sau đưa hướng dẫn vào thì dần dần giải quyết được cái hoang mang, dao động của giáo viên, học sinh.

Cũng đừng lo quá vì không phải từ trước tới nay chúng ta chưa bao giờ thi trắc nghiệm cả. Bộ GD đã hứa có mẫu đề thi minh hoạ, tôi nghĩ bộ phận làm đề đã chuẩn bị kỹ hơn để làm sao người thi có quá trình quá độ. Sắp tới việc đưa đề thi ra thử nghiệm thì tôi nghĩ đã có tính chất quá độ. Tôi cho rằng cứ mạnh dạn làm, không cần đánh động trong năm nay rồi 2,3 năm tới mới thực hiện. Trải qua quá trình đó thì đề thi cũng sẽ có tính chất quá độ. Nên mạnh dạn thay đổi và thể hiện nguyện vọng của phụ huynh, học sinh và giáo viên bằng thực tế của thể nghiệm đó như thế nào. Để từ đó nhà trường, giáo viên và học sinh điều chỉnh cách dạy, cách học.

Một vấn đề cũng khiến xã hội chưa an tâm là thi tổ hợp với mỗi môn chỉ 20 câu trắc nghiệm thì liệu có đảm bảo đánh giá chất lượng của thí sinh hay không? Ông có chung nỗi lo này hay không?

PGS. TS Hà Minh Hồng: Tôi cũng có lo lắng vấn đề đó. Nếu đưa được hết các môn vào thì mới chỉ giả quyết một vấn đề dạy môn nào thì thi môn đó. Nhưng tôi cũng đang băn khoăn trong chuyện để cho học sinh tự chọn một trong hai tổ hợp, hoặc xã hội hoặc tự nhiên. Tôi e rằng học sinh cũng sẽ tiếp tục không chọn thi môn xã hội, không chỉ riêng lẻ môn sử mà một loạt môn xã hội khác các em đều không chọn. Như vậy, tôi cho rằng điều đó cũng không thể nói kỳ thi sẽ thành công.

Tôi biết phương án của Bộ là để tiến tới 1 bài thi thôi với tổ hợp các môn đã học. Vậy thì nên chăng trong giai đoạn hiện nay chúng ta cứ thử nghiệm tổ hợp đó để xem như thế nào. Nếu đã làm một bài thi gồm 3 môn thì cũng nên đặt vấn đề đưa được 6 thậm ưa chí cả 9 môn vào một bài thi được hay không. Tôi cho rằng những tỉ lệ đó chúng ta hoàn toàn định ra được. Tôi không ủng hộ để học sinh tự chọn môn thi vì thế nào cũng xảy ra tình trạng học lệch.

Hiện nay có nhiều môn học sinh rất sợ như môn sinh, sử vậy thì chúng ta phải làm cách nào đó để các em bớt sợ đi bằng cách dạy đều hết các môn. Chứ nếu để tự chọn như hiện nay thì sẽ có trường dạy lệch môn này hoặc môn kia. Mà cái gốc của việc dạy lệch, học lệch cũng là do vấn đề thi cử, suy cho cùng cũng là động cơ bằng cấp, bệnh thành tích.

Tôi cứ hình dung nếu thi một bài tổ hợp tổng hợp các môn để không ai tránh cãi được. Tất cả các môn đều như nhau, đối xử như nhau, thầy cô cũng được đối xử như nhau, phụ huynh cũng phải đối xử như nhau và học sinh vừa bị vừa được quan tâm như nhau. Theo tôi đó mới chính là cái chúng ta cần hướng tới.

Tôi có cảm nhận dự thảo của Bộ đưa ra cũng có phần rụt rè, chưa đột biến lắm. Nếu cứ từng bước từng bước như thế thì tôi không hiểu đến bao giờ chúng ta mới có được điều như mong muốn trong đổi mới giáo dục.

Tất nhiên để thay đổi được như thế tôi nghĩ khâu chuẩn bị cho đề thi rất quan trọng đòi hỏi một ban lớn chuyên trách thực hiện.

Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

Tác giả bài viết: Lê Phương (ghi)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP