Người dân quê tôi luôn tự hào về món chè thưng này bởi ngoài hương vị độc đáo, nó còn là món ăn dân dã tiêu biểu cho những nét đẹp đằm thắm, dịu dàng của người con gái chốn thôn quê.
Còn nhớ những ngày chuẩn bị xa nhà đi học đại học trên thành phố, trước khi thưởng thức món chè “bà ba”, nội tôi thường bảo, chè này giống như nét đẹp dịu dàng của cô gái miền Tây khi khoác lên mình chiếc áo bà ba truyền thống. Nó dung dị, mộc mạc nên khi ăn cũng cần phải thong thả và ngẫm nghĩ để cảm nhận hết được những nét tinh tuý của món ăn này.
Cũng như bao người nông dân sống tại vùng đồng bằng sông nước, gia đình tôi quanh năm làm lụng để kiếm cái ăn. Cha mẹ tôi quần quật ngoài đồng cũng chỉ lo được cho anh em chúng tôi cơm ngày hai bữa, chuyện quà vặt hằng ngày là quá xa xỉ ở chốn quê này. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn sống rất hạnh phúc, trong căn nhà mái lá nhỏ của gia đình tôi luôn tràn ngập tiếng cười.
Nguyên liệu cần thiết để nấu món chè thưng (ảnh: Hoàng Lê)
Nội thương anh em tôi lắm. Cứ vào ngày giỗ của tổ tiên, nội lại lấy hết tiền dành dụm để chuẩn bị một mâm cơm có canh, có thịt cho anh em tôi “rửa ruột” trong những ngày khốn khó. Chúng tôi thì đợi mãi cho đến ngày này, ngoài việc gặp gỡ anh em, chú bác, thưởng thức các món ăn ngon, anh em tôi còn được dùng món chè thưng do chính tay nội nấu.
Dù là một món chè đơn giản nhưng để nấu cho ra được mùi vị đặc trưng thì phải có một quá trình chuẩn bị mấy ngày liền. Trước ngày giỗ, nội đi ra con rạch nhỏ trước nhà, đợi con nước ròng để vớt dừa khô. Nội bảo dừa khô tự rụng cơm mới béo. Nếu làm dừa mới lắc nước thì sẽ hỏng mất mùi vị béo ngậy đặc trưng của món chè này. Sau đó, nội ra vườn đào củ khoai, củ sắn ngâm vào trong hũ, đó là những nguyên liệu không thể thiếu khi nấu chè thưng. Rồi lần nào cũng vậy, nội tự mình đi ra chợ để mua đậu, đường, bột khoai, bột bán… đem về ngâm đó để sáng ngày sau nấu chè cúng gia tiên cho kịp. Nội tôi kỹ tính lắm, tất cả các nguyên liệu nấu chè nội đều tự tay chuẩn bị, có như vậy nội mới an tâm.
Món chè thưng nghĩa tình gắn với biết bao kỷ niệm về nội năm xưa (ảnh: Hoàng Lê)
Sáng hôm sau, khi tiếng gà gáy cất lên thì nội đã trở dậy, lụi cụi bắc được nồi nước sôi với mọi thứ đã được chuẩn bị từ hôm trước. Khi nội thả đậu phộng vào nồi là chúng tôi biết sắp có ăn, dấu hiệu để nhận biết nồi chè sắp chín là bột báng trong veo, trắng trong chan hoà sền sệt với các thứ trong nồi. Chúng tôi ngồi xung quanh nội mà nghe hương vị thơm tho đặc biệt của món chè thưng, chỉ muốn nhanh ăn ngay một chén. Muốn vậy nhưng chúng tôi chẳng ai dám ngỏ lời xin, vì nội bảo món chè này phải được cúng ông bà rồi mới được dùng trong ngày giỗ.
Khi nén nhang thơm trên bàn thờ sắp tắt, anh em tôi phụ nội bưng chè xuống bếp để bắt đầu được thưởng thức món chè thưng trong sự thèm thuồng. Món chè này ăn nóng rất ngon, vị béo của nước cốt dừa hoà quyện với mùi thơm của đậu, của khoai ăn hoài mà không biết chán. Nhìn chúng tôi xít xoa với món chè, ánh mắt nội vui lên. Nội bảo chúng tôi cứ dùng, ăn no cho thoả thích. Nội cũng múc một chén chè rồi cùng ăn với chúng tôi. Nhớ lúc ấy, nụ cười hiền lành và khóe mắt đã nhăn nheo của nội lan toả trong tâm hồn chúng tôi ấm áp, nghĩa tình.
Nội tôi giờ đã đi xa, để lại trong lòng anh em tôi niềm nhớ nhung vô hạn. Nhớ quê, nhớ nội, nhớ chén chè thưng dung dị cùng ánh mắt thân thương của nội mà buồn đến nao lòng. Nội ơi! Chúng con sẽ về trước ngày giỗ nội để vớt trái dừa khô trôi bên con rạch nhỏ rồi ra sau vườn để đào củ sắn chuẩn bị nấu món chè “bà ba” mà nội vẫn thường dạy bảo. Chúng con sẽ trịnh trọng đặt chén chè này lên bàn thờ nội, mong nội hãy dõi theo từng bước đi của chúng con trong suốt cuộc đời này…
Tác giả bài viết: Hoàng Lê