Nghĩ là thế, thực tình lịch trình đã sắp đặt: Ngày mai, ngày mốt dự Hội Nhảy dù Bay trên mùa vàng - 2017 tại đỉnh đèo Khau Phạ với hơn trăm phi công trình diễn theo thông lệ “đến hẹn lại lên”; sau đó mới tuồn ngược để thưởng ngoạn cảnh sắc Mùa vàng Mù Cang Chải...
Đổ đèo, chúng tôi trở xuống Tú Lệ. Tầm mắt xuôi theo con suối Mường Lùng. Suối uốn eo đưa nước nuôi ruộng đồng thôn bản. Tầm mắt mỗi lúc như được nới rộng thêm ra. Lúa lổ đổ chín nơi chân ruộng bậc thang. Lúa trải thảm vàng mượt mà sóng sánh theo gió heo may trên cánh đồng Mường Lùng thênh thênh. Mùi rơm rạ đốt trên đồng, mùi thơm cơm gạo mới từ chái bếp bản Thái, bản Mông lan tỏa thân gần cứ như quê mình, làng mình thuở ấu thơ. Từng bầy trâu mũm mĩm như những trái sim chín đủng đỉnh theo nhau về lán. Hương cốm thanh tao lan tỏa theo chiều gió, thoảng lên dốc, lên đồi, lên núi... khiến tôi nao nao nhớ hương thơm, vị đậm, dẻo ngon của cốm nếp hoa vàng làng Vòng, Hà Nội... Ngỡ ngàng, tôi reo lên:
- Trời ơi! Thì ra xứ núi cũng là xứ sở của cốm nếp ư! Suốt 2 ven đường 32 từ Khau Phạ trở về “thị tứ” trung tâm xã Tú Lệ, có tới cả chục, cả trăm lều, lán, cửa hàng chuyên sản xuất cốm. Tôi như kẻ bị thôi miên trước dáng vẻ của những cô gái dân tộc Thái, miệng tươi, đôi mắt lay láy, da như trứng gà bóc, suối tóc óng mượt đang sàng sảy cốm; lời nồng ấm với khách bất kể lạ hay quen, xa hay gần. Tôi hỏi Ngọc Oanh (tên trên biển hiệu): - Xứ núi heo hút này, ai mua cho hết mà đua nhau làm nhiều cốm đến vậy? Ngọc Oanh nhoẻn cười, giọng nhẹ tênh, lời hóm hỉnh: Bác định mua bao nhiêu? Cẩn trọng vốn có của người từng ngược xuôi đây đó, tôi hỏi giá: Bao nhiêu một lạng? Cô gái cười rất duyên: Người như bác mà chỉ mua đến lạng thôi sao. Nơi em bán là cứ nửa cân trở lên. Giá thì không êm đâu. Nửa ký thì 50 ngàn. Một ký thì 90 ngàn. 5 ký trở lên thì nhà em chỉ xin 80 ngàn 1 ký. Bác có ưng không? Lòng thầm nghĩ rẻ quá nửa so với Hà Nội. Tôi đón ngay: Vậy thì tôi mua 10 ký (với ý để vui)! Cô gái nhỏ lời, đôi mắt lay láy xoáy vào tôi: Bác mua để đi “đổ hàng” à? Mua 1 ký thì bác phải chờ 40 phút nữa. 10 ký thì phải đợi tới độ này chiều mai. Nhà em cũng thế, nhà ai cũng vậy, 400 gia đình làm cốm của xã em đều chỉ cỡ ấy. Bác xem đấy, chồng em giậm giã liên tục, em gái em và em luôn tay sàng, sảy suốt chiều chỉ làm ra 7 - 8 ký cốm là cùng. Người đời bảo Giã gạo thì ốm/ Giã cốm thì khỏe; đây thì chúng em ốm vì cốm đấy bác ạ. Chẳng qua cũng là để sống cho khá hơn thôi! Tôi ra giọng khuyên nhủ: Thế thì phải dậy sớm, làm từ sáng sớm, làm cho đẫy ngày! Cô gái ngừng tay sảy, liếc xéo về phía tôi: Bác này người thành thị có khác! Cô gái đổi giọng rên rỉ: Thế này bác ơi, từ mờ sớm cả nhà em đã phải ra đồng chọn từng bông nếp non hơi khum bông, vẫn ngậm hơi sữa mới cắt. Cắt rồi phải tuốt, lọc lép lửng qua nước, hong khô; cho vào chảo sao chín như sao chè xanh cho thật vừa tầm, không quá già cũng không quá non. Không như thế thì cốm sẽ bị cứng hoặc giập bết. Sao rồi để nguội mới đưa vào giã. Xưa vừa giã vừa sảy tới 9 lần mới thành cốm. Nay có máy bóc tách, chiết mảnh, chỉ 4 lần giã; khi giã phải luôn tay đảo trộn mới tạo cốm đẹp. Giã rồi lại phải om cho bẹt hạt. Cốm Tú Lệ sạch và ngon vì chúng em làm gọn trong ngày kể từ công đoạn chọn hạt cắt bông. Bác mua nhiều, ăn nhâm nhi cả năm, cốt gói kỹ, để ngăn đá, cả năm vẫn thơm, vẫn dẻo!...
Một góc cánh đồng Mường Lùng vào vụ gặt. |
Bất ngờ: Tôi đã khỏi được thoái hóa đốt sống cổ chỉ sau 2 tháng Bí ẩn loài cây trị "dứt điểm" Đờm (đàm) ho, Khó thở, Hen suyễn, Viêm phế quản mạn!
Thú thật, tôi ăn cốm, thấm hương cốm từ thuở ấu thơ, nhưng đâu hiểu rõ sự nhọc nhằn của người làm cốm! Nhúm tay, đưa lên mũi rồi cho vào miệng thẩm hưởng những hạt cốm xanh xứ núi, thì ra cốm Tú Lệ giữa đất trời Tây Bắc này chẳng hề kém cạnh cốm xanh làng Vòng danh tiếng trăm năm, ngàn năm. Chả thế mà người Hà Nội, Sài Gòn qua lại đua nhau mua cốm Tú Lệ để làm quà, chế tác đủ cách để ăn... Đêm trung chuyển chờ ngày lên Mù Cang Chải, tôi nhăm nhắm chuyện với chủ Nhà nghỉ Hồng Quang cốt để thấu hiểu ngọn ngành hạt cốm, hạt gạo nếp tan của xứ trời xa ngái này. Khốn nỗi, chén vơi chén đầy chắt từ nếp tan, từ táo mèo bản địa ông chủ Hồng Quang cứ lòng thòng duyên cớ xa xưa bỏ quê Cẩm Khê, Phú Thọ lên đất này lập nghiệp rồi kết bạn với cô Thảo xinh xắn gốc gác kề Đền Tổ Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, Hạ Hòa nên vợ nên chồng nên cơ ngũ bề thế như ngày hôm nay. Buông lời âm oang của người chuộng văn thơ: Mường Lò gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về; Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò. Giọng trầm xuống, ông bảo: Nếp tan Tú Lệ là trời cho, không đâu có được, cho nên xe cộ từ khắp mọi miền đất nước đều về mua nếp tan Tú Lệ để gói bánh chưng, thổi xôi thờ cúng tổ tiên, làm quà đãi bạn, đãi khách. Gạo Tú Lệ, nếp tan Tú Lệ làm xã hội Tú Lệ biến đổi khác thường. Xây dựng phát triển, thương mại mở ra, dịch vụ tăng tiến, du lịch cộng đồng cũng nhộn nhàng theo!... Chỉ vậy, rồi ông khoe đất, khoe cả trời rằng: Tú Lệ được vây bọc bởi thế núi, thế đồi. Đằng đông có núi Khau Thán (Sừng than), Tây có đồi Khau Chăn (Sừng dốc), Bắc có đồi Pa Có (đồi sồi dẻ)... che chở cho dân bản bình yên, cho đồng Mường Lung và các cánh đồng của thôn bản tốt tươi trù phú. Mấy mươi năm trước, Tú Lệ nghèo khổ, khốn khó bởi đâu đâu cũng trồng anh túc. Anh túc được mùa thì dân bản tàn tạ. Nay cây lúa, giống mới tràn khắp đồng thấp đồng cao, nhà nhà đổi đời; nào là Tú Lệ có suối nước nóng ở bản Chao, nơi chiều chiều các cô gái Thái tắm trần bên suối, dung dị, tự nhiên đến nao lòng. Đã tới đây, các anh nên đến đó. Đến để thưởng ngoạn nét hồn nhiên, thanh lịch như trời sinh ra là như thế!...
Sáng. Xôi nếp thơm từ cổng chợ trung tâm thơm ra. Xôi đựng trong thúng, đặt trên mâm, trên mẹt của những bà, những cô gái Thái xinh xắn vồn vã mời khách. Kề hàng xôi là những quán gà nướng, thịt xiên lợn cắp nách xèo xèo trên bếp than rực hồng; rượu cuốc lủi, táo mèo, sâu chít bình to, hũ nhỏ đủ đầy... Bên đường trung tâm xã, nhà hàng ẩm thực cũng nối nhau đủ món chế biến từ gạo nếp tan như: cốm, cháo cốm vịt, xôi nếp ngũ sắc, cơm lam, rượu nếp như nét riêng biệt của xứ núi... Vạn sự, ngàn sự đổi thay hay xưa cũ đều có căn nguyên, ý nghĩ ấy thôi thúc tôi gặp Hoàng Văn Soàn - dân bản xứ bảo ông là “nhà sử học” của Tú Lệ! Soàn người dân tộc Thái, điển trai, mắt trong, tai rộng, cằm tròn, sống mũi thẳng hiển hiện nét thông minh, lịch lãm. Là kỹ sư nông lâm nghiệp, 7 năm nay ông là Phó Chủ tịch xã, nhưng trước đó có tới 10 năm làm cán bộ văn hóa. Hỏi lai lịch của lúa nếp tan, Soàn đáp: Từ xưa xa đến nay dân Tú Lệ vẫn truyền nhau “Ngày xửa ngày xưa Trời (Then) cho người Thái ở ven rừng Tây Bắc này một lượng hạt giống và nhắc nhở phải tự tìm đất gieo cấy. Mải miết kiếm tìm, rồi họ cùng nhau dừng lại, gieo cấy giống lúa Trời cho trên đồng ruộng Mường Lùng (Tú Lệ). Giống lúa trưởng thành phân ra 2 loại: Khẩu tan chậu (nếp - tan sớm). Khẩu tan lả (nếp - tan muộn). Nhưng khẩu tan lả dài ngày, cao cây, hay đổ nên bị loại. Nếp tan xem như nếp Trời cho nên dân truyền dạy nhau gìn giữ. Mùa lúa chín, dân chọn những bông to, hạt mẩy bó thành khum, phơi khô cất cao làm giống. Khi thấy lúa trổ hoa mà bông thấp bông cao ấy là dấu hiệu của sự thoái hóa. Người ta lại kỳ công chọn lại từng bông để nhân giữ”... Nhưng quan trọng là khoa học canh tác! Nét mặt tươi rói, Soàn bảo: Năm 2004, Tú Lệ được Viện Nghiên cứu Giống cây trồng phát triển phía Bắc thực hiện Công trình phục tráng... Năm 2008 được cấp thương hiệu “Nếp Tú Lệ”. Nếp Tú Lệ dẻo, thơm, ngon là thế. Hơn 400ha ruộng lúa nước, phần đông đều cấy nếp tan!
Sản xuất cốm tại lán ven đường của gia đình Ngọc Oanh. |
Biết Tú Lệ sắp vào tuần “Lễ Hội cơm mới”, tôi hỏi nét mới của lễ hội? Hoàng Văn Soàn cặn kẽ: Lễ Hội dựa theo phong tục của người Thái. Phẩm lễ là cơm, xôi gạo mới, thực phẩm là thịt lợn, ngan, vịt... dâng tạ, kính viếng tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho dân có mùa màng tươi tốt, ấm no; cầu cho vụ mới thêm phần bội thắng... Ấy là dân lễ. Nay khác là chính quyền xã đứng ra tổ chức lễ hội cho cả cộng đồng. Nhờ đất, nhờ trời nên có hạt thơm, cơm dẻo nhằm quảng bá cho nếp tan Tú Lệ tồn tại, phát triển, lan xa, tỏa rộng... Phần Hội có 2 cuộc thi. Ngày trước (25/9) thi trang phục dân tộc “Duyên dáng vùng nếp tan”. Ngày sau (26/9), thi giã cốm, mỗi bản 1 đội. Có quy chế, thể lệ chặt chẽ. Đội nhất nhận thưởng 700.000đ... Đội được khuyến khích là 200.000đ. Nhưng cái được là thi xong cả 10 đội sẽ được nhận giấy phép mở cửa hàng của bản để bán các hàng sản xuất từ gạo và các nông sản khác (mức giải sẽ được trương cùng biển hiệu trước cửa hàng) nên không khí lễ hội rất tưng bừng! Ngừng giây lát, Soàn chốt lại: Tựu trung cũng là cách để chúng tôi vinh danh. Để cam kết với khách hàng, đây là sản phẩm sạch của trời cho Tú Lệ!
Đúng như lời bạn đã từng nói với tôi: Tú Lệ là miền nếp tan đặc chủng của xứ trời Tây Bắc. Hương lúa, hương cốm, hương rừng, tình người suốt 4 mùa thơm thảo. Vụ gieo cấy thì chân đồng thấp đến đồng cao đâu đâu cũng xanh xanh, mềm mại như nhung phơi, thảm trải. Mùa gặt về thì lúa vàng ươm dạt dào xô sóng, ngạt ngào hương lúa, hương cơm, hương rơm rạ mới quyến rũ đến không cùng!
Tú Lệ - Mùa thu 2017
Tác giả: Nguyễn Uyển
Nguồn tin: Báo Sức khỏe & Đời sống