Cuộc sống

Mẹ chồng và nàng dâu – tại sao lại phải “đâm mâm cho thủng”?

Mẹ chồng – nàng dâu, đó là mối quan hệ đã làm tốn rất nhiều khẩu ngữ và giấy mực bao đời này. Với vai trò bề trên, rất nhiều bà mẹ chồng giữ suy nghĩ “mất tiền mua mâm, đâm cho thủng” để đối xử với con dâu.

a2 kfmd jpg ashx

Chẳng vừa, nhiều cô dâu cũng hùng hồn tuyên bố “yêu nhau cũng thể mẹ chồng – nàng dâu”, có nghĩa là khó mà có thể yêu thương được. Đỉnh điểm của mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu đã làm cho nhiều gia đình tan vỡ, nhiều người đàn ông khốn khổ không biết chọn mẹ hay chọn vợ, thậm chí nhiều cái chết vì phẫn uất…

Nước mắt, thương đau phủ đầy “mối quan hệ bão táp”

Người viết bài này đã từng chứng kiến một người đàn bà khóc vật vã vì người chồng đột tử ra đi lúc tuổi đời của chị và chồng đều còn rất trẻ, đứa con chung của họ cũng mới chỉ bi bô tập nói.

Khóc lóc vật vã đấy nhưng chị lại nói một câu thật ráo hoảnh: “Cũng may là anh nhà chị ra đi đêm đó, chứ không chị cũng chỉ còn có nước ôm con nhảy sông theo chồng mà thôi”. Nếu không hiểu câu chuyện của chị, sẽ vội trách rằng câu nói trên thật cạn nghĩa cạn tình.

Chị lấy anh là con trai duy nhất của một người đàn bà góa bụa. Nhìn cảnh chồng mình quấn quýt mẹ, chị yên tâm vì sau này chị sẽ có người đàn ông của gia đình. Nhưng nào ngờ, chỉ qua tuần trăng mật, mẹ chồng chị đã kê giường vào phòng hai vợ chồng để ngủ chung với lý do mẹ con họ không thể ngủ xa nhau.

Chồng đã đồng ý thì chị còn biết làm gì? Sinh con được tròn tháng, thì chị chính thức ra ngủ riêng theo yêu cầu của mẹ chồng. “Từ giờ mẹ, chồng con và em bé sẽ ngủ một phòng, khi nào em bé đòi bú mẹ sẽ gọi con, chồng còn sẽ sang phòng con khi cần. Thế nhé!” – mẹ chồng chị đã nói thế và một lần nữa chị không thể phản kháng vì chồng chị đã không lấy đó làm buồn.

Bạn bè biết chuyện đoán ngược xuôi rằng hay chồng chị đồng tính nên đó là cách mẹ chồng chị vừa giải quyết được dư luận mà vừa giúp đỡ được con trai. Nhưng chị lắc đầu bởi đã có lần chị hỏi thẳng chồng mình điều đó. Vợ chồng họ cứ ngủ hai phòng như vậy cho đến ngày chồng chị ra đi. May sao đêm hôm đó anh không sang phòng vợ, chứ không chị lại mang tiếng giết chồng, thì cả đời này chị sẽ không thể sống yên với bà mẹ chồng như thế.

Mẹ chồng – nàng dâu, đó là mối quan hệ đã làm tốn rất nhiều khẩu ngữ và giấy mực bao đời này. “Yêu nhau cũng thể mẹ chồng, nàng dâu” –dân gian đã đúc kết vậy về “mối quan hệ bão táp” này.

Trên các diễn đàn cũng không khó khăn để tìm những câu chuyện đầy nước mắt của những nàng dâu trẻ. “Chúng em yêu nhau và vượt qua nhiều ngăn cách để đến được với nhau và bây giờ đã có bé gái xinh xắn. Em buồn lắm vì mẹ chồng em đã dần dần đưa vào tâm trí chồng em về hình ảnh người vợ không ra gì so với suy nghĩ của bà.

Chồng em lại rất gia trưởng và tuyệt đối nghe theo lời mẹ nên gia đình nhỏ bé của em không ít những trận cãi vã nảy lửa. Thậm chí đã có lần em có ý định tử tự vì ức chế. Hiện tại vì xung đột mẹ chồng, nàng dâu mà vợ chồng em ngủ riêng mỗi đứa một phòng, con thì bà nội cho về quê, dù em không muốn. Không thể nói cho chồng hiểu, mà cũng không thể đòi lại con, em chỉ biết khóc thầm trong đêm…” – một cô gái có “thâm niên” làm dâu 3 năm đã chia sẻ như thế.

Không những chỉ gây nên những bất hòa trong gia đình mà mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu còn dẫn đến những cái chết đau lòng mà vụ y tá Lê Thị Hương Mai ôm con tự tử trên dòng sông Lô thuộc địa phận thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ gây xôn xao dư luận cách đây 2 năm là ví dụ. Thương cảm cho cái chết của 3 mẹ con, nhiều người bất bình trước cách hành xử mất tình người của bà mẹ chồng, song cũng có không ít người trách chị Mai hành động thiếu suy nghĩ.

a2 kfmd jpg ashx

Mẹ chồng và con dâu có thể yêu thương nhau?

Câu trả lời là có, nhưng phải với rất nhiều điều kiện đến từ cả hai phía. Nếu nàng dâu chỉ có một mình cố gắng thì rất khó. Mà nếu gia đình nhà chồng thiện chí mà nàng dâu chưa có thiện chí gần gũi thì cũng rất khó Hay nói như bà Phạm Thái Liên – chuyên gia tư vấn tâm lý của Trung tâm tư vấn Linh Tâm thì mỗi người cần có kỹ năng ứng xử để hóa giải những mâu thuẫn đó, không để nó trở thành áp lực hay là rào cản ngăn cách hạnh phúc gia đình.

Theo bà Phạm Thái Liên, dù xã hội Việt Nam bây giờ đã văn minh và có sự cởi mở tương đối tốt giữa các mối quan hệ nhưng vẫn có những mâu thuẫn ngoài xã hội và trong gia đình. Người phụ nữ khi đi làm dâu là đến một môi trường mới với những mối quan hệ mới, chưa có cơ hội gần nhau, chưa có cơ hội hiểu nhau thì mâu thuẫn là chuyện tất yếu.

Vẫn còn những bà mẹ chồng có tư tưởng xưa cũ “Yêu nhau cũng thể mẹ chồng, nàng dâu!” (lưu ý đây là câu đúc kết có dấu chấm than đằng sau, mang tính đau xót, đọc lên đã thấy ngay rằng tình yêu ở đó khó có). Và mẹ chồng cho rằng “Mất tiền mua mâm phải đâm cho thủng” tạo ra suy nghĩ thủ thế, cảnh giác, đối kháng từ các nàng dâu.

Về phần mình, các nàng dâu vì bị ức chế nên cũng thiếu đi sự tỉnh táo để suy nghĩ rằng mình yêu chồng nên cũng cần yêu và trân trọng người đã sinh thành ra chồng, thay vào đó là con dâu – mẹ chồng miếng một, miếng hai cãi nhau cả ngày.

Theo lời khuyên của bà Phạm Thái Liên, cả mẹ chồng và nàng dâu cần phải biết kỹ năng để chung sống với nhau. “Đây là kỹ năng sống giữa những con người với nhau, mà đặc biệt đây là những con người trước đó thì xa lạ nhưng sau khi cưới hỏi lại trở thành mối quan hệ rất gần gũi, gắn bó, thậm chí gắn bó suốt cuộc đời nên kỹ năng ứng xử là vấn đề rất cần được quan tâm.

Đã nói đến kỹ năng thì đó là cái mà chúng ta phải học, người làm cha mẹ phải học suốt đời, người là con cái thì càng cần phải học bởi vì hai thế hệ có những suy nghĩ khác nhau, cách hành xử khác nhau.

Nếu chúng ta có kỹ năng ứng xử mà trên hết là sự tôn trọng người mình đang giao tiếp, người mình biết chắc chắn rằng sẽ gắn bó với mình, chia sẻ với mình. Lúc đó, sự tôn trọng sẽ khiến người ta tìm ra được cách ứng xử tốt nhất để hai bên dần hiểu được nhau” - bà Phạm Thái Liên nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Hồng Minh- Mai Hương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP