Liên quan đến trường hợp một thai phụ (mang thai 21 tuần) ở Quảng Ninh bị tai biến chết não sau khám phụ khoa tại Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội, nhiều bạn đọc Báo ANTĐ đặt câu hỏi, trong các trường hợp như thế này, liệu có thể cứu được mạng sống của thai nhi?
Phụ thuộc nhiều yếu tố
Về vấn đề trên, PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, các bệnh viện ở nước ngoài đã từng ghi nhận một số trường hợp bé sơ sinh chào đời khỏe mạnh dù thai phụ chết não vào thời điểm tuổi thai còn khá nhỏ. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đến nay, chưa ghi nhận trường hợp nào tương tự.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Bá Quyết, việc có cứu được thai nhi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đầu tiên, phải xem các chức năng của thai nhi, tim thai còn phát triển bình thường hay không và thai nhi phải được nuôi dưỡng tốt. Quan trọng hơn là nhu cầu, nguyện vọng của gia đình và khả năng chăm sóc đứa trẻ sau sinh.
“Những người chết não là những người sống thực vật. Nếu chức năng tim, thai vẫn phát triển bình thường thì chúng ta có thể kéo dài sự sống của người mẹ thêm thời gian để thai nhi phát triển lớn hơn, đủ tuổi có thể phẫu thuật cứu lấy đứa trẻ. Nhưng tiên lượng sức khỏe của đứa trẻ được sinh ra trong điều kiện như vậy thường không tốt do sinh thiếu tháng” - PGS.TS Vũ Bá Quyết nói.
Cũng về vấn đề này, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung - Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (cơ sở 2) cho biết, với những trường hợp thai phụ chết não khi thai nhi mới chỉ 21-22 tuần tuổi thì không thể mổ lấy đứa trẻ ra được. Trong trường hợp thai phụ vẫn có thể kéo dài được sự sống và thai nhi phát triển bình thường thì có thể tiếp tục duy trì sự sống thực vật của người mẹ để thai đạt đến tuần tuổi lớn hơn. “Nếu các chức năng của đứa trẻ vẫn phát triển bình thường thì ngay cả bệnh viện tuyến huyện cũng có thể cứu được đứa trẻ” - bác sĩ Lê Thị Kim Dung nêu rõ.
Cách điều trị của phòng khám 168 Hà Nội rất lạ đời
Trao đổi với báo chí về trường hợp của thai phụ Trần Thị T., Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Vũ Bá Quyết cho rằng, việc bác sĩ phòng khám này chỉ định điều trị viêm âm đạo cho bệnh nhân “bằng máy khí dung và dung dịch NaCl 0,9% pha với Gentamycin cùng Dexamethasone” là sai hoàn toàn. Bởi dung dịch là dùng để sát khuẩn, trong khi Gentamycin (kháng sinh) và Dexamethasone được dùng để tiêm.
Vì vậy, nếu dùng dung dịch NaCl 0,9% pha với 2 loại thuốc trên để rửa sát khuẩn là không có tác dụng. Trong hướng dẫn sử dụng thuốc không có cách dùng như vậy. “Tôi chưa thấy tài liệu nào nói dung dịch trên để điều trị viêm âm đạo. Nếu là bác sĩ thì không ai khuyên dùng và điều trị cho bệnh nhân như vậy” - PGS.TS Vũ Bá Quyết chia sẻ.
Tương tự, bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung cũng cho rằng, cách điều trị như vậy của Phòng khám 168 Hà Nội là rất… lạ đời. Bác sĩ Dung phân tích, trong thành phần thuốc rửa âm đạo có chứa Gentamycin. Đây là loại thuốc hạn chế sử dụng cho phụ nữ có thai vì sợ ảnh hưởng tới thai nhi.
Không những vậy, ngay cả với bệnh nhân thông thường, việc sử dụng Gentamycin trong phác đồ điều trị viêm âm đạo cũng không có nơi nào sử dụng. “Trong điều trị viêm âm đạo, không phải nhiễm trùng huyết thì không cần phải sử dụng tới huyết dịch. Bệnh nhân chỉ cần điều trị tại chỗ và cho uống thuốc” - bác sĩ Kim Dung phân tích.
Tác giả bài viết: Nguyễn Phan
Nguồn tin: