Kinh tế

Mất tiền triệu mỗi ngày vì cam rụng

Hàng trăm hộ trồng cam bù ở huyện Hương Sơn như đang ngồi trên đống lửa vì cam chín muộn, rụng nhiều gây thất thu hàng trăm triệu đồng.

Những ngày này, người dân các xã Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Thọ… (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), đang tất bật cho việc tìm thương lái, thị trường để xuất bán lứa cam bù chín muộn nhưng lại bị rụng nhiều.

Theo những người trồng cam nơi đây, thường lệ mọi năm, bắt đầu từ tháng 12 đến cuối tháng 2 năm sau là thời gian thu hoạch xong mùa vụ cam bù. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết nên toàn bộ diện tích cam các hộ trồng trên địa bàn huyện Hương Sơn đều chín muộn. Thời điểm này, cam mới bước vào thời kỳ thu hoạch. Vụ cam năm nay, người dân huyện Hương Sơn trồng tổng cộng khoảng 750 ha , trong đó có 450 ha cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Trường, Sơn Mai, Sơn Thọ…

Nhiều hộ dân trồng cam huyện Hương Sơn đang lo đổ nợ vì cam rụng đầy cội, rớt giá. Ảnh: Phạm Trường

So với những năm trước, năm nay, cam bù ở đây được nhận định là được mùa. Tuy nhiên, điều khiến người dân lo lắng vì thị trường tiêu thụ chậm, cam rớt giá thê thảm. Ngoài ra, nhiều ha cam đã cho quả nhưng người dân chưa kịp thu hoạch. Gặp thời tiết sương muối, hàng tấn cam rụng đầy gốc.

Năm 2016, cam bù được các thương lái mua tại vườn với giá 50.000-70.000 đồng/kg. Nhưng năm nay, từ đầu vụ giá cam chỉ ở mức dao động 20.000-40.000 đồng/kg. Thời điểm chính vụ như bây giờ, giá cam cao nhất cũng chỉ ở mức 30.000 đồng/kg. Tiền bán cam bù hầu như không bù được chi phí đầu tư chăm sóc, nhân công… khiến người dân như ngồi trên đống lửa, dở khóc dở cười nhặt từng rổ cam đi đổ.

Những đợt sương muối khiến hàng tấn cam rụng đầy cội. Ảnh: Phạm Trường.

Chị Trần Thị Thu Hiền (39 tuổi), người trồng cam ở xã Sơn Trường, cho hay gia đình chị hiện trồng khoảng 6 ha cam bù. 3 ha trong số đó đã cho quả nhiều, số còn lại gia đình chị mới trồng được 4 năm.

“Năm nay, vườn cam của gia đình cho khoảng 5-7 tấn/ha, nhiều hơn gần gấp đôi năm trước nhưng giá bán lại rớt thê thảm, cam loại 1 chỉ 30.000 đồng/kg. Cam bán không kịp lại gặp thời tiết sương muối nên cam thối rữa, rụng đầy cội. Tiền bán cam may lắm cũng chỉ đủ vốn”, chị Hiền nói.

Vừa dọn dẹp mớ cam rụng đầy gốc ở vườn cam gia đình, anh Trần Quang Hợp (37 tuổi, xóm 8, xã Sơn Trường), cho hay gia đình anh có hơn 4 ha cam bù, chủ yếu cho thu hoạch lứa đầu, vì anh mới vay ngân hàng đầu tư trồng thêm từ 3 năm trước nên cây chỉ mới cho quả bói.

“Hơn 100 gốc cam cho quả lứa đầu nhưng giá cứ thấp thế này chắc số tiền vớt vát được từ bán cam không đủ chi trả cho số nợ ngân hàng mà vợ chồng tôi vay để đầu tư trồng mới”, anh Hợp lo lắng nói.

Hàng ngày chị Hiền cùng cậu con trai út phải lên khu đồi trồng cam nhặt từng rổ cam rụng mang đi đổ bỏ. Ảnh: Phạm Trường.

Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Văn Hán, Phó chủ tịch xã Sơn Trường, cho biết năm nay cam ở đây tuy được mùa nhưng giá bán chỉ được 1/3 như các năm trước. Vì thế, nhiều hộ trồng cam rơi vào cảnh nợ nần. Cam bù ở đây đã có tiếng nhiều nơi, nhưng chủ yếu được xuất bán trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An và các tỉnh phía Bắc. Dù thế, hiện tại, người trồng cam vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định.

Ông Lê Quang Hồ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn, cho hay diện tích cam bù mỗi năm một tăng. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng. Cam bù chỉ tiêu thụ trong phạm vi nội địa nên giá thành không ổn định và nhiều rủi ro.

“Chúng tôi đã khuyến cáo bà con nông dân trồng cam bù theo quy chuẩn VietGap để tạo thương hiệu và tìm đầu ra ổn định hơn. Ngoài ra, địa phương cũng đang kêu gọi các công ty và doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh thu mua cam cho bà cona”, ông Hồ nói.

Tác giả bài viết: Phạm Trường

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP