|
Trong tháng 8, danh sách hãng xe Trung Quốc có mặt tại Việt Nam sẽ tiếp tục được nối dài bằng GAC - một thương hiệu thuộc tập đoàn ôtô Quảng Châu.
Khi đặt chân vào Việt Nam, GAC sẽ mang đến 2 mẫu xe xăng bao gồm SUV GS8 cùng với mẫu MPV cỡ lớn mang tên M8.
So với các đối thủ đồng hương, GAC khi xâm nhập thị trường Việt Nam đang đi theo một chiến lược tương đối khác biệt.
Tạm bỏ qua xe hạng thấp
Cụ thể, thông tin từ TC Services - đơn vị phân phối các dòng xe thương hiệu GAC tại thị trường Việt - cho hay GAC GS8 cùng với GAC M8 sẽ là những mẫu xe đầu tiên của thương hiệu này được giới thiệu đến khách hàng Việt Nam.
Trong đó, GAC GS8 là mẫu SUV cỡ D được định vị cùng phân khúc với Ford Everest, Hyundai Santa Fe, Toyota Fortuner, Kia Sorento hay Mazda CX-8 đang có mặt tại Việt Nam. Về phần mình, GAC M8 sẽ là cái tên cạnh tranh cùng Kia Carnival và Volkswagen Viloran trong phân khúc MPV cỡ lớn.
GAC M8 sẽ là một trong 2 mẫu xe đầu tiên của GAC tại thị trường Việt Nam. Ảnh: TC Services. |
Như vậy, GAC đang chọn những mẫu xe ở phân khúc cao hơn để trình làng khách hàng Việt Nam. Chiến lược này có phần khác biệt so với xu hướng chung của "làn sóng" ôtô Trung Quốc đang đổ bộ thị trường Việt, bởi phần lớn đối thủ đồng hương đã và đang lựa chọn các mẫu xe ở phân khúc thấp với giá bán dễ tiếp cận.
Cụ thể, MG quay trở lại Việt Nam vào năm 2020 và trình làng bộ đôi MG ZS cùng MG HS, được định vị lần lượt ở phân khúc SUV cỡ B và SUV cỡ C. Sau đó, thương hiệu này tiếp tục giới thiệu MG5 ở phân khúc sedan cỡ C nhưng sở hữu mức giá khá cạnh tranh so với các mẫu sedan cỡ B trên thị trường.
Thương hiệu Beijing thuộc tập đoàn BAIC cũng từng xâm nhập thị trường Việt vào năm 2020 với Beijing X7 - mẫu xe được định vị ở phân khúc SUV cỡ C và có giá bán tại thời điểm ra mắt dưới 700 triệu đồng. Hãng này sau đó tiếp tục trình làng U5 Plus trong phân khúc sedan cỡ C và tương tự MG5, giá bán của U5 Plus cũng khá cạnh tranh khi đặt cạnh những mẫu sedan hạng dưới.
Beijing từng trình làng X7 và U5 Plus tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Hoàng Tuấn. |
Mới đây, BYD đã đưa về Việt Nam 3 mẫu xe điện đầu tiên bao gồm BYD Dolphin, BYD Atto 3 và BYD Seal. Trong số này, chỉ BYD Seal nằm ở phân khúc sedan cỡ D, còn BYD Dolphin được định vị ở phân khúc hatchback cỡ B và BYD Atto 3 cạnh tranh cùng các đối thủ trong nhóm SUV cỡ B.
Nhìn chung, phần lớn hãng xe Trung Quốc tham gia thị trường xe Việt trong giai đoạn gần đây đều chọn các sản phẩm "chào sân" ở phân khúc phổ thông với giá bán dễ tiếp cận và xấp xỉ quanh mốc 700-800 triệu đồng. Một số trường hợp khác biệt tương tự GAC có thể kể đến như Lynk & Co với mẫu SUV 09 (từ 2,199 tỷ đồng) hay Haval H6, dù là một mẫu SUV cỡ C nhưng được định giá gần 1,1 tỷ đồng ở thời điểm ra mắt.
Chờ chiến lược giá của GAC
Với những gì đã đề cập phía trên, việc GAC lựa chọn GS8 và M8 là những sản phẩm "chào sân" thị trường Việt Nam có thể khiến hãng xe này phải "đau đầu" trong việc lựa chọn chiến lược giá phù hợp.
Hiện, các đối thủ của GAC GS8 đang có giá bán xấp xỉ quanh mốc 1 tỷ đồng, còn khoảng giá tham chiếu của phân khúc MPV nơi GAC M8 sắp gia nhập cũng không thấp hơn con số vừa nêu. Với việc là một hãng xe Trung Quốc và cũng phần nào ít "tiếng tăm" hơn so với các đối thủ đồng hương, việc định giá cao ngay trong màn chào sân có thể khiến GAC gặp khó tại thị trường Việt.
Loạt đối thủ của GAC GS8 hiện có giá bán quanh mốc 1 tỷ đồng. Ảnh: TC Services. |
Trước đó, BYD cũng từng phải khá thận trọng trong việc định giá loạt sản phẩm đầu tiên tại thị trường Việt Nam thông qua nhiều buổi lái thử và ghi nhận ý kiến phản hồi từ cộng đồng. Mức giá sau cùng mà BYD chọn cho Atto 3, Dolphin hay Seal có thể chưa làm hài lòng toàn bộ khách hàng, nhưng được xem là mức hợp lý nhất nếu xét đến nguồn nhập khẩu hiện tại của nhóm xe này.
Trong khi đó, Chery vẫn đang khá e dè tại Việt Nam khi tiếp tục hoãn lịch ra mắt và công bố giá bán sản phẩm dù đã nhiều lần tổ chức lái thử và giới thiệu đến khách hàng cũng như truyền thông. Trước mắt, mẫu SUV cỡ B Omoda C5 sẽ là cái tên đầu tiên được trình làng, sau đó đến lượt Jaecoo J7 - mẫu SUV cỡ C được trang bị động cơ hybrid tương tự Honda CR-V e:HEV RS.
Vấn đề tương tự có thể sẽ khiến GAC phải đau đầu. Dù được xác nhận sẽ sở hữu loạt công nghệ và tính năng an toàn tiên tiến, việc định giá GAC M8 và GAC GS8 ở mức cao có thể khiến GAC không dễ bán xe cho khách hàng Việt Nam.
Tại Việt Nam, ôtô Trung Quốc vẫn còn gặp phải một rào cản không nhỏ xuất phát từ định kiến trong quá khứ. Do đó, mức giá cao sẽ không phải là một yếu tố có thể thuyết phục được khách Việt "xuống tay" cho một mẫu xe Trung Quốc, bất chấp thực tế rằng sản phẩm của ngành công nghiệp ôtô từ quốc gia tỷ dân đã liên tục được cải thiện qua thời gian.
BYD từng khá thận trọng trước khi công bố giá bán dành cho 3 mẫu xe đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Đan Thanh. |
Nhìn chung, GAC cần tìm được một chiến lược giá phù hợp với thực tế thị trường Việt Nam, đồng thời không vô tình làm giảm giá trị của những mẫu xe vốn sở hữu công nghệ và trang bị tiên tiến. Tương tự vấn đề của các hãng xe Trung Quốc đang có mặt tại Việt Nam, giá bán dành cho M8 và GS8 sẽ là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của GAC.
Nếu có thể thành công tại thị trường Việt, nhiều khả năng GAC sẽ mang về những mẫu xe khác ở phân khúc thấp hơn. Trong số này, có thể GS3 ENZOOM sẽ sớm được mang về và cạnh tranh ở phân khúc SUV cỡ B - một trong những "điểm nóng" hiện tại của thị trường xe Việt.
Được biết, tập đoàn Tan Chong đã được chỉ định xây dựng nhà máy lắp ráp GS3 ENZOOM tại Malaysia với trị giá 12 triệu USD.
Nhìn chung, những nước cờ đầu tiên của GAC tại Việt Nam vẫn mang ý nghĩa thăm dò nhiều hơn là ngay lập tức thành công về doanh số. Tuy nhiên giá bán tốt sẽ là cần thiết để mục tiêu thăm dò tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn, thay vì chịu cảnh đìu hiu rồi lại lao vào cuộc đua hạ giá.
Tác giả: Phúc Hậu
Nguồn tin: lifestyle.znews.vn