Cuộc sống

Mái ấm của người đàn ông mang tội giết người vì ghen

Phát hiện người mình yêu có người con trai khác, trong phút không kiềm chế được bản thân, anh đã ra tay sát hại cô gái tội nghiệp.

Sau bản án 15 năm tù giam, trở về quê hương, từ hai bàn tay trắng, anh không nhưng tạo dựng được cho mình một cơ ngơi khang trang, mà còn xây dựng được mái ấm hạnh phúc.

Từ sau lần gặp anh tại Hội nghị Biểu dương mô hình, cá nhân điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng theo Nghị định số 88/NĐ-CP của Chính phủ, tôn vinh những người đã từng lầm lỡ, đứng lên làm lại cuộc đời do Công an tỉnh Nghệ An tổ chức vào năm 2014, sau rất nhiều lần hẹn, tôi mới có dịp gặp lại anh Nguyễn Năng Diện (47 tuổi) tại nhà riêng ở thôn 9 xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An).

Trong ngôi nhà hạnh phúc, cùng với người vợ hiền và đứa con trai kháu khỉnh, nghe anh hồ hởi chia sẻ về kế hoạch xây ngôi nhà mới trong năm nay, tôi thật tâm mừng cho anh chị.

Có được ngày hôm nay, ít ai biết rằng, anh chị đã trải qua một thời gian rất dài để nỗ lực vượt qua số phận, cả dư luận xã hội để chung tay làm lại cuộc đời. Bởi, phút xốc nổi của tuổi trẻ trong quá khứ đã làm nên một vết nhơ cuộc đời, và cướp đi 15 năm tuổi xuân trong chốn lao tù.

nguoi dan ong mang toi giet nguoi vi ghen
Anh Diện và con trai tại nhà riêng của mình.

Lỡ tay sát hại người yêu vì ghen tuông

Chia sẻ về quá khứ đã qua của mình, Nguyễn Năng Diện cho biết: Bản thân anh sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, đông anh chị em nên sau khi học xong phổ thông, anh ở nhà phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.

Trong thời gian này, với bản tính sôi nổi, anh tham gia sinh hoạt phong trào đoàn thể tại địa phương, quen biết rồi đem lòng yêu thương chị Nguyễn Thị H., một cô gái xinh xắn cùng tham gia hoạt động đoàn thanh niên với anh Diện.

Sau hơn một năm yêu nhau, hai gia đình đã qua lại, chuẩn bị làm lễ cưới thì anh phát hiện ra H., có người con trai khác.

Diện kể, nếu như ngày đó, khi anh tra hỏi mà H. thừa nhận thì anh sẽ để cho người yêu ra đi, song việc H. chối bay chối biến chỉ càng làm cho anh thêm tức tối. Sau một lúc cãi nhau, không kiềm chế được bản thân, anh đã dùng tay bóp cổ người yêu cho đến lúc H. lả đi. Lúc này, anh Diện hết sức ân hận song mọi việc đã quá muộn, H. đã bị chết ngạt.

Biết mình gây trọng tội, ngay sau đó Nguyễn Năng Diện đã đến cơ quan công an tự thú. Với hành vi giết người, anh đã phải chịu mức án 15 năm tù, thụ án tại Trại giam số 3, đóng tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An).

Tuổi trẻ bồng bột, nên khi mới vào trại giam, đối diện với bản án 15 năm tù, lúc đầu Diện cứ nghĩ cuộc đời đã chấm hết nên tâm trạng rất bi quan, chán nản. Thế nhưng, được sự động viên, khích lệ của cán bộ quản giáo, đặc biệt là sự thăm nuôi đều đặn hàng tháng của bố mẹ, anh đã bắt đầu lạc quan hơn, tu tâm để cải tạo, với mong ước sớm được trở về đoàn tụ với gia đình.

Thụ án được hơn 2 năm, bố mẹ cho biết đã đền bù xong thiệt hại cho gia đình bị hại, và bố mẹ của H. cũng đã tha thứ cho lỗi lầm của kẻ đã cướp đi sinh mạng của con gái họ, nên Diện càng có thêm động lực để phấn đấu, cải tạo tốt hơn. Và sự nỗ lực ấy đã được đền đắp xứng đáng khi anh 3 lần được giảm án, sau 7 năm 9 tháng thụ án, Nguyễn Năng Diện đã được đặc xá, trở về địa phương vào năm 2004.

Gia đình hạnh phúc của anh Diện.

"Tỉ phú" vườn đồi

Diện bảo, ngày về lại quê nhà, bản thân anh đã bị choáng ngợp thực sự, bởi quê hương đổi thay nhanh quá. Nhiều gia đình trước kia đang còn thiếu ăn ngày giáp hạt, nay đã xây dựng được nhà cao cửa rộng.

Nhìn mọi người xung quanh, anh lại mặc cảm bản thân khi thấy gia đình mình vẫn khó khăn như thuở nào, thậm chí còn nghèo khó hơn trước. Bao đêm gác tay lên trán suy nghĩ, Diện càng thêm tủi phận và mặc cảm, bởi anh biết một phần là do anh nên mới ra nông nỗi này.

Đang lúc vô phương hướng thì ban công an xã kêu anh lên để làm lại sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân. Cùng với đó, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã đến tận nhà để động viên, thăm hỏi khiến anh rất cảm động. Hơn thế nữa, thời điểm lúc bấy giờ, bản thân hoàn toàn tay trắng, song anh vẫn được chính quyền đứng ra bảo lãnh để vay ngân hàng số tiền 15 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Với những kinh nghiệm học hỏi được trong thời gian thụ án ở trại giam trên lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, anh Nguyễn Năng Diện quyết tâm khởi nghiệp ở ngay chính nơi mình vấp ngã.

Được anh em, bạn bè tin tưởng cho vay thêm 30 triệu đồng nữa, bản thân anh đã đầu tư vào phát triển kinh tế trang trại vườn rừng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, chịu khó tìm hiểu kinh nghiệm của những mô hình kinh tế khá giả, anh Diện đã từng bước tạo dựng được cơ ngơi vườn đồi với quy mô ngày càng lớn.

Đến nay, sau hơn 10 năm miệt mài hoàn lương, bản thân anh đã xây dựng được một cơ ngơi trị giá hàng tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động tại địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng mỗi tháng.

Trang trại của gia đình anh Nguyễn Năng Diện, với hệ thống chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp, từ nhiều năm nay được đánh giá là mô hình kinh tế điển hình của huyện Anh Sơn, trong đó cây trồng chủ lực là cây keo, một số cây ăn quả cho thu nhập cao như cam, chanh. Hiện nay, đàn hươu của anh cũng được đánh giá là quy mô lớn nhất nhì của huyện.

Anh Diện cho biết, không chỉ làm giàu cho gia đình, bản thân anh luôn đồng hành cùng với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, tham gia tích cực các chương trình từ thiện xã hội. Đồng thời, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn về vốn để phát triển sản xuất, bản thân anh cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho mọi người.

Cũng bởi vậy, từ việc xa lánh, kỳ thị trong thời gian anh mới thụ án trở về, nhiều người đã thay đổi thái độ, suy nghĩ, luôn gần gũi, quan tâm tới cuộc sống của gia đình anh.

nguoi dan ong mang toi giet nguoi vi ghen 2
Ngôi nhà nhỏ của anh chị sắp được phá bỏ để xây cơ ngơi mới khang trang.

Chia sẻ bí quyết thành công của mình, anh Nguyễn Năng Diện bật mí, đồng hành với anh trong những thời điểm gian khó nhất, không ai khác chính là người vợ hiền hiện tại của mình. Chị Nguyễn Thị Lĩnh (41 tuổi), là người con gái xã bên, cũng là người biết rất rõ về quá khứ của anh Diện.

Ngày anh thụ án ở trại giam, chị đang đi làm công nhân ở Hải Dương. Tình cờ gặp lại trong lần về quê nghỉ phép, chị Lĩnh đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho anh.

Kể về mối tình của mình, chị Lĩnh cho biết, ngày đó quyết tâm đến với nhau, hai anh chị cũng gặp rất nhiều rào cản, búa rìu dư luận, đặc biệt là bên phía gia đình chị. Bố mẹ, anh chị đã tìm đủ mọi cách để chia rẽ, bởi họ không biết sẽ ra sao khi trao con gái mình cho một gã vừa mới đi tù về với tội danh giết người. Song, chị Lĩnh thì biết rất rõ tương lai của mình, bởi chị hiểu tính và tin ở con người của Diện. Rồi cũng mãi đến năm 2007, hai anh chị mới chính thức thuyết phục được bố mẹ để về chung sống với nhau dưới một mái nhà.

Thêm một áp lực khác từ sau khi anh Diện kết hôn, ấy là việc anh chị cưới nhau nhiều năm nhưng không sinh được cháu cho ông bà bồng ẵm. Lúc này, những lời xì xào, thậm chí là cả cay nghiệt bắt đầu chĩa vào anh. Cho đến hơn 3 năm sau ngày cưới, cháu Nguyễn Đăng Long chào đời, anh chị mới viên mãn cầm tay nhau bước trên con đường hạnh phúc.

Năm con gà này, anh chị quyết tâm xây dựng ngôi nhà mới khang trang trên chính nền nhà cũ mà đại gia đình đang tá túc. "Mọi khó khăn đã ở phía sau lưng, giờ là lúc tri ân lại với những người đã đưa tay ra giúp đỡ lúc bản thân mình gặp khó khăn, và chị là một trong số đó. Phải xây nhà mới khang trang và to đẹp để vợ con không phải lo lắng mỗi khi mưa không thuận, nắng chẳng hòa", anh Diện tâm sự.

Thượng tá Nguyễn Hồng Tuyến, Trưởng Công an huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết: Nguyễn Năng Diện là một trong những điển hình tiên tiến về tái hòa nhập cộng đồng, tham gia phát triển kinh tế giỏi trên địa bàn. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn giúp đỡ nhiều trường hợp khác đồng cảnh ngộ đứng dậy sau vấp ngã, làm lại cuộc đời.

Năm 2014, anh Diện là đại diện duy nhất của huyện Anh Sơn được giới thiệu tại Hội nghị Biểu dương mô hình, cá nhân điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng theo Nghị định số 88/NĐ-CP của Chính phủ do Công an tỉnh Nghệ An tổ chức.

Từ mô hình này, Công an huyện cũng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình khác trên địa bàn, để người chấp hành xong án phạt tù yên tâm tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời sau vấp ngã

Tác giả bài viết: Thiên Thảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP