Trong nước

Ly kỳ những cây nến to như cột đình, cháy nửa ngàn năm ở miền Tây

Theo tính toán, phải mất tổng cộng 600 năm nữa, ngọn lửa leo lét mới đốt hết được những cây nến khổng lồ trong chùa Đất Sét.

Kỳ 1: Bí ẩn những cây nến to như cột đình

Sóc Trăng là tỉnh có nhiều đồng bào Khmer nhất và cũng là vùng đất có nhiều chùa chiền nhất Việt Nam. Trong số hàng trăm ngôi chùa ở Sóc Trăng, có ngôi chùa ít nổi tiếng, nhưng kỳ lạ nhất, đó là chùa Đất Sét.

Chùa Đất Sét có tên thực là Bửu Sơn, nằm khiêm tốn cuối đường Lương Định Của, TP. Sóc Trăng, đoạn giáp cánh đồng vắng vẻ.

Không mất tiền mua vé thăm chùa, không mất tiền gửi xe, du khách có thể thoải mái vào chùa thưởng ngoạn những tuyệt tác do bàn tay một con người kỳ lạ tạo ra từ mấy chục năm trước.

Chỗ bàn thờ chính, ngồi cạnh khối hình tròn màu đỏ có ngọn lửa cháy ở giữa, là ông Ngô Kim Giảng.

Ông là người được dòng họ giao trọng trách trông nom ngôi chùa, mặc dù ông đã mù cả hai mắt.

Hai mắt mù, nhưng đôi tai rất thính nhạy. Nghe thấy bước chân du khách, ông liền đọc bài giới thiệu lịch sử ngôi chùa, với giọng đều đều như một cái đài.


Ông Ngô Kim Giảng bên cây nến đã cháy mấy chục năm

Ngắt lời ông, tôi hỏi về hai ngọn lửa cháy ở bên cạnh ông, thì được ông cho biết, đó là hai ngọn nến khổng lồ, đã cháy 50 năm, cũng sắp tàn rồi.

Tôi thực sự giật mình kinh ngạc, vì chưa từng tận mắt, thậm chí chưa được nghe kể ở đâu trên thế giới này có hai ngọn nến lớn như thế, lại đã cháy những 50 năm chưa tắt.

Biết tôi ngạc nhiên, ông Ngô Kim Giảng ngừng lời giới thiệu về ngôi chùa, đứng dậy dắt tôi đi lại phía bàn thờ chính, nơi có hình ông Ngô Kim Tòng, người dựng nên ngôi chùa này, chỉ vào một cái cột và nói: “Cậu có biết cái gì đây không?”.

Tôi sờ nắn vào cái cột, thấy mát lạnh như sờ vào cột đá, nhưng cảm giác cái cột này không cứng như đá. Hình thù cột cũng không giống bất cứ chiếc cột trong ngôi chùa nào, vì nó lượn sóng rất đều quanh cột.

Hai chiếc “cột” được một con rồng làm bằng đất sét, thân sơn màu vàng, vây xanh, quấn quanh mình từ đế lên tận ngọn cây nến. Ngoài ra, còn có nhiều bông sen trắng rất đẹp tô điểm trên thân cột.

Chân đế “cột” bên phải có một con hổ thân trắng, sọc đen đứng gác và đế “cột” bên trái là sư tử thân xanh, mắt đỏ đứng chầu, trông rất dũng mãnh.

Ước chừng phải hai người ôm mới hết được vòng thân của những chiếc “cột” này.


Cây nến khổng lồ

Lại một lần nữa, tôi sửng sốt khi ông Ngô Kim Giảng cho biết, đó là hai cây nến khổng lồ, to gấp đôi hai cây nến đang cháy đến gốc.

Phía sau hai cây nến khổng lồ này, lại có 2 cặp nến nữa, cũng lớn tương tự, trông to sù sụ như hai cái cột đình.

Du khách tham quan chùa không thể nhận ra đây là những cây nến khổng lồ, nếu không được người trông coi chùa giới thiệu.

Tổng số, chùa Đất Sét có 8 cây nến, gồm 6 cây nến lớn và 2 cây nến nhỏ. Mỗi cây nến lớn cao 2,6m không kể chân đế, nặng chừng vài tạ mỗi cây, và hai cây nến nhỏ, có chiều cao tương tự, nhưng đường kính chỉ bằng nửa những cây nến lớn.


Du khách đến ngôi chùa đặc biệt này đều muốn chụp ảnh với cây nến khủng

Theo lời kể của ông Ngô Kim Giảng, hai cây nến nhỏ này được thắp từ ngày ông Tòng mất, cháy ròng rã đến nay đã 50 năm.

Theo dự đoán, mặc dù chỉ còn 20 cm nữa, nhưng phải chừng 4-5 năm nữa, ngọn lửa leo lét kia mới đốt hết hai cây nến này.

Sau khi hai cây nến nhỏ cháy hết, cặp nến lớn tiếp theo sẽ lần lượt được thắp lên.

Theo tính toán, để cặp nến lớn cháy hết, phải mất trên dưới 100 năm. Như vậy, nếu đốt từng ngọn nến một, thì cần 600 năm nữa, ngọn lửa mới “thiêu” hết được những ngọn nến này.

Còn nếu đốt theo cặp, những ngọn nến khổng lồ đã và sẽ thắp sáng cho ngôi chùa kỳ lạ này tổng số khoảng 350 năm.

Ngoài ra, trong chùa còn có 3 cây hương (nhang) khổng lồ, mỗi cây cao 1,5m, nặng 50kg và hiện chưa đốt. Theo lời di chúc của người sáng lập ngôi chùa, sau khi đốt hết những cây nến khổng lồ, mới tiếp tục đốt 3 cây nhang.

Còn tiếp…

Tác giả bài viết: Phong Bình

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP