Kinh tế

Lúng túng quản lý nghề nuôi yến

Do nghề nuôi yến mang lại hiệu quả kinh tế cao (hiện nay, giá 1kg tổ yến dù đã giảm so với nhiều năm trước nhưng vẫn trên 20 triệu đồng) nên nhiều gia đình có điều kiện đã tự cơi nới, nâng tầng, đầu tư nuôi yến ở bất kỳ nơi nào có thể

Tại hội nghị quản lý và phát triển nuôi yến tổ chức ở TPHCM cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nêu 2 vấn đề cần sớm thực hiện: Hoàn thiện khung pháp lý của ngành nghề nuôi (dẫn dụ) yến nhà; giao Cục Chăn nuôi cùng với Hiệp hội Yến sào Việt Nam (SFA) củng cố lại tổ chức này, thu hút cho được những doanh nghiệp lớn, hàng đầu về yến sào tham gia, giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc tham vấn và phản biện để đưa nghề này phát triển.

Tỷ lệ thành công dưới 50%

Theo SFA, so với các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, nghề dẫn dụ yến nhà của nước ta còn khá non trẻ. Năm 2003 mới xuất hiện ngôi nhà yến đầu tiên ở ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ, TPHCM), đánh dấu giai đoạn chuyển đổi thật sự từ khai thác tổ yến (yến sào) tự nhiên sang dẫn dụ yến vào nhà làm tổ.

Theo SFA, tính đến cuối năm 2016, có 41 tỉnh, thành trên cả nước nuôi yến với khoảng 5.800 nhà yến, tổng đàn chim yến ước khoảng 6,15 triệu con. Năm 2016, sản lượng tổ yến đạt gần 40 tấn, vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng, tạo ra sản phẩm hàng hóa tương đương 800 tỷ đồng.

Việc xây dựng nhà yến mới thay đổi từng tháng, tăng 20% - 30%/năm tùy theo địa phương; dự kiến đến năm 2020 sẽ có thêm 2.000 - 2.500 nhà dẫn dụ yến mới.

Chế biến tổ yến tại Trung tâm triển lãm yến sào Việt Nam (xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TPHCM). Ảnh: PHIÊU NHIÊN

Trong khi đó, theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, hiện 32/63 tỉnh, thành trên cả nước có nuôi chim yến, với tổng số 4.283 nhà yến. Nhiều nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là khu vực Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung.

Nhà yến cũng đã xuất hiện tại vùng Tây Nguyên, Bắc Trung bộ, kể cả đồng bằng sông Hồng. Thế nhưng, Công ty Yến sào Khánh Hòa - doanh nghiệp dẫn đầu về khai thác và chế biến sản phẩm từ yến, với nhiều công trình nghiên cứu về yến nhà - lại cho rằng, đến thời điểm hiện nay có trên 6.000 nhà yến và còn nhiều nhà yến đang xây dựng.

Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, tiềm năng phát triển nghề dẫn dụ yến ở nước ta là rất lớn, nhưng việc nghiên cứu kỹ thuật nuôi và chăm sóc yến để đảm bảo thành công và đạt hiệu quả cao trong điều kiện nuôi trong nhà lại chưa được quan tâm đúng mức. Việc quy hoạch các vùng nuôi chim yến chưa được thực hiện, trong khi nghề dẫn dụ yến vào nhà còn mang tính tự phát nên hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng.

Giống như ở Indonesia, Malaysia, các nhà yến ở Việt Nam cũng chỉ có 7% - 10% rất thành công, 10% - 12% thành công tốt, 15% - 20% thành công trung bình, 20% - 30% kém hiệu quả và 40% - 50% nhà yến không hiệu quả. Nguyên nhân là do cấu trúc xây dựng nhà yến cũng như kỹ thuật nuôi chưa đạt yêu cầu.

Quản lý nhà nước chưa theo kịp thực tế

Theo đại diện tỉnh Khánh Hòa, do nghề nuôi yến mang lại hiệu quả kinh tế cao (hiện nay, giá 1kg tổ yến dù đã giảm so với nhiều năm trước nhưng vẫn trên 20 triệu đồng) nên nhiều gia đình có điều kiện đã tự cơi nới, nâng tầng, đầu tư nuôi yến ở bất kỳ nơi nào có thể, không khai báo hay đăng ký, không qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Sự phát triển nhanh chóng và mang tính tự phát, thiếu kiểm soát gây ra nhiều hệ lụy, như: nhà nuôi trong nội thành, nội thị; nuôi chung với nhà ở, gần khu dân cư, trường học; việc vệ sinh tiêu độc sát trùng, phòng bệnh, giám sát dịch bệnh chủ động của cơ sở nuôi chưa đảm bảo; việc sử dụng âm thanh dẫn dụ yến ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng...

Hiện nay, việc giải quyết các nhà yến ở khu vực nội thành còn lúng túng về giải pháp. Nhiều người đặt vấn đề di dời nhà yến, nhưng tập tính của vật nuôi này rất khó di chuyển đi nơi khác nếu đã làm tổ ở đâu đó. Hầu như chỉ có thế hệ sau (con còn non) mới có thể di chuyển đi nơi khác.

Sự việc nhà yến trong nhà hát từng gây xôn xao vì dịch bệnh ở TP Phan Rang - Tháp Chàm mấy năm trước cho thấy, dù bị phun thuốc khử trùng làm chim chết hàng loạt nhưng những con còn sống sau đó vẫn quay về nơi này để làm tổ.

Vì vậy, dù được đánh giá là còn nhiều khả năng phát triển, nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu biết nhiều về các tập tính của vật nuôi hoang dã này nên chưa thể quản lý được. Hầu như việc quy hoạch đang thiên về vấn đề môi trường, quản lý dịch bệnh hơn là dựa theo tập tính của loài yến để có được sự thành công nhất định. Thực tế cho thấy, loài động vật hoang dã nuôi này có khuynh hướng thích sống (vào nhà làm tổ) ở vùng có dân cư hơn là vùng nông thôn hẻo lánh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển nuôi yến ngang tầm với các nước trong khu vực. Bộ NN-PTNT đánh giá đây là ngành hàng tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức, khi cơ quan quản lý nhà nước chưa theo kịp thực tế phát triển nên chưa có sự hỗ trợ hiệu quả và kịp thời.

Bộ NN-PTNT khẳng định, vật nuôi có lợi thế phải được đầu tư nghiên cứu căn cơ. Trước mắt, giao Công ty Yến Quân (TPHCM) và Công ty Yến Sào Khánh Hòa thành lập nhóm khảo sát, tìm hiểu hoạt động ở Malaysia và Trung Quốc, để tham vấn cho Bộ NN-PTNT trong việc hoàn thiện thể chế và cơ chế quản lý trước khi tính đến việc xuất khẩu chính thức tổ yến sang Trung Quốc cũng như quản lý chất lượng sản phẩm tổ yến được chế biến trong nước.
TPHCM là trung tâm nuôi yến lớn nhất cả nước. Đến cuối năm 2017, TP có 513 nhà yến tại 19 quận - huyện (nhiều nhất là huyện Cần Giờ, chiếm 45%); số lượng đàn yến trên 958.900 con, huyện Cần Giờ chiếm 79% tổng đàn. Sản lượng khai thác năm 2017 khoảng 6.700kg. Kiên Giang cũng là tỉnh ở tốp đầu, kế tiếp là Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tiền Giang...

Tác giả: CÔNG PHIÊN

Nguồn tin: Báo Sài Gòn Giải Phóng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP