Pháp luật

Lùm xum vụ cấp phép cho doanh nghiệp nuôi hổ tại Nghệ An

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan quản lý CITES Việt Nam từ ngày 23-30/7, đã cho Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm nhập về Khu sinh thái Hòn Nhạn 9 cá thể hổ từ Cộng hòa Séc và Bỉ.

Vợ trùm buôn hổ Nghệ An được phép… nhập 9 con hổ

Vợ trùm buôn hổ được cấp phép nuôi hổ: Đúng quy trình

Khu sinh thái Hòn Nhạn được xây dựng khá công phu, kỳ công và an toàn cho việc nuôi nhốt hổ.


Sau khi nhập về, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An đã kiểm tra nguồn gốc xuất xứ số động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm (gồm hổ, panthera tigris 9 cá thể (6 cái, 3 đực).

Theo đó, các giấy tờ liên quan như: Giấy phép CITES xuất khẩu số: 16CZ025969 ngày 17/3/2016, của Cộng hòa Séc (Czech Republic). Giấy phép nhập khẩu CITES số: 16VN0800N/CT-KL ngày 3/6/2016 của cơ quan quản lý CITES Việt Nam. Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nhập khẩu vận chuyển số:1190/CN-ĐVCLKD ngày 23/7 của Trạm kiểm dịch động vật Nội Bài.

Đoàn kiểm tra đánh giá, số động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm là 9 cá thể hổ có nguồn gốc, nhập khẩu hợp pháp. Cả 9 cá thể hổ đều khỏe mạnh bình thường.

Cấp phép đúng Luật bảo tồn đa dạng sinh học và Nghị định 160/2013/NĐ-CP.

Trước đó, như Dân trí đã có bài phản ánh, năm 2015, Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm triển khai làm dự án Vườn sinh thái động vật Hòn Nhạn với mục đích nuôi các loài hổ, gấu... để phát triển làm khu du lịch. Tháng 5/2015, Công ty Bạch Ngọc Lâm đã được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý chủ trương đầu tư dự án với tổng số vốn 70 tỷ đồng.

Ngày 29/1/2016, sau khi các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An tiến hành thẩm định, kiểm tra thực tế về điều kiện, cơ sở vật chất, chuồng trại... UBND tỉnh Nghệ An đã cấp giấy phép đồng ý cho Công ty Bạch Ngọc Lâm nuôi trồng loài được ưu tiên bảo vệ (Hổ).

Những cá thể hổ mới được nhập về từ Bỉ và Séc.


Ngày 31/1/2016 vừa qua, sau khi xây dựng xong hạng mục nuôi nhốt hổ trên diện tích 21.750 m2 đất, phía Công ty Bạch Ngọc Lâm đã hoàn thành việc tiếp nhận 15 cá thể hổ (gồm 7 cá thể đực và 8 cá thể cái) do Công ty TNHH sinh thái Mường Thanh cho tặng.

Dự án Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn được phía công ty bắt đầu lên kế hoạch triển khai dự án vào năm 2014 trên diện tích đất hơn 62 nghìn m2. Đại diện pháp luật của Công ty là bà Nguyễn Thị Liên - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bạch Ngọc Lâm.

Sau khi Công ty Bạch Ngọc Lâm được cấp phép nuôi hổ, một số dư luận cho rằng việc làm này không phù hợp. Bởi chồng bà Liên là ông Phạm Văn Tuấn đã từng mang 2 tiền án liên quan đến việc buôn bán hổ. Nhiều người hoài nghi việc cấp phép cho vợ trong khi chồng từng mang tiền án liệu có bị chi phối, ảnh hưởng đến việc nuôi hổ hay không?

Giấy phép của UBND tỉnh Nghệ An.


Ngày 18/5/2016, Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) cũng đã có Công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị về việc cấp phép nuôi hổ cho Công ty Bạch Ngọc Lâm. Trung tâm này cho rằng việc cấp phép cho Công ty Bạch Ngọc Lâm trong là có phần vội vàng và việc tham chiếu điều 42 Luật đa dạng sinh học là chưa đúng.

Để làm rõ, minh bạch về quy trình, quy định cấp phép nuôi hổ cho Công ty Bạch Ngọc Lâm, ngày 4/7/2016, Sở NN&PTNT Nghệ An phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức buổi làm việc với đại diện các Sở, Ban ngành tỉnh Nghệ An liên quan để rà soát hồ sơ, các văn bản quy phạm pháp luật cũng như những yêu cầu mà EVN đưa ra liên quan đến nội dung cấp phép nuôi động vật thuộc Danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (hổ).

Sau nhiều bàn cãi, ngày 7/7/2016, UBND tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp cùng các Sở liên quan họp bàn và đưa ra các phương án, phân tích các văn bản quy phạm pháp luật để có câu trả lời thích đáng nhất tới những người liên quan và ENV.


Tại buổi làm việc, đại diện các Sở, Ban ngành đã nêu ra những vấn đề, phân tích những nội dung, các quy định của pháp luật và khẳng định việc UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy phép nuôi hổ cho Công ty Bạch Ngọc Lâm là đầy đủ thủ tục, đầy đủ hồ sơ, đúng quy trình, đúng quy định pháp luật.

Ngày 7/7/2016, Sở NN&PTNT cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An báo cáo việc cấp Giấy phép nuôi loài thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ (Hổ) cho Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm.

Các Sở, Ban ngành liên quan họp vụ việc ENV phản ánh. Sau cuộc họp này, các bên đã đi đến kết luận, việc UBND tỉnh cấp phép cho Cty Bạch Ngọc Lam nuôi hổ là đúng quy định của pháp luật.


Trong Công văn, Sở NN&PTNT khẳng định cơ sở pháp lý, thủ tục, quy trình tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Giấy phép nuôi trồng loài ưu tiên bảo vệ cho Công ty Bạch Ngọc Lâm là đúng quy định, đúng Luật bảo tồn đa dạng sinh học và Nghị định 160/2013/NĐ-CP.

Để minh bạch hóa việc cấp giấy phép và đảm bảo an toàn, Sở NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, chủ đạo hoạt động nuôi nhốt Hổ tại Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn của Công ty Bạch Ngọc Lâm.

Mọi tài sản của công ty thuộc sở hữu của bà Liên.

Liên quan đến việc cấp phép nuôi hổ cho bà Liên (đại diện Công ty Bạch Ngọc Lâm) trong khi người chồng vi phạm pháp luật, thì ông Nguyễn Tiến Lâm - PGĐ Sở NN&PTNT Nghệ An khẳng định việc tham mưu, cấp phép cho Công ty Bạch Ngọc Lâm là đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Trong Công văn Sở NN&PTNT Nghệ An gửi UBND tỉnh cũng khẳng định thông tin về quy trình, quy định cấp phép là đúng và việc cấp phép cho bà Liên (đại diện công ty) không hề liên quan đến ông Phạm Văn Tuấn (chồng bà Liên). Việc hành vi vi phạm pháp luật của ông Tuấn không ảnh hưởng đến việc xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và Giấy phép nuôi hổ của Công ty Bạch Ngọc Lâm.

Chuồng trại tại Khu sinh thái Hòn Nhạn xây tường cao, rào chắn thép.


Vì trong hồ sơ, ông Phạm Văn Tuấn không có chức vụ, quyền hạn gì trong Công ty nên không có quyền định đoạt, can thiệp với Công ty Bạch Ngọc Lâm. Mọi tài sản của công ty thuộc sở hữu của bà Liên. Do đó, bà Liên được sử dụng và định đoạt theo quy định của pháp luật và điều lệ của công ty.

“Ông Tuấn không có quyền hành, chức vụ gì trong công ty Bạch Ngọc Lâm. Không có quyền điều hành, định đoạt gì nên phải theo luật mà làm chứ không thể trái được. Về luật họ không sai.

Nếu không cấp phép cho Công ty Bạch Ngọc Lâm thì lại trái pháp luật. Bây giờ, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên việc nuôi hổ này”, ông Lâm khẳng định.

Văn bản trả lời cơ quan chức năng về việc nuôi nhốt hổ tại Khu sinh thái Hòn Nhạn.


Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chi cục Kiểm Lâm Nghệ An cho biết, đơn vị này cùng các cơ quan chức năng cũng thường xuyên đi kiểm tra các cơ sở nuôi hổ nuôi hổ của Vườn sinh thái động vật Hòn Nhạn.

“Chúng tôi thường xuyên đi kiểm tra, thông thường thì hàng tháng sẽ đi kiểm tra. Hoặc thấy có vấn đề, tin báo nào đó liên quan cũng sẽ tổ chức đi kiểm tra đột xuất về chất lượng, quá trình nuôi nhốt hổ.

Về chuồng trại thì chưa có quy chuẩn rõ ràng, chính xác nên cũng rất khó. Tuy nhiên, cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát kỹ”, ông Cường nói.

Những phân tích, đánh giá đã được làm rõ tại cuộc họp.


Trao đổi với PV, ông Nguyễn Sỹ Quyết - Đại diện Công ty Bạch Ngọc lâm cho biết, vào cuối tháng 7/2016 vừa qua, cơ quan CITES đã đồng ý cho Công ty này nhập khẩu thêm 9 cá thể hổ có nguồn gốc từ Cộng hòa Séc và Bỉ. Tổng cộng hiện tại Khu sinh thái Hòn Nhạn đang nuôi nhốt 24 cá thể hổ.

Sau khi nhập số hổ này về nuôi, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cũng đã tiến hành kiểm tra và đánh giá các cá thể hồ đều có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh.

“Mục đích chính là nuôi dưỡng bảo tồn các nguồn gen quý hiếm của các loại động vật hoang dã, phục vụ nghiên cứu, giáo dục cho quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn này. Ngoài việc bảo tồn, công ty không hề có mục đích nào khác (phi thương mại - PV).

Hiện công tác nuôi hổ tại Khu sinh thái Hòn Nhạn đã đáp ứng được các tiêu chuẩn.


Việc ông Tuấn từng có tiền án giết hổ nhưng bà Liên - Giám đốc, đại diện cho Công ty Bạch Ngọc Lâm được cấp phép làm dự án Vườn động vật sinh thái trong đó có nuôi hổ là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Người chồng có thể vi phạm nhưng không có liên quan gì đến công ty thì không ảnh hưởng gì đến việc cấp phép này cho công ty. Chúng tôi khẳng định là ông Tuấn không liên quan gì đến công ty và dự án Vườn động vật sinh thái này”, ông Quyết chia sẻ.

Để có cái nhìn khách quan, những ngày cuối tháng 8, chúng tôi đã có mặt tại Khu sinh thái Hòn Nhạn - nơi đang nuôi nhốt 24 cá thể hổ. Hiện khu nuôi nhốt đã hoàn thiện, một số hạng mục đang gấp rút xây dựng. Những cá thể hổ đều rất khỏe mạnh. Mỗi tháng một lần, Hạt kiểm lâm Diễn Châu đều có kế hoạch kiểm tra, giám sát khu vực nuôi nhốt của đơn vị này.

Người chăm sóc hổ tại khu sinh thái Hòn Nhạn.


Liên quan đến vấn đề này, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV - bày tỏ với báo chí: ENV cho rằng việc cấp phép gây nuôi hổ và các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm cho một đối tượng đã có hai tiền án tội phạm liên quan đến ĐVHD là một việc làm hết sức vô lý của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An.

Cũng theo vị đại diện ENV, hơn 30 năm qua, quần thể hổ của Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đã bị suy giảm nghiêm trọng. Theo Liên minh Bảo tồn hổ quốc tế (ITC), trên thế giới chỉ còn khoảng 3.500 cá thể hổ hoang dã.

"Qua nhiều năm điều tra, ENV có thể khẳng định rằng hầu hết các trại nuôi hổ hiện nay không hoạt động vì mục đích giáo dục và bảo tồn mà thực chất là để hợp pháp hóa các hoạt động buôn bán hổ bất hợp pháp. Với quyết định của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, chúng ta đang đặt số phận của những cá thể hổ mang danh nghĩa phục vụ lợi ích giáo dục bảo tồn trong tay một tên trùm buôn bán, tàng trữ hổ”, bà Hà quan ngại.


CITES (viết tắt trong tiếng Anh Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora - Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) hay Công ước Washington (Washington Convention) là một hiệp ước đa phương .

Bản thảo của nó được thông qua năm 1963 trong một cuộc họp các thành viên của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Công ước được đưa ra ký kết năm 1973 và có hiệu lực từ ngày 1/7/1975.

Mục đích của công ước này nhằm đảm bảo rằng việc thương mại quốc tế các tiêu bản của các loài động vật và thực vật hoang dã mà không đe dọa sự sống còn của các loài này trong tự nhiên, và nó cũng đưa ra nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật.

Mặt khác để đảm bảo rằng Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) không bị vi phạm, Ban thư ký GATT được tư vấn trong suốt quá trình soạn thảo.

Việt Nam tham gia vào Công ước CITES năm 1994 và trở thành thành viên thứ 121/178 quốc gia. Để thực thi CITES Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển gây nuôi và trồng cấy nhân tạo các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.

Cơ quan quản lý CITES đặt tại Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Các cơ quan khoa học CITES bao gồm Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên và môi trường, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Viện nghiên cứu Hải sản.

Tác giả bài viết: PV

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP