Giáo dục

Lùm xùm nhà sư bảo vệ luận án tiến sĩ

Ngay sau khi có thông tin về buổi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh (NCS) Phan Thị Lan (Ni sư Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề, Hà Nội), dư luận đã xuất hiện một số bình luận nghi ngờ về qui trình ngắn hạn bất thường cũng như việc bốn anh chị em đều là nhà sư làm tiến sĩ trong cùng một thời gian.

Ni sư Thích Đàm Kiên (bìa trái, ngồi) tham dự lễ bảo vệ của em gái - ni sư Thích Đàm Lan (người đứng). Ảnh: Nguồn Internet


Trước nghi vấn “10 tháng nhận được bằng tiến sĩ (TS)”, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội &Nhân văn (ĐH KHXHNV), phụ trách đào tạo đã cung cấp một số thông tin về quá trình 5 năm, thi tuyển, học tập và chuyển mã ngành (từ Triết học sang Tôn giáo học) trước khi viết luận án của NCS Phan Thị Lan. Thông tin của ông Tuấn đã phần nào giải đáp thắc mắc tuy nhiên kết quả “NCS bảo vệ xuất sắc với số phiếu 7/7 từ Hội đồng Khoa học (HĐKH)” vẫn khiến nhiều người thấy khó hiểu, cho rằng ni sư Thích Đàm Lan được thiên vị, ưu tiên.

Nhà có 4 sư làm tiến sỹ

Ni sư Thích Đàm Lan kể bà ham học từ bé nhưng do gia đình nghèo, không có điều kiện, anh chị em bà chọn con đường tu hành để trau dồi trí tuệ. Ở tuổi 40, nhà sư này mới học đại học tại chức tại khoa triết ĐH KHXH NV. Năm 2005 ni sư cùng 8 nhà sư trong giáo hội đi thi thạc sĩ, do không học ôn cẩn thận cả 9 người trượt. Thời điểm đó, cả nhóm nản chí và sợ ngượng định từ bỏ, ni sư Đàm Lan động viên mọi người ôn thi lại, đến năm sau hầu hết đều đỗ. Hỏi “ni sư có nghĩ việc làm luận án thuận lợi là do có sự ưu tiên?”. Bà trả lời “Hôm tôi bảo vệ có 200 người dự gồm nhiều trí thức trong và ngoài lĩnh vực Phật giáo, chứng kiến phần trình bày, nếu tôi không xứng đáng thì Hội đồng chắc không bỏ phiếu bừa”.

Trả lời nghi vấn đạo văn, copy, thuê viết luận án, ni sư cho hay: “Tôi biết dùng vi tính nhưng không đủ nhanh để đánh luận án nên phải nhờ đệ tử. Tuy nhiên tôi khẳng định luận văn của tôi không đạo của ai, đây là công sức học tập nghiên cứu của tôi trong 5 năm qua”. Có thể trong thời gian tới, ni sư sẽ chỉnh sửa luận án để in sách “phòng trường hợp nội dung trôi nổi bị lấy cắp”.

Trong khi dư luận thấy lạ về việc “cả ba sư trụ trì anh chị em nhà sư cùng làm tiến sĩ", sư Lan tiết lộ “gia đình tôi có 6/7 anh em làm sư, 4 trong 6 nhà sư chúng tôi làm tiến sĩ. Bốn tiến sĩ chứ không phải ba như dư luận biết đâu”.

PGS.TS Nguyễn Hồng Dương, phản biện (ngồi giữa) và PGS.TS Trần Thị Kim Oanh, thư ký HĐKH (bìa phải).


GS TS Nguyễn Hữu Vui, người hướng dẫn luận án NCS Phan Thị Lan cho biết ông từng biết ni sư từ hồi làm khoá luận tốt nghiệp đại học, ông đánh giá đề tài “Đạo đức Phật giáo đối với văn hóa đạo đức người dân quận Long Biên, Hà Nội” của học trò “đáp ứng nội dung cơ bản của một luận án tiến sĩ”. Từng hướng dẫn 20 tiến sĩ, ngồi 20 hội đồng, giáo sư Vui bày tỏ “NCS chỉ là bước đầu vào ngưỡng cửa khoa học. Không có luận án nào không có sạn”.

Giáo sư hướng dẫn đánh giá NCS Phan Thị Lan đã rất cố gắng, có tính độc lập nghiên cứu, chủ động tiếp thu”. Được hỏi về độ xác đáng của kết quả bảo vệ xuất sắc, GS.TS Nguyễn Hữu Vui chia sẻ “Cá nhân tôi cũng có ưu ái vì đây là học trò cũ từ đầu những năm 2000 nhưng không có nghĩa tôi sẽ bỏ qua những hạn chế của NCS này”.

GS.TS Nguyễn Hữu Vui, người hướng dẫn, phát biểu tại buổi bảo vệ luận án NCS Phan Thị Lan.

Về việc ưu tiên thi cử , GS Vui cho biết khoảng 10 năm nay Ban Tôn giáo chính phủ có chính sách động viên, khuyến học để nâng cao trình độ học vấn cho giới tăng lữ. “Nhiều nhà sư chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông xin đi học bổ túc, rồi tiến dần lên học đại học, thạc sĩ, một số ít thành tiến sĩ. Bên Giáo hội Phật giáo cũng như ngoài đời ở xã hội ta, bằng cấp ngày càng được coi trọng. Năm nay, khoa Tôn giáo học ĐH KHXHNV chính thức tuyển sinh, số lượng sư nhập học đã có tới vài chục người”.

Theo GS Vui, khi nhìn thấy nhà sư theo đuổi học hành mọi người thường có thiện cảm hơn một chút, “tôi không ngồi hội đồng lần này nhưng đặt mình vào tình huống được bỏ lá phiếu thứ 7 quyết định xuất sắc thì dù đang phân vân ở mức 3/4 tôi sẽ thêm 1/4 nữa vì NCS đó là nhà tu hành”. Trường hợp luận án xuất sắc gặp những nghi vấn, Hội đồng KH phải giải trình với trường.

Từng nhận phản biện cho luận án của ni sư Đàm Lan, PGS TS Nguyễn Hồng Dương cho rằng qui trình học TS và bảo vệ luận án của NCS Phan Thị Lan hoàn toàn chặt chẽ. Qua ba lần bảo vệ đề cương, chuyên đề, bảo vệ cấp cơ sở, NCS tiếp thu chỉnh sửa và hoàn thiện lên rất nhiều. Trong phần phản biện PGS TS Hồng Dương đã nêu ra một số ưu khuyết điểm của luận án và góp ý về phương pháp để tăng tính chính luận “nếu sau này in sách, NCS cần bổ sung thêm con số dữ liệu, giảm bớt số đoạn viết chay giống báo cáo thành tích”.

Trong vai trò thư ký HĐKH, PGS.TS Trần Thị Kim Oanh trưởng khoa Tôn giáo học ĐHKHXHNV đánh giá “xét về nội dung so với mặt bằng XH luận án cực kỳ tốt”. Trước phản ứng nghi ngờ kết quả luận án trên mạng xã hội, TS Kim Oanh bày tỏ “Tôi thấy không công bằng lắm khi mọi người đưa chuẩn quốc tế để đánh giá luận án trong nước. Tôi từng bảo vệ tiến sĩ tại Nga, HĐKH có tới 18 người, tóm tắt luận án phải in ra 100 bản gửi qua bưu điện cho các chuyên gia thẩm định. Qui trình ở ta không có những khâu như thế”. Về nghi vấn NCS Phan Thị Lan không tự lực làm luận án, thư ký HĐKH khẳng định “Không có chuyện đạo văn. Ngoài ra HĐKH đọc phải có trách nhiệm với hậu luận án của NCS chứ”. “Chúng tôi đặt chất lượng lên hàng đầu, không ưu tiên đối tượng nào cả”.

+ GS.TS Nguyễn Hữu Vui cũng là thầy hướng dẫn cho NCS Phan Thị Kim (Ni sư Thích Đàm Kiên, Trụ trì chùa Phổ Minh (Hải Phòng), chị gái của ni sư Thích Đàm Lan). Cùng thời gian tới ông được mời làm Chủ tịch HĐKH lễ bảo vệ luận án của NCS Phan Nhật Trinh (Hòa thượng Thích Nguyên Hạnh, Trụ trì chùa Tảo Sách (Hà Nội) - anh trai của hai ni sư kể trên).

+ PGS TS Nguyễn Hồng Dương cũng được mời phản biện luận án TS của NCS Phan Thị Kim (Ni sư Thích Đàm Kiên).

+ PGS TS Trần Thị Kim Oanh là người hướng dẫn luận án của NCS Phan Nhật Trinh (Hòa thượng Thích Nguyên Hạnh)

Tác giả bài viết: Hoàng Hoa

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP