Xã hội

Lời nguyền về “ma thuốc độc” giữa đại ngàn

Từ lâu, “thuốc thư” hay còn gọi “ma thuốc độc” đã ngự trị trong tâm trí người dân vùng sơn cước Kim Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Thoảng hoặc người ta vẫn nghe thấy những câu chuyện mang đậm màu sắc liêu trai về việc bỏ độc hại người. Có những con người từ khi sinh ra đến lúc “nhắm mắt xuôi tay”, họ luôn mang trong mình nỗi sợ hãi tột cùng. Thực hư câu chuyện chưa ai dám khẳng định, tuy nhiên đã không ít chuyện đau lòng liên quan đến những tin đồn quái ác như thế.

Bí quyết “nuôi ma”

Một sáng cuối đông, cây cầu nối dài hai xã Lê Hóa và Kim Hóa (đều thuộc huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) vắng người qua lại. Xa xa, sau lũy tre làng là xã Kim Hóa. Là một xã miền núi, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả, vậy mà mấy năm trở lại đây, bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền, người ta còn phải canh cánh trong lòng nỗi lo về con “ma thuốc độc”. Để rồi từ đó, những hệ lụy cũng bắt đầu nảy sinh. Mối quan hệ hàng xóm, láng giềng bị rạn nứt; những người trót bị “đổ thừa” là có khả năng “bỏ bùa, bỏ bả” thì bị cô lập trong vô vàn ánh mắt hoài nghi, kinh sợ, thậm chí là tẩy chay của cả cộng đồng.

Để tìm rõ thực hư, tôi tìm đường vào nhà cụ Trần Thị Thi (86 tuổi), một lão niên ở Kim Hóa. Cụ Thi kể, chuyện “ma thuốc độc” có từ rất lâu rồi, chả ai còn nhớ nữa. Chỉ biết rằng xưa kia vùng đất này nghèo lắm, ngày ngày đàn bà phải xuống đồng mò của, bắt ốc còn đàn ông thì lên rừng kiếm măng, kiếm củi. Thời gian cứ thấm thoắt trôi, người dân vẫn chân lấm tay bùn mà cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Bấy giờ cánh đàn ông trong làng mới rủ nhau vào rừng săn thú mang về đổi gạo. Săn mãi, rừng cũng cạn kiệt, họ phải kéo lên mãi những cánh rừng đầu nguồn, mỗi chuyến đi kéo dài hàng tuần, thậm chí là hàng tháng trời. Rừng thiêng nước độc, lại do ăn uống kham khổ, nhiều người ngã bệnh, quặt quẹo trở về, có người không đủ sức lê tấm thân tàn qua “chín suối mười đèo”, đành nằm lại rừng xanh. Từ đó, những câu chuyện về một “con ma thuốc độc chuyên bắt người” cũng bắt đầu được lan truyền...

Cụ Trần Thị Thi (ngoài cùng, bên phải) và các cụ lớn tuổi trong xã Kim Hóa đang kể chuyện về “con ma thuốc độc”

Người ta kể rằng, rất ít người có khả năng “nuôi ma thuốc độc”. Bởi, để “nuôi” được “ma”, rồi từ đó chế ra độc dược, người ta phải bỏ ra nhiều công sức. Người chế thuốc bí mật lấy ba cái ria mép của con hổ, đem về bụi tre gần nhà và nhét vào một búp măng. Ba tháng mười ngày sau nó sẽ thành “con thuốc độc”. Muốn thuốc linh nghiệm, người “nuôi ma” không được tiết lộ cho ai, kể cả người thân trong gia đình. Lúc bỏ độc, người ta lấy một ít độc cho vào móng tay và “búng” vào thức ăn, hoặc xoa vào đầu của người cần bỏ. Không chỉ người mà ngay cả vật nuôi khi ăn phải loại “thuốc độc” này, sẽ chết bất đắc kỳ tử mà không rõ nguyên nhân. Ai càng “bỏ” được nhiều “độc dược”, hại chết càng nhiều sinh mạng thì sẽ phát đạt, giàu sang, phú quý. Còn nếu người nào “nuôi ma thuốc độc” mà không “bỏ” được ai, “ma” sẽ quay lại “cắn” cho tan cửa, nát nhà.

Cứ thế, câu chuyện về “thuốc thư”, về con “ma thuốc độc” được người dân đem đi rải vãi khắp nơi. Bao trùm lên vùng rừng xanh núi đỏ Kim Hóa này, đâu đâu cũng nghe váng vất những hồn ma, bóng quế. “Ma thuốc độc”, hình dong nó như thế nào không ai biết, thế nhưng những câu chuyện về nó được người dân thêu dệt chả khác nào có thể nhìn, thậm chí là sờ thấy. Những tin đồn ác ý kiểu như: “Nhà con ấy có thuốc độc, mua gì thì chừa mặt nó ra, ăn vào mắc phải thì khổ lắm”, hay: “Nhà bà ấy mấy đời làm “nghề” bỏ độc nên mới có cuộc sống giàu sang, sung túc thế chứ?! Con cháu mình ốm đau, èo uột mà nhà đó đứa nào đứa nấy khỏe mạnh, cường tráng, nuôi con gì cũng nhanh lớn, trồng cây gì cũng tốt tươi..., không nuôi con “ma thuốc độc” thì làm sao mà được vậy?”. Những câu chuyện hết sức huyễn hoặc, hoang đường ấy cứ nối dài ra mãi...

Khốn khổ vì tin đồn

Thời gian qua, các cán bộ xã Kim Hóa đã bỏ ra rất nhiều công sức lăn lộn khắp các bản làng để làm công tác tuyên truyền, giải thích cho đồng bào thôi nghĩ về con “ma thuốc độc”. Nhưng, những câu chuyện về “con ma thuốc độc” vẫn quấn bíu lấy quê nghèo mãi không thôi. Nó không chỉ gây hoang mang trong dư luận mà còn khiến nhiều gia đình tan cửa, nát nhà, nhiều phận người bị cô lập, tẩy chay. Thậm chí có một vài cặp vợ chồng trót bị gán cho cái tội “nuôi ma”, không chịu nổi điều tiếng cay độc của người đời đã phải bỏ xứ mà đi.

Đường lên xã Kim Hóa vắng người qua lại

Đáng buồn nhất là chuyện nhà anh Nguyễn Văn H (ở thôn Kim Trung, Kim Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình). Mấy năm trước, vợ anh H qua đời sau một cơn bạo bệnh, anh “gà trống nuôi con”. Khi các con đã trưởng thành, anh H tính “đi bước nữa” để có người bầu bạn sớm hôm. Người được anh H chọn là chị Nguyễn Thị H, nhà ở xóm bên. Tưởng có bàn tay phụ nữ thì gia đình anh H sẽ thêm phần yên ấm, nào ngờ mọi rạn nứt cũng bắt đầu từ đây. Do không tìm được “tiếng nói chung” nên chị H và mấy đứa con anh H liên tục xảy ra mâu thuẫn và cãi vã. Không khí gia đình ngày một nặng nề, u ám.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Nguyễn Văn M (SN 1986), con trai thứ hai của anh H đổ bệnh. Gia đình đưa M xuống bệnh viện chữa trị nhưng không khỏi. Nghe mách ở đâu có thuốc hay thầy giỏi gia đình lại khăn gói lên đường, nhưng tất cả đều vô vọng. Đến nước này, vợ M quyết định đi xem bói. Bóc quẻ đầu, thầy phán một câu xanh rờn: “chồng cô mắc thuốc độc, quá nặng không thể chữa trị”. Chưa rõ ngọn cành, hai vợ chồng M liền kết tội dì. Những cuộc khẩu chiến xảy ra với mật độ nhiều hơn, cuộc sống gia đình anh H chả khác nào “địa ngục”. Ít lâu sau, M ra đi trong đau đớn, nỗi hoài nghi về việc vợ hai anh H biết “nuôi ma thuốc độc” ngày càng lớn dần lên...

Và, cũng chỉ vì những lời đồn quái ác đó mà không chỉ chị H, mà cuộc sống của cả gia đình anh H bị đảo lộn hoàn toàn. Bản thân chị H đi đâu cũng bị người dân soi mói, bàn tán nên sinh hoạt gần như bị tách khỏi cộng đồng, xã hội. Chị H cho biết: Gần đây, chị ít khi bước chân ra khỏi nhà, ngay cả việc đi chợ cũng hạn chế. Bởi lẽ, có lần chị đi chợ, lòng vòng mãi mà không ai chịu bán. Cực quá, chị xách làn về không. Kể từ đó, chị đành nhờ người thân đi chợ giúp...

Bi hài chuyện “bắt ma”

Rời nhà cụ Thi, chúng tôi tìm gặp bà Trương Thị Thú, một lão niên ở Kim Hóa. Khi câu chuyện mới vừa kịp bắt đầu thì như chợt nhớ ra điều gì, bà Thú hớt hải nói với đứa con dâu: “Đưa cháu Nhi đi khám nhanh lên, nó bị nôn từ lúc sáng đến giờ”. Nghe mẹ nói vậy, chị N - con dâu của bà Thú, vội vã chở con lên trạm xá. Sau khi bác sỹ đã thăm khám và cho uống thuốc, Nhi có vẻ đỡ hơn đôi chút nhưng sắc mặt vẫn còn ủ rũ. Mấy bà hàng xóm đương ngồi chơi liền buông lời “phán”: “Khéo nó bị ai bỏ độc rồi, phải đưa sang “thầy” mà bắt thôi!”. Nửa tin nửa ngờ, nhưng chị N cũng chả biết phải làm sao, đành chở con gái sang nhà “thầy” ở xã bên nhờ “bắt” “con ma thuốc độc”.

Lời nguyền về “ma thuốc độc” đang đè nặng bản làng

Theo chân chị N, vượt gần 50km đường rừng, chúng tôi có mặt tại xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình). Hỏi mãi chúng tôi mới tìm được nhà thầy Hùng, người được dân trong vùng đồn thổi là có biệt tài “bắt” ma. Nhà “thầy” có hai gian lợp cọ, một gian được bày bán hàng tạp hóa, gian còn lại đặt một chiếc giường. Thấy cháu Nhi còn nhỏ, “thầy” cho gọi đầu tiên. “Thầy” rót nước từ chiếc ấm sứt sẹo ra đầy một cái ly, rồi trịnh trọng đặt trên đầu con bé. Sau đó, hai mắt thầy nhắm nghiền, miệng lẩm nhẩm thần chú. Được năm phút, đặt ly nước xuống, để qua một bên rồi “thầy” lấy giấy trằng úp lại.

Xong xuôi, “thầy” lấy ly nước ra xem và phán: “Cháu trúng độc”. Gia đình ngỡ ngàng thì “thầy” giải thích: “Nước trong ly đã chuyển màu có nghĩa là cháu bị độc”. Sau đó, thầy bảo người nhà vén áo Nhi lên ngang rốn rồi ngậm rượu phun vào đó. “Độc đã thoát ra ngoài, người nhà mở lon nước ngọt cho cháu uống, về nhà nhớ kiêng vía lạnh và thịt gà thì bệnh sẽ khỏi”, “thầy” căn dặn, sau khi đã nhận từ tay chị N 200 ngàn tiền thù lao.

Đến người sau, “thầy” cũng làm tương tự. Tính trung bình, mỗi ngày thầy chữa bệnh cho hàng chục ca như vậy. Một người dân ở đây cho biết: “Ngày nào nhà thầy cũng tập trung đông người, mà toàn những người ở xa. Ai cũng muốn người nhà nhanh khỏi bệnh nên họ muốn “thử” chữa một lần xem thế nào?”. Chính vì cái tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” nên người kéo đến nhà “thầy Hùng” ngày một đông. Và, cũng chả ai biết cái thứ rượu thuốc “thầy” phun nó kỳ diệu thế nào, chỉ biết rằng có không ít người sau khi được “thầy” chữa bệnh còn hết lời khen ngợi: “Thầy giỏi mà có tâm lắm, những ai không bị độc thì thầy không lấy tiền. Một số người ở quê tôi, bệnh viện trả về, đến đây thầy “thổi” là thì khỏe lại”.

Chia sẻ với chúng tôi, Trưởng công an xã Kim Hóa cho biết: “ Chính quyền địa phương đã nhiều lần về tuyên truyền, vận động bà con về vấn đề mê tín di đoan. Thậm chí, chúng tôi còn tổ chức nhiều cuộc họp tại các thôn của xã để tuyên truyền, đấu tranh quyết liệt nhằm “hóa giải” lời nguyền độc địa tồn tại từ hàng mấy chục năm nay. Thế nên thời gian gần đây, tình trạng mê tín dị đoan đó cũng có phần thuyên giảm. Nhưng để “triệt tiêu”, loại bỏ hẳn luồng suy nghĩ đó của đồng bào thì cũng cần phải có thời gian”.

Tác giả: Đ.Lam

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP