Ngày ba mất tôi vừa tròn 2 tuổi, một mình mẹ bươn chải nuôi tôi khôn lớn nên người. Dù mẹ tôi trẻ đẹp, có nhiều người đàn ông theo đuổi, nhưng bà quyết không đi bước nữa, bà nói bà muốn giữ lời hứa trọn đời chỉ yêu mình ba tôi.
Bởi cuộc sống khó khăn, lại không có ba bên cạnh, nên cuộc sống của mẹ con tôi chỉ là sự tạm bợ. Ngày đó, trong nhà tôi chẳng có gì giá trị, ngay cả một chiếc ti vi cũng không có để xem. Vì thế, sau mỗi bữa cơm chiều, tôi thường xin mẹ sang nhà hàng xóm xem nhờ.
Mẹ tôi cũng thích xem phim nên có hôm hai mẹ con xem tới 9h đêm mới về. Tôi nhớ hôm đó trời mưa tầm tã, về tới nhà 2 mẹ con ướt nhèm. Khi đó, mẹ ôm tôi khóc, mẹ nói: "Mẹ xin lỗi, mẹ đã không thể cho con cuộc sống đầy đủ".
Đáp lại lời mẹ, tôi ngây ngô: “Sau này lớn lên con sẽ mua một chiếc ti vi thật to để hai mẹ con mình cùng xem mẹ nhé!”. Nghe xong mẹ ôm tôi vào lòng khen tôi ngoan.
Thời gian trôi qua, tôi lớn lên và trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin giỏi. Tôi không chỉ đạt thành tích cao mà còn được hỗ trợ ra nước ngoài tu nghiệp mấy năm. Sau khi về nước tôi làm phó giám đốc một công ty công nghệ thông tin có tiếng.
Cũng từ đây, cuộc sống của tôi có không ít thay đổi. Tôi giữ lời hứa năm xưa, xây nhà to, mua cho mẹ một chiếc ti vi màn hình phẳng. Tôi cứ nghĩ có tiền sẽ bù đắp được quá khứ khổ cực cho mẹ. Vì thế, mỗi tháng sau khi nhận lương tôi đều đưa cho mẹ một nửa.
Tôi hiểu ra rằng tiền bạc nhiều chẳng để làm gì cả (Ảnh minh họa).
Tôi cứ nghĩ đưa mẹ nhiều tiền mẹ sẽ vui. Tuy nhiên, tôi không hay biết mái tóc mẹ tôi đang bạc dần, sức khỏe cũng đang suy kiệt. Bà chờ đợi tôi từng bữa cơm, mong tôi trong từng giấc ngủ, nhưng tôi cứ mải miết đi mãi với những dự án mới.
Có hôm, mẹ chờ cơm tôi đến tận 11h đêm. Khi tôi về trong tình trạng say xỉn, tôi không hay biết rằng mẹ đang rất buồn lòng.
Sáng hôm sau mẹ nói: “Con à, sao con cứ đi suốt vậy, từ ngày con về nước, con chưa dùng với mẹ bữa cơm tối nào trọn vẹn. Có hôm con ngồi vào bàn ăn cũng chỉ qua loa, vội vàng”.
Thấy mẹ than phiền tôi gắt gỏng: “Con bận, sau này công việc ổn định con sẽ ăn cơm cùng mẹ, con đưa mẹ đi ăn đồ nướng, đồ chiên ở những nhà hàng sang trọng bậc nhật”.
Tôi nói xong lại rút ví lấy ra 4 tờ 500 nghìn đồng đặt vào tay mẹ.
Khi đó mẹ tôi đứng đó đôi mắt ngấn lệ: “Dạo này mẹ thấy mẹ không khỏe lắm con ạ. Mẹ nghĩ mẹ chẳng thể sống được lâu nữa đâu con ạ! Mẹ...".
Mẹ chưa dứt lời, tôi đã vội vàng ngắt lời: “Mẹ đừng nghĩ nhiều quá. Mẹ uống thêm sữa nhé. Đây con đưa mẹ thêm ít tiền nữa, mẹ mua thêm thuốc bổ uống nha. Chiều con sẽ nhờ anh Ân bên Mỹ đặt thêm cho mẹ ít thực phẩm chức năng nữa nhé”.
Đưa thêm tiền cho mẹ xong, tôi lấy vội chiếc áo ra xe phóng đi, để mặc mẹ mình ngồi đó, nước mắt lưng tròng.
Một tuần sau, tôi nhận được tin mẹ mình bị ung thư giai đoạn cuối. Một người hàng xóm đã báo tin cho tôi sau khi chở bà vào bệnh viện K. Người hàng xóm cũng nói, mẹ tôi đã từ chối các đợt trị liệu nên giờ bệnh tình rất nguy cấp.
Những ngày cuối bên mẹ trong bệnh viện tôi không khỏi xót xa ân hận. Mẹ tôi không thể ngồi dậy, bà khó nhọc khi ăn từng miếng cháo, uống từng ly sữa. Khi nhìn thấy tôi khóc, bà chỉ biết nắm tay tôi nói với tôi rằng: “Mẹ muốn được về nhà, mẹ muốn được ngồi ăn với con một bữa cơm”.
Sau bữa cơm chiều hôm đó, mẹ bảo tôi lấy cho mình bọc nhỏ, gói cẩn thận để đầu giường, cầm trên tay bà thều thào: “Bao năm qua, số tiền con gửi về cho mẹ để mua thuốc, đi du lịch mẹ không hề tiêu đến một đồng nào. Nay mẹ gửi lại con để con có thêm chút tiền phòng thân. Mẹ đi rồi con phải nhớ lấy vợ, sinh con lo hương khói cho cha mẹ nhé”.
Mẹ nói rồi trút hơi thở cuối cùng, tôi gào thét trong đau đớn. Tôi hiểu ra rằng tiền bạc nhiều chẳng để làm gì cả. Quan trọng là tình cảm giữa con người với nhau. Tôi cả đời sống, phấn đấu cũng chỉ mong mẹ có cuộc sống sung túc hơn. Nhưng rồi chính tôi lại bị đồng tiền, bị công việc cuốn vào mà quên mất mẹ tôi đang già theo năm tháng.
Tác giả bài viết: Nguyễn Dương Tùng (Hà Nội)
Nguồn tin: