Sáng 15-11, Quốc hội thảo luận về Luật Cạnh tranh (sửa đổi) bởi sau 12 năm thi hành, nhiều vấn đề bất cập đã lộ rõ. Luật Cạnh tranh cũ đã không còn theo kịp những biến động của thực tế trong nước và thế giới.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã có một bài phát biểu về cạnh tranh không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế. Ông Nghĩa cũng cảnh báo tình trạng Việt Nam đang thua khi cạnh tranh trên sân nhà và nguy cơ mất chủ quyền ngay tại quê hương mình.
Pháp Luật TP.HCM đăng nguyên văn bài phát biểu này.
Vừa qua có nhiều cử tri, nhất là DN quốc nội phản ánh nhiều bất hợp lý, điều bất công muốn được Chính phủ, Quốc hội quan tâm giải quyết thông qua Luật Cạnh tranh. Đó là trong hàng hóa và dịch vụ của VN vất vả để giành trên thị trường nước ngoài thì đang phải đấu tranh gian khổ trên thị trường trong nước trước sức ép của các nhà đầu tư, tập đoàn bán buôn bán lẻ và các nhà cung ứng nước ngoài.
ĐB Trương Trọng Nghĩa nói: "Gạo Cam-pu-chia khiến chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ" |
Một câu hỏi đặt ra là: Chúng ta hội nhập, mở cửa thu hút nhà đầu nước ngoài để làm gì? Câu trả lời có phải là tăng cường nội lực Việt Nam? Củng cố tăng cường chủ quyền Việt Nam? Việt Nam đuổi kịp thế giới bên ngoài, giữ vững, thậm chí còn mạnh hơn cả về bên trong, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng? Trước mắt là kinh tế khai thác các nguồn lực thị trường bên ngoài?
Đây là mục đích không chỉ của các nước chậm và đang phát triển khi tham gia các hiệp định thương mại tự do mà còn của các nền kinh tế phát triển ở mọi châu lục. Dù được che dấu bằng các từ ngữ rất hoa mỹ nhưng đều nhằm mục đích bảo hộ, ưu đãi, phổ cập ODA, chống phá giá, rào cản kỹ thuật… Những nhà đàm phán VN nắm quá rõ điều này. Và bên dưới những luật chơi công khai nằm trong các hiệp định, thực chất đó là cá lớn nuốt cá bé, khôn sống mống chết, không có bữa trưa miễn phí…
Chúng ta không kỳ thị các doanh nghiệp nước ngoài mà sẵn sàng đối xử tốt với từng quốc gia tuân thủ rào cản kỹ thuật. Nhưng điều quan trọng là hàng trăm tỉ USD xuất khẩu mỗi năm, hàng trăm tỉ USD đầu tư trực tiếp và hàng trăm tỉ USD đầu tư gián tiếp trong 20 năm qua đã mang lại gì cho nội lực của VN.
Nhiều tài liệu nghiên cứu, theo các chuyên gia và cơ quan nhà nước đã chỉ rõ chúng ta mất nhiều tài nguyên, thuế, lao động giá rẻ và đất cát cho các doanh nước ngoài. Nhưng kết quả mang lại không tương xứng. Các ví dụ ngành như thực phẩm chế biến, cơ khí, khoáng sản, may mặc, bán buôn, bán lẻ… đã cho thấy điều này.
Nhiều quốc gia xuất phát cực kỳ thấp, 100-200 USD/người, nhưng nay họ đã tăng lên 5.000 – 10.000 USD/người. Đặc biệt họ có những ngành công nghiệp tỉ lệ nội địa hóa rất cao tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, có những thương hiệu vững chắc trong chuỗi siêu thị của Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản. Gần đây nhất là gạo của Campuchia khiến chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ.
Nhiều năm trước chúng ta thấy hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài không đóng thuế thu nhập hàng chục năm vì họ luôn khai lỗ, trong khi doanh số thì tăng đều, kinh doanh thì mở rộng. Sau đó thì họ lại chuyển nhượng DN với giá cao và lợi nhuận thì không nhỏ.
Chúng ta phát động tỉ lệ nội địa hóa ngành ô tô, điện tử nhưng sau hàng chục năm thì không nhích lên như cam kết. Chúng ta mất nhiều thị phần trong nước lĩnh vực thức ăn gia súc, thuốc thú y, bán lẻ, dược phẩm, văn hóa. Nổi lên gần đây điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn. Đáng báo động là họ sẽ bị loại khỏi thị trường trong nước mà các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam hầu như bất lực trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chuyển giá, mua bán sáp nhập ở tầng trên và bên ngoài, trốn thuế bằng công nghệ cao, điều chuyển vốn của các cơ quan trong cùng tập đoàn.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, nhiều doanh nhân rơi nước mắt vì bị mất chủ quyền dù "doanh nghiệp được mua lại với giá ba đời ăn không hết" |
Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam bị hạch sách nhũng nhiễu, nhiều trường hợp không có phong bì thì không qua các cửa ải hành chính. Trong khi đó, chúng ta bất lực trước các vụ thắng thầu chỉ vì kê giá rẻ và cam kết công nghệ cao, nhưng năm sau thì đội vốn gấp đôi, giãn tiến độ, gian dối về chất lượng và công nghệ. Những dự án như vậy có vốn đầu tư lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng.
Nhiều doanh nhân Việt Nam rơi nước mắt khi bị mất chủ quyền ngay tại trên quê hương mình, ngay cả khi được nước ngoài mua lại vơi giá ba đời ăn không hết. Thật đau lòng khi con em chúng ta thuộc nhạc ngoại, mê phim ngoại, thần tượng diễn viên, ca sĩ ngoại, ăn uống theo cung cách ngoại, nhưng lại không biết các kiến thức cơ bản về đất nước.
Khởi đầu là kinh tế, sau đó đến văn hóa, y tế, giáo dục… chủ quyền của chúng ta bị xâm hại từng bước và mức độ ngày càng nghiêm trọng ngay trên chính quê hương mình. Nên chỉ luật cạnh tranh không thể giải quyết được mà cần các luật pháp khác và đồng bộ các chính sách. Song Luật cạnh tranh cần tăng cường nội lực của VN.
Tôi muốn chuyển những lời báo động của cử tri và nhất là DN quốc nội đến Quốc hội và Chính phủ. Bởi hiện trạng cho thấy những nỗ lực vừa qua là chưa đủ mạnh và trách nhiệm chưa đủ cao và cần có những giải pháp đột phá, cấp bách trước khi không thể cứu vãn được nữa.
Tác giả: CHÂN LUẬN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM