Kinh tế

Lọc dầu Dung Quất bán 5-6% vốn khi IPO

Lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn khẳng định sẽ cổ phần hoá theo lộ trình vào tháng 11 tới dù nhà đầu tư có lo ngại sau những bê bối của ngành dầu khí vừa qua.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc dầu Bình Sơn (BSR - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) cho biết doanh nghiệp sẽ bán 5-6% cổ phần ra thị trường trong đợt chào bán đầu tiên (IPO) vào tháng 11 năm nay. Bên cạnh đó là việc chào bán cho các nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược.

Lý giải về tỷ lệ bán khiêm tốn trong đợt IPO tới, ông Nguyên chia sẻ rằng con số đã được cân nhắc rất kỹ cùng đơn vị tư vấn. "Nếu bán nhiều hơn sẽ khiến giá trị doanh nghiệp thấp đi", ông Nguyên nói. Toàn bộ thông tin về xác định giá trị doanh nghiệp, giá chào bán lần đầu... sẽ được công bố vào tuần tới khi doanh nghiệp nhận được sự đồng ý từ Bộ Công Thương.

Lãnh đạo BSR cũng cho hay, việc thực hiện chào bán cổ phiếu của BSR sẽ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I, công ty sẽ tiến hành chuyển đổi thành mô hình cổ phần và thực hiện chào bán cho cán bộ nhân viên và IPO, hoàn thành trong năm 2017. Tiếp đến, BSR sẽ hoàn tất việc chào bán cho nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược trong vòng 12 tháng tiếp theo.

Nhà máy lọc dầu 3 tỷ USD sẽ tiến hành IPO vào tháng 11 tới. Ảnh: H.T

Do thuộc diện Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ (không giới hạn tỷ lệ bán), lãnh đạo BSR kỳ vọng có thể bán tới 36% cổ phần cho đối tác chiến lược có tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm trong lĩnh vực lọc - hóa dầu.

Chia sẻ thêm về thời điểm IPO nhà máy đang được cho "không mấy thuận lợi", ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV BSR thông tin, thực tế chủ trương cổ phần hoá nhà máy lọc dầu 3 tỷ đôla đã được ban lãnh đạo doanh nghiệp đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2013. Khi đó, công ty đã làm việc với đối tác tư vấn để lên kế hoạch chi tiết, song cuối cùng đã không được thông qua. "Tiếc là cơ chế hành chính đã không cho phép công ty cổ phần hoá sớm hơn", ông Giang chia sẻ.

Vị này thừa nhận, tình hình hiện tại khó khăn hơn, khi thị trường tài chính không thuận lợi, giá dầu thô giảm, và nhất là những bê bối trong ngành dầu khí vừa qua đang tác động, ảnh hưởng tới niềm tin nhà đầu tư.

"Liệu họ có sẵn sàng mua cổ phần của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mới vài năm, vài tháng trước còn rất tuyệt vời, nhưng nay lại đang có mây đen bao phủ?", Chủ tịch HĐTV BSR nêu trở ngại.

Nhìn nhận thời điểm này, doanh nghiệp như "người lữ hành trễ chuyến tàu", song Chủ tịch BSR khẳng định quyết tâm cổ phần hoá, "muộn còn hơn không làm".

Vị này còn cho rằng, BSR đang muốn việc cổ phần hoá được tiến hành càng sớm càng tốt để thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia vào quá trình phát triển, mở rộng nhà máy trong tương lai.

Về kế hoạch bảo dưỡng tổng thể lần thứ 3 kéo dài trong 52 ngày (5/6 - 26/7), ông Trần Ngọc Nguyên nói thêm, sẽ khoảng 6.000 đầu công việc được chia làm 7 gói thầu và đa số các đơn vị thầu tham gia là nhà thầu trong nước, thay vì nước ngoài như 2 lần bảo dưỡng trước.

Tác giả: Nguyễn Hoài

Nguồn tin: Báo Vnexpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP